Cảnh báo 2 sản phẩm Phúc Nhãn Khang và Slimvita Plus vi phạm quảng cáo

author 06:16 04/05/2021

(VietQ.vn) - Trên một số website, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phúc Nhãn Khang và Slimvita Plus được quảng cáo với những nội dung sai sự thật, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Trong thời gian vừa qua, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên website: https://www.phuchankhang.com đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phúc Nhãn Khang vi phạm: Quảng cáo thực phẩm chức năng/ thực phẩm baoe vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty TNHH Y dược Phúc Khang (địa chỉ tại số 1, ngách 8/208, phố Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Quá trình hậu kiểm, Công ty TNHH Y dược Phúc Khang, không thừa nhận website nêu trên là của công ty. Do đó, công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phúc Nhãn Khang trên website nêu trên.

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phúc Nhãn Khang do Công ty TNHH Y dược Phúc Khang công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Cũng qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên website: https://www.giamcanslimvita.top đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimvita Plus vi phạm: Quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty CP kinh doanh và thương mại Everest (địa chỉ tại tầng 12 tòa nhà Văn phòng Viwaseen Tower, số 48 đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Quá trình hậu kiểm, Công ty CP kinh doanh và thương mại Everest không thừa nhận website nêu trên là của công ty. Do đó, công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimvita Plus trên website nêu trên.

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimvita Plus do Công ty CP kinh doanh và thương mại Everest công bố và chịu trách nhiệm. 

Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong thời gian Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phúc Nhãn Khang và Slimvita Plus quảng cáo vi phạm trên các website nêu trên.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật.

Đặc biệt, nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Gọi điện thoại tự xưng là bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần lưu ý: sản phẩm này không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; cần đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi mua; chỉ chọn mua các sản phẩm có tên, địa chỉ rõ ràng; mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán…

Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga, vừa qua, Cục đã có nhiều buổi trao đổi với các cơ quan thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông, Cục An ninh mạng, Công an TP Hà Nội để siết chặt hơn nữa việc xử lý quảng cáo vi phạm.

Theo bà Việt Nga, đối với các mạng xã hội, đây là kênh quảng cáo vô cùng phong phú, nhiều người lợi dụng để quảng cáo, bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như thuốc, thực phẩm chức năng. Cục ATTP đã phối hợp rất chặt chẽ với Cục Báo chí, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông để có biện pháp quản lý nhất định. Ðơn cử, với Facebook, Cục ATTP đã có trao đổi, làm việc với Bộ Thông tin - Truyền thông và Facebook, yêu cầu thiết lập kênh thông tin trực tiếp và đưa ra các yêu cầu về chấp hành các quy định ATTP của Việt Nam.

Ngoài ra, Cục ATTP cũng làm việc với đại diện Facebook để có hướng kiểm soát kinh doanh các loại thực phẩm chăm sóc sức khỏe trên mạng. "Chẳng hạn, nếu ghi nhận những quảng cáo sai sự thật liên quan đến lĩnh vực thực phẩm, Cục ATTP sẽ chụp ảnh làm bằng chứng, ghi nhận sai sót ở thời điểm cụ thể. Từ đó, đơn vị gửi mẫu cho các trang bán hàng và Facebook để họ phối hợp gỡ những quảng cáo sai" - bà Nga thông tin.

Bên cạnh đó, với những mạng xã hội khác, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Y tế đã có các buổi làm việc với các đại lý phát hành quảng cáo, yêu cầu họ phải thiết lập hệ thống nội bộ để rà soát thông tin quảng cáo đối với sản phẩm bảo vệ sức khỏe.

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang