Cảnh báo lợi dụng tem chống hàng giả 'núp danh' Bộ Công an lừa dối khách hàng

author 06:07 18/07/2021

(VietQ.vn) - Để người tiêu dùng tin rằng sản phẩm là chính hãng, được các cơ quan chức năng thẩm định mà nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã mạo danh, in tem chống hàng giả dưới danh nghĩa của Bộ Công an để lừa người tiêu dùng.

Ngày 24/01/2017, Tổng cục Cảnh sát, Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an đã chấm dứt cung cấp tem chống hàng giả trên toàn quốc. Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, hiện nay, trên thị trường không ít tổ chức, cá nhân vẫn giới thiệu, gắn mác tem chống hàng giả của Bộ Công an để trục lợi, lừa dối và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đặc biệt, trong quá trình tìm hiểu, nhất là trong hoạt động kinh doanh các loại thực phẩm chức năng “bẩn”, mỹ phẩm, thực phẩm giả, nhái thường xuyên gắn mác tem chống hàng giả của Bộ Công an để lừa dối người tiêu dùng.

Điển hình như một số TPBVSK Toha Fast, xương khớp Genki do Công ty TNHH TOHANO Việt Nam (Công ty TOHANO, địa chỉ số 35, đường Lê Văn Lương, Hà Nội) phân phối. Trước đó, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có nhiều bài viết phản ánh về hoạt động kinh doanh “bất chấp” pháp luật của công ty này. Trong quá trình tìm hiểu, PV ghi nhận được nhân viên tư vấn, giới thiệu, căn dặn khách hàng trước khi nhận 2 sản phẩm nêu trên, có thể nhìn trực tiếp trên bao bì sản phẩm sẽ thấy gắn tem chống hàng giả của Bộ Công an để yên tâm sử dụng, và khẳng định là sản phẩm chính hãng. Đây chỉ là một phương án tổ chức kinh doanh những sản phẩm này nhằm lấy lòng tin của khách hàng, để che giấu những hành vi kinh doanh “bát nháo” lừa dối người tiêu dùng khẳng định TPCN có khả năng điều trị bách bệnh.

 Không ít sản phẩm vẫn lợi dụng danh nghĩa tem chống hàng giả Bộ Công an

Hay sản phẩm khác là TPBVSK Shami Xoan do Công ty TNHH TM và DV GRIFFIN Việt Nam (số 393, Trường Chinh, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phân phối. Quá trình tìm hiểu về hoạt động kinh doanh của công này, được biết ngoài dấu hiệu vi phạm về luật quảng cáo, thậm chí đe dọa Bác sỹ Nguyễn Thị Thuận Tâm vì tố cáo mạo danh hình ảnh, uy tín để lừa dối bệnh nhân, thì nhân viên bán hàng cũng lừa dối luôn cả khách về việc việc Shami Xoan đã có “tem bảo hộ” của Bộ Công an.

Theo đó, sau khi để lại thông tin với nhu cầu điều trị bệnh, PV được nhân viên nữ gọi lại tư vấn bệnh và lên đơn thuốc Shami Xoan để điều trị dứt điểm bệnh viêm xoang. Tuy nhiên, băn khoăn về việc mua hàng trên mạng liệu chất lượng có được như quảng cáo hay không thì nhân viên này giải thích: “Đây là thuốc đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân khỏi, thuốc đã được kiểm nghiệm của Bộ Y tế, và có dán tem niêm phong của Bộ Công an.

Hiện nay, việc gắn tem chống hàng giả trên thị trường “núp danh” Bộ Công an không chỉ xảy ra ở các sản phẩm TPBVSK mà còn được dán ở nhiều mặt hàng khác như: mỹ phẩm, hàng gia dụng, thực phẩm... mục đích khẳng định đây là mặt hàng chính hãng để qua mặt người tiêu dùng. Bởi vậy, người tiêu dùng trong nước như đứng trước “ma trận” khi phải đối diện với hàng giả, hàng kém chất lượng. Cũng chính vì điều này mà hàng thật, giả lẫn lộn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chân chính.

Những loại tem chống hàng giả được gắn vào các mặt hàng kể trên do các cá nhân, tổ chức không uy tín tự đặt in không phải đăng kí kê khai nên đây cũng chính là khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý.

 Tem chống hàng giả điện tử là một trong những giải pháp chống hàng giả hiện nay

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Phương - Nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an cho biết, mỗi doanh nghiệp cần có một cách ký hiệu riêng để bảo vệ sản phẩm của mình, tránh để kẻ gian mạo danh.

“Trước đây, nếu doanh nghiệp chân chính muốn bảo vệ sản phẩm của mình thì đều đến cơ quan để đăng ký tem của Bộ Công an. Nhưng hiện nay đã không còn cấp nữa, tuy nhiên trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều mặt hàng gắn tem và vẫn giới thiệu là tem của Bộ Công an là họ đang làm sai.

Theo tôi, để bảo vệ cho mặt hàng của mình, doanh nghiệp nên có cách nhận diện riêng để khuyến cáo tới người tiêu dùng khi mua sản phẩm sửu dụng. Tôi lấy ví dụ như hãng máy tính Casio, họ có cách nhận diện bằng tem riêng, ký hiệu riêng mà rất khó để làm giả, đây là một cách làm rất hay để bảo vệ khách hàng của mình. Để bảo vệ quyền lợi của mình, cũng như doanh nghiệp chân chính, tôi khuyến khích người tiêu dùng nếu phát hiện trường hợp nào mạo danh thì nên báo với cơ quan chức năng xử lý”, ông Phương cho biết thêm.

Kể từ ngày 01/02/2017, Viện Khoa học hình sự (Kể cả hai Phân Viện tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng) dừng việc nghiên cứu và ký hợp đồng cung cấp tem chống làm hàng giả cho các doanh nghiệp. Viện khoa học Hình sự chịu trách nhiệm bảo hộ cho các doanh nghiệp được sử dụng hết số tem đã được Viện cung cấp trước ngày 01/02/2017; Đối với các Hợp đồng Nguyên tắc, Viện Khoa học hình sự không nhận mới đơn đặt hàng và đề nghị các doanh nghiệp đến Viện Khoa học hình sự để ký thanh lý hợp đồng. Nghiêm cấm các tổ chức và cá nhân mạo danh Viện Khoa học Hình sự để ký hợp đồng, in và cung cấp tem cho các doanh nghiệp.

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang