Cảnh báo bệnh tay chân miệng nguy hiểm hơn bệnh sởi

author 06:48 09/05/2014

(VietQ.vn) - Bệnh tay chân miệng lưu hành ở hầu hết các tỉnh ở nước ta, năm 2013 bắt đầu có xu hướng gia tăng, trong khi đó bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng, điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên nguy cơ xảy dịch trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.

Bệnh tay chân miệng nguy hiểm hơn sởi

Trong những năm gần đây, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao tại một số nước Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2013, Trung Quốc ghi nhận 2.071.237 trường hợp mắc, trong đó có 550 trường hợp tử vong, Nhật Bản ghi nhận 67.981 trường hợp mắc, Singapore ghi nhận 36.518 trường hợp mắc và trong 3 tháng đầu năm 2014 số mắc của Trung Quốc tăng 1%, của Singapore tăng 29% so với cùng kỳ  2013.

Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc đặc trị

Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc đặc trị

Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng bắt đầu ghi nhận ở nước ta từ năm 2005, tuy nhiên số mắc tăng cao chủ yếu từ năm 2011 với số ca mắc hàng năm trong khoảng 100-150 nghìn trường hợp.

Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước đã ghi nhận 18.659 trường hợp mắc tại hầu hết các tỉnh trên cả nước, ghi nhận 02 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu là các tỉnh tại khu vực miền Nam với tác nhân gây bệnh là EV71. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2013 số mắc giảm 21%, số tử vong giảm 05 trường hợp và so với cùng kỳ năm 2012 số mắc giảm 57%, số tử vong giảm 20 trường hợp, tuy vậy bệnh tay chân miệng trong năm 2014 vẫn có số mắc cao và tập trung ở khu vực miền Nam với 15.024 trường hợp (chiếm 80,5% số mắc cả nước).

Có 05 tỉnh có số mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ 2013 là Thành phố Hồ Chí Minh tăng 34,9%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 20,6%, Cà Mau tăng 15,3%, Kon Tum tăng 52,4%.

Bộ Y tế nhận định, bệnh tay chân miệng lưu hành ở hầu hết các tỉnh ở nước ta, năm 2013 bắt đầu có xu hướng gia tăng, trong khi đó bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng, điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên nguy cơ xảy dịch trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.

Tại phiên họp báo Chính phủ vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bệnh tay chân miệng còn nguy hiểm hơn bệnh sởi, vì tử vong rất nhanh.

Sốt xuất huyết khó lường

Năm 2014 sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở mức cao tại nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương như: Úc, Malaysia, Singapore, Căm pu chia, Lào, Phi líp pin, New Caledonia, trong đó Úc tăng 14,3%, Malaysia tăng 313%, Singapore tăng 10,2%.

Tại Việt Nam, tích luỹ từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận 8.137 trường hợp mắc tại 41 tỉnh/thành phố, 04 trường hợp tử vong tại Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau và Bình Phước. So với cùng kỳ năm 2013 (13.296/10), số mắc giảm 38,8%, tử vong giảm 6 trường hợp.

Số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam với 83,8% số mắc cả nước. 51 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc sốt xuất huyết giảm so với 2013. 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tương đương cùng kỳ 2013.

Tuy nhiên, có 18 tỉnh/thành phố đã ghi nhận trên 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tập trung tại một số tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.

Bộ Y tế nhận định: Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành ở mức cao tại các nước khu vực Đông Nam Á. Thời điểm bắt đầu mùa mưa (tháng 5) là thời điểm vào mùa dịch, ghi nhận số mắc gia tăng theo thống kê hàng năm, bệnh chưa có thuốc và vắc xin điều trị đặc hiệu cùng với tập quán trữ nước tại nhiều địa phương nguy cơ xảy dịch là rất lớn, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống như diệt bọ gậy/lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện để giảm tối đa số mắc, tử vong là rất cần thiết.

Minh Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang