Cảnh báo ngộ độc 'đã uống rồi... không có đường quay trở lại'

author 06:30 28/02/2018

(VietQ.vn) - Gần đây, nhiều bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Đây là loại độc có mức độ nguy hại và tàn phá khủng khiếp.

Trường hợp ngộ độc paraquat tăng đáng kể

Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, trong 5 ngày tết Mậu Tuất đã có 13 trường hợp đến Trung tâm chống độc điều trị vì ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat.

“Tết năm nay số trường hợp ngộ độc paraquat tăng đáng kể so với các năm trước đó. Tính từ ngày mùng 1 đến mùng 4 Tết, trung bình mỗi ngày có 3 bệnh nhân ngộ độc paraquat nhập viện. Các trường hợp ngộ độc paraquat thường có nhiều lý do khác nhau như bức xúc chuyện gia đình, làm ăn thua lỗ, mâu thuẫn chuyện tình cảm…”, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Theo các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc, ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc paraquat. Đa phần các bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc paraquat là tự tử. Họ thuộc nhiều đối tượng, đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ. Khi điều tra bệnh sử, có khi chỉ vì một lý do vu vơ, họ cũng uống một ngụm paraquat để tìm đến cái chết.

BS Nguyên cho biết, paraquat là loại hóa chất diệt cỏ cực độc, khi vào cơ thể gây tổn thương tất cả các cơ quan đường tiêu hóa, nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi, sau đó xơ phổi tiến triển nặng dần và không thể hồi phục. Người bệnh sẽ tỉnh táo cho đến khi chết vì suy hô hấp, suy gan, suy tạng. Dù được điều trị tích cực, lọc máu, 70 - 90% bệnh nhân sẽ không thể qua khỏi nếu uống từ 50ml thuốc diệt cỏ trở lên.

Hiện nay, cả Việt Nam và thế giới cũng chưa có cách điều trị triệt để với các bệnh nhân uống paraquat. Cách điều trị hiện nay là rửa dạ dày, lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng kết quả rất hạn chế. Trường hợp nặng có thể tử vong trong 2-3 ngày, đa phần tử vong trong 5- 7 ngày, thậm chí bệnh nhân vẫn tỉnh táo đến 3 tháng sau nhưng vẫn có thể chết do suy hô hấp. Đặc biệt, các bệnh nhân ngộ độc paraquat không thể điều trị suy hô hấp bằng thở oxy, vì khi đó sẽ sản sinh ra 1 loại chất độc hơn khiến phổi xơ nhanh hơn.

Liên quan đến những hậu quả khôn lường từ thuốc diệt cỏ paraquat, BS. Nguyên nhấn mạnh: "bệnh nhân tử vong do paraquat tăng lên là một nỗi ám ảnh với bác sĩ, bởi chính bác sĩ là người chứng kiến những hơi thở cuối cùng của họ. Khi sắp tử vong, bệnh nhân ngộ độc paraquat vẫn rất tỉnh táo trong tình trạng khó thở, đau đớn, vật vã. Họ tỉnh đến lúc chết với hơi thở rít lên từng hồi. Đó là những hình ảnh rất xót xa - thực sự là nỗi ám ảnh đối với cả bác sĩ lẫn thân nhân người bệnh".

Gia tăng bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat

Loại bỏ càng sớm càng tốt

Trên nhiều cánh đồng, phun thuốc diệt cỏ luôn là công việc mở đầu cho một vụ sản xuất mới. Thuốc diệt cỏ càng mạnh, càng được những nông dân truyền tai nhau. Tại những bờ ruộng vừa trải qua một đợt phun thuốc diệt cỏ, mọi sinh vật đều bị diệt sạch, màu cỏ cháy lan rộng khắp cánh đồng. Tính độc của thuốc diệt cỏ là thế, nhưng việc kiểm soát mua bán vẫn còn bị bỏ ngỏ. Bất cứ cửa hàng vật tư nông nghiệp nào, nông dân cũng dễ dàng mua các loại thuốc diệt cỏ.

Paraquat là hoạt chất cực độc, và nhiều nước trên thế giới cấm lưu hành loại thuốc này. Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có quyết định loại chất nguy hiểm này ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật, nhưng lại gia hạn đến 2 năm, tức sau tháng 2/2019 mới chấm dứt hoàn toàn việc lưu hành. Như vậy mối nguy ngộ độc Paraquat vẫn còn tiềm ẩn trong cuộc sống, vẫn còn len lỏi đến nhiều vùng quê.

Phương pháp sơ cứu ban đầu để hạn chế tác động nguy hại của thuốc trừ cỏ Paraquat với tính mạng là sau khi phát hiện bệnh nhân bị ngộ độc paraquat cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để dùng than hoạt hoặc dùng thuốc truyền dịch thải độc, lọc máu… Tuy nhiên, chừng nào bệnh nhân chưa khó thở thì người nhà cố gắng giữ lại ở bệnh viện để điều trị liều, đủ thuốc, đủ thời gian để tăng cơ hội sống.

Bác sĩ Nguyên cho biết, các nhà sản xuất cũng đã áp dụng nhiều cách để người dùng thấy sợ và không muốn uống thuốc độc tự tử, từ nhuộm xanh dung dịch, cho chất gây nôn cho đến tạo mùi khó chịu nhưng không hiểu sao có người vẫn chọn cách này để kết thúc mạng sống. Kể cả áp dụng các biện pháp thuốc lọc máu, giải độc, rửa dạ dày... nhưng tỷ lệ sống sót không cao, chỉ khoảng 30%.

Do đó, biện pháp hạn chế ngộ độc Paraquat tốt nhất là cấm. Có thể những người còn có ý định tự tử vẫn sẽ uống thuốc độc nào đó nhưng mức độ nguy hại và tàn phá sẽ không khủng khiếp như Paraquat. Bác sĩ cũng cho biết, phần lớn bệnh nhân uống Paraquat sau khi vào viện đều thấy hối hận và sẽ quyết định lại nếu được. “Nhưng với ngộ độc này, đã uống rồi thì phần lớn không có con đường quay trở lại” - bác sĩ nói.

Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang