'Cần thiết bổ sung ngành ô tô vào kinh doanh có điều kiện'

authorMạnh Long 06:55 22/11/2016

(VietQ.vn) - Nhiều ĐBQH đồng tình bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào kinh doanh có điều kiện.

Các Đại biểu Quốc hội ủng hộ việc đưa ô tô vào kinh doanh có điều kiện

Theo báo điện tử VOV, thừa uỷ quyền Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng đã trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Thẩm tra dự luật này, cơ quan thẩm tra cho biết vẫn còn 2 luồng ý kiến trái ngược nhau khi dự luật đưa sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Uỷ ban Kinh tế tán thành với việc bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Liệu có tái hiện Thông tư 20 khi đưa ô tô vào kinh doanh có điều kiện?(VietQ.vn) - Đưa ngành ô tô vào diện kinh doanh có điều kiện hoàn toàn không hạn chế người kinh doanh, nếu đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.

Đồng tình với tờ trình và thẩm tra về bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (đoàn TP HCM) phân tích, việc này nhằm tránh khuyến khích nhập khẩu mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và có nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác công nghiệp, thậm chí có thể biến tướng trong việc nhập khẩu xe mới, cũ.

Mặt khác, đại biểu Lộc cho hay, mặt hàng ô tô không phải là hàng hóa đặc biệt, sản phẩm phải thu hồi khi hết hạn sử dụng… Vì thế, nếu không quy định sản xuất, lắp ráp ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ ảnh hưởng lớn và vô tình sẽ khuyến khích nhập khẩu linh kiện, phụ kiện, xe cũ…

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) thì cho rằng, danh mục dự thảo luật đề xuất cần xem xét, bổ sung đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, ông Bảo cũng lưu ý, cần cân nhắc kỹ, phải vì toàn quyền lợi của người tiêu dùng, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, xe nhập khẩu không chính hãng không được hưởng các điều kiện bảo hành, bảo dưỡng theo đúng yêu cầu kỹ thuật của hãng xe; không phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam như khí hậu, thời tiết, tiêu chuẩn đường sá, nhiên liệu… là nguyên nhân tiềm tàng gây mất an toàn, ảnh hưởng tới môi trường.

Không đồng ý quan điểm cho rằng nếu đưa sản xuất, lắp ráp ô tô thành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tạo vị thế độc quyền, lợi ích nhóm, nữ đại biểu tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, việc này sẽ góp phần đảm bảo an toàn, môi trường, tạo sự cân đối hài hoà giữa các lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và nhà sản xuất.

'Siết' ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu kinh doanh ô tô: Rất cần thiết

Thông tin đăng tải trên báo Lao động, bên lề Quốc hội, Đại biểu Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện nguyên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết: Chính phủ đề nghị bổ sung ngành nghề sản xuất sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất cần thiết.

Cần thiết bổ sung ngành ô tô vào kinh doanh có điều kiện

Ông Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh. Ảnh: LĐ

Ông Tuấn nhấn mạnh: Việc Chính phủ đề nghị bổ sung lĩnh vực sản xuất sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là đã có sự tính toán kỹ lưỡng vì đây là ngành phải có một định hướng chiến lược phát triển.

Về phương diện phát triển, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang bị áp lực canh tranh lớn từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Malaixia. Hay nói cách khác, ngành ô tô trong nước đang bị một áp lực cạnh tranh rất lớn bởi các quốc gia láng giềng. Do vậy để phát triển ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô mang tính chiến lược đã được định hướng đòi hỏi phải có một hướng đi phù hợp.

Chuyên gia phân tích lý do: Vì sao cần 'siết' kinh doanh ô tô?(VietQ.vn) - Việc đưa sản xuất lắp ráp ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện được cho là có nhiều lợi ích với người dùng và thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển.

Cũng theo ông Tuấn, việc đưa ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là phù hợp với tình hình hiện nay.

Thêm vào đó, việc đưa sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện mang tính khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển tốt hơn để thực hiện chiến lược phát triện ô tô theo định hướng đã được đạt ra.

“Tôi nghĩ đây là bước đi đúng nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa, cải tiến qui trình đối với sản phẩm từ ô tô và tăng nguồn thu từ nội địa hóa. Ngoài ra, việc này cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, linh kiện ô tô có thời gian để tăng khả năng cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước” – ông Tuấn trao đổi với báo Lao động.

Còn đối với môi trường thì việc đưa sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ góp phần bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường, quản lý tốt hơn những sản phẩm sản xuất như cao su, đệm, mút ô tô đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường cho người dân.

Ngoài ra, việc đưa sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tránh được việc sản xuất, kinh doanh ồ ạt, tràn lan, từ đó sẽ quản lý được xuyên suốt và thống nhất hơn.

Mạnh Long (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang