Trung Quốc 'lặng lẽ' thử tên lửa diệt vệ tinh

author 14:39 12/11/2015

(VietQ.vn) - Quân đội Trung Quốc mới đây đã tiến hành phóng thử bí mật loại tên lửa chống vệ tinh DN-3 có khả năng bắn hạ các mục tiêu ở quỹ đạo địa tĩnh.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Báo Dân Trí dẫn nguồn The Washington Free Beacon cho biết, vào ngày 30/10, Trung Quốc đã phóng thử loại tên lửa mới có tên gọi Dong Neng-3, từ Tổ hợp phóng tên lửa Korla, thuộc miền Tây nước này. Chi tiết của lần phóng thử này không thể xác định có thành công hay không.

Giới chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với tờ The Washington Free Beacon rằng DN-3 là loại tên lửa đẩy trực diện nhắm thẳng vào các vệ tinh và phá hủy chúng. Theo đánh giá của lực lượng tình báo nước này, DN-3 có khả năng phòng thủ cao.

Căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc bí mật thử tên lửa diệt vệ tinhẢnh minh họa một vệ tinh của Mỹ

Những thông tin chi tiết về tên lửa DN-3 không có nhiều. Được biết, DN-3 có thể là một phiên bản chế từ tên lửa DN-2, loại tên lửa đánh chặn trên quỹ đạo Trái Đất do Tổng Công ty Công nghiệp và Khoa học Hàng không Trung Quốc sản xuất, hoặc có thể là một loại tên lửa hoàn toàn mới.

Bệ phóng tên lửa chưa được tiết lộ. Trung Quốc gần đây đã chế tạo lại loại bệ phóng vệ tinh mới và mạnh hơn nhiều với tên gọi KZ-1 và KZ-11. Tên lửa DN-3 được phóng từ bệ phóng KZ-11 có thể vươn tới các mục tiêu trên các quỹ đạo cao hơn.

Báo Tri thức trẻ đưa tin, từ năm 2005 đến nay, Bắc Kinh tiến hành ít nhất 8 vụ thử vũ khí không gian. Các lần bắn diễn ra trong năm 2010, 2013 và 2014 đều được thử nghiệm đánh chặn tên lửa trên đất liền. Quá trình phát triển vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc bắt đầu thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế sau khi nước này bắn hạ một vệ tinh hỏng ở quỹ đạo thấp vào năm 2007. Sau đó, Bắc Kinh tiếp tục phát triển tên lửa mới có tên DN-2. Tên lửa này được thử nghiệm vào năm 2013 và có thể đạt đến độ cao 30.000 km gần quỹ đạo địa tĩnh.

Đánh giá về vũ khí chống vệ tinh, học giả Jaganath Sankaran tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và An ninh, thuộc Đại học Maryland, Mỹ nhận định, vũ khí chống vệ tinh có nhiều hạn chế và không thể đem lại ưu thế quân sự quyết định trong một cuộc xung đột.

“Các vệ tinh bay ở quỹ đạo từ 1.000 đến 36.000 km là thách thức lớn đối với Trung Quốc trong việc tấn công chúng. Bắc Kinh không có phương tiện để theo dõi hầu hết vệ tinh của Mỹ và chúng chỉ được bố trí trên lãnh thổ nước này. Do đó, Bắc Kinh chỉ có thể tính toán và đánh chặn vệ tinh khi nó bay qua lãnh thổ Trung Quốc”, ông Sankaran giải thích.

Theo một báo cáo mới đây của Ủy ban An ninh Kinh tế Mỹ-Trung thuộc quốc hội Mỹ, cả hai tên lửa DN-2 và Sc-19 được phóng theo lập trình bay đặt trước và chỉ có thể chạm các vệ tinh khi nó có khả năng bay vượt qua lãnh thổ Trung Quốc.

Kim Oanh (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang