Cảnh báo ngộ độc thuốc diệt chuột đã bị cấm lưu hành ở Việt Nam

author 09:17 28/12/2017

(VietQ.vn) - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 3 ca ngộ độc thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc, các bệnh nhân có triệu chứng giống như ngộ độc một loại thuốc đã bị cấm lưu hành ở nước ta từ 10 - 20 năm trước.

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 23 tuổi ngộ độc thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng kích thích, co giật sau khi uống 1 ống thuốc diệt chuột không rõ nhãn mác, không rõ nguồn gốc. Hiện bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê, phải lọc máu, thở máy, sử dụng các biện pháp giải độc và tiên lượng rất dặt dè.

Theo Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, hai tháng gần đây, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận 3 ca ngộ độc thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong. Điều đáng nói tất cả bệnh nhân đều xuất hiện triệu chứng giống như ngộ độc một loại thuốc đã bị cấm lưu hành ở nước ta từ 10 - 20 năm trước, có hoạt chất là Trifluoroacetate hoặc Trifluoroacetamide. Đó thường là loại ống nước màu trắng, màu đỏ, hạt gạo màu hồng. Loại thuốc này cực độc và có thể để lại những biến chứng vô cùng nặng nề, gây rối loạn nhịp tim và tử vong rất nhanh.

Bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh Bệnh viện Bạch Mai

Các bác sĩ cho biết, việc sử dụng loại thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc được bày bán trở lại gần đây rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra và cấm lưu hành những loại hóa chất không rõ nguồn gốc, độc hại như thế này. Người dân cũng không nên sử dụng những hóa chất này, không vì 1 phút thiếu suy nghĩ mà ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của mình.

Theo các bác sĩ, khi nghi ngờ nạn nhân ngộ độc phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được xử trí kịp thời (nhớ mang theo mẫu thuốc ngộ độc để các thầy thuốc xem). Nạn nhân bị ngưng thở phải hà hơi thổi ngạt kịp thời nếu chưa đến được cơ sở y tế.

Các bác sĩ làm công tác cấp cứu sẽ đối phó với tình trạng suy hô hấp và co giật gây tử vong trước nhất. Kiểm soát tốt hô hấp, khi có co cứng cứ phải dùng thuốc an thần (diazepam), khi có co giật phải dập tắt ngay. Đặc biệt là phải rửa dạ dày với nhiều nước và bơm than hoạt. Theo dõi sát tim mạch, huyết áp, chức năng thận...

Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang