Mỗi hơi thở lái xe hít phải hàng triệu phân tử độc hại, có thể gây tử vong

authorThu Hường 05:30 23/07/2018

(VietQ.vn) - Mới đây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một kết luận gây sốc với đại đa số các tài xế. Theo đó, trong mỗi hơi thở, người ngồi trên xe ô tô hít phải hàng triệu phân tử độc hại.

Thông thường khi ngồi vào xe, việc đầu tiên chúng ta vẫn làm là lên kính, bật điều hòa rồi chạy xe. Tuy nhiên, thói quen bật điều hòa ngay sau khi lên xe đã và đang "đầu độc" chúng ta.

Trên thực tế, tất cả các đồ trên xe thường làm bằng nhựa, những thiết bị này sẽ tỏa ra Benzen, một độc tố gây ung thư - chất gây ung thư mạnh nhất. Ngoài việc gây ra ung thư, chất Benzen độc hại cho xương, gây thiếu máu và làm giảm các tế bào máu trắng. Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra bệnh bạch cầu và làm tăng nguy cơ một số bệnh ung thư. Nó cũng có thể làm sẩy thai ở phụ nữ đang mang thai.

Để ý có thể thấy, khi đóng kín xe, không khí tự nhiên khó vào bên trong. Điều hòa lại bật liên tục. Nếu chọn chế độ lấy gió trong, xe chỉ làm mát không khí trong xe, mà ít có sự lưu thông với bên ngoài.

Đừng bật máy lạnh ngay sau khi bạn mới vào xe hơi. Ảnh: VOV 

Những xe hiện đại, dù ở chế độ lấy gió trong, sau một khoảng thời gian, điều hòa vẫn tự lấy gió ngoài để cân bằng hàm lượng không khí, nhưng trường hợp này, điều hòa lại hút trực tiếp lượng khí xung quanh xe, vốn bị bao trùm bởi khí xả từ ống pô với hàm lượng CO cao, làm giảm lượng oxi, khiến cơ thể không thể hô hấp, mất nước, dịch dẫn tới tử vong.

Mới đây, các nhà nghiên cứu của tổ chức Brit cũng đưa ra một kết luận gây sốc, hàng loạt mẫu xe như Ford Fiesta, Volkswagen Polo và Toyota C-HR bị phát hiện tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc không khí do dùng bộ lọc khí bị lỗi. Sai sót này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe hàng triệu người.

Bộ lọc không khí lỗi khiến người ngồi trên xe hít phải hàng triệu phân tử độc hại mỗi hơi thở, làm phát sinh bệnh hen suyễn và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Nắng nóng ‘kinh hoàng’, người dân nên làm gì với điều hòa để tiết kiệm điện(VietQ.vn) - Theo EVN, chỉ nên đặt điều hòa ở mức 26 độ C trở lên, để vừa đảm bảo tiết kiệm điện, vừa giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện.

Các nhà nghiên cứu của Brit đã phân tích không khí trong 11 mẫu xe thịnh hành nhằm đánh giá khả năng loại bỏ chất gây ô nhiễm của hệ thống thông gió. Theo đó, mẫu xe Toyota C-HR chỉ loại bỏ duy nhất 1% hạt không khí độc hại trong khi tỉ lệ của VW Polo là 35%, Ford Fiesta – 40% và Mercedes-Benz E-class là 90%.

Liên quan đến vấn đề này, Nick Molden - CEO của tổ chức phân tích khí thải Emissions Analytics đã lên tiếng cho rằng, chính phủ đã không có các tiêu chuẩn an toàn cho hệ thống lọc khí trên ôtô.

Emissions Analytics đã tìm thấy 57.000 hạt độc hại trong mỗi m3 không khí trên đường, đồng nghĩa với người lái xe hít tới 28 triệu hạt độc hại trong mỗi hơi thở.

Theo hãng sản xuất xe hơi Tây Ban Nha SEAT, không khí nóng trên xe sẽ ảnh hưởng tới thời gian phản ứng của tài xế. Cụ thể, nếu cabin nóng 35 độ C, tốc độ phản ứng của người lái sẽ giảm 20% so với mức nhiệt độ 20 độ C.

Để đề phòng mối nguy hiểm này, các chuyên gia kỹ thuật về ô tô khuyên nếu phải chờ đợi lâu hoặc ngủ trong xe đang dừng và phải bật điều hòa, hãy hạ bớt cửa kính để không khí lưu thông. Nhưng thậm chí đã làm như thế này, vẫn nên đặt đồng hồ báo thức giữa quãng khoảng một tiếng để tỉnh dậy, hạ hết kính hoặc bước ra ngoài hít thở không khí trong lành.

Một số sai lầm điển hình khi dùng điều hòa trên xe

Bật luôn chế độ AC ngay từ đầu. Người lái có thói quen bật điều hòa ở mức to nhất ngay từ đầu. Nếu cửa sổ không mở, không khí lọc đi lọc lại nhiều lần sẽ không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, nên mở cửa sổ và hạ thấp kính trong vòng một hoặc hai phút trước khi đóng lại và bật điều hòa (chế độ AC).

Để ở chế độ lấy gió trong. Nếu để ở chế độ này trong thời gian dài, cửa kính xe sẽ bị mờ làm giảm tầm quan sát, đồng thời khiến không khí trong xe lâu mát hơn. Hầu hết xe hiện nay đều có chế độ Tự động giúp ngăn tình trạng hơi nước làm mờ kính, đồng thời vẫn giữ không khí trong xe mát mẻ.

Chĩa thẳng cửa gió về phía bạn. Mặc dù bạn sẽ cảm thấy mát hơn nhưng việc chĩa thẳng cửa gió điều hòa về phía mình sẽ khiến không khí trong xe khó lưu thông hơn. Thay vào đó, hướng cửa gió lên trần xe giúp dòng khí mát tỏa quanh xe đều hơn.

Không bật điều hòa vào buổi sáng sớm. Vào mùa thu, không khí buổi sáng sớm khá mát mẻ nhưng mặt trời sẽ nhanh chóng làm chiếc xe nóng lên. Lời khuyên là bạn nên bật điều hòa giúp kính xe không bị mờ khi nhiệt độ bên ngoài bắt đầu tăng.

Không bảo dưỡng thường xuyên. Cũng giống như dầu máy, lốp và dầu phanh, hệ thống điều hòa của xe cũng cần bảo dưỡng thường xuyên. Bộ lọc không khí cabin cần được thay mỗi 16.000 – 24.000 km nhằm đảm bảo chúng hoạt động hiệu quả.

Hạnh Vũ (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang