Cảnh báo nguy cơ gạo Việt Nam bị giả mạo xuất xứ

author 21:07 06/05/2021

(VietQ.vn) - Một số khách hàng nước ngoài gần đây đã có phản ánh về việc chất lượng gạo trắng của Việt Nam giảm sút thậm chí chỉ tương đương với gạo Ấn Độ.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo trong nước hiện đang đứng ở mức cao, thậm chí có xu hướng tăng lên, trong khi giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức tương đối thấp. “Do chi phí làm hàng và cước vận tải từ Việt Nam tăng cao, nên các khách hàng đã chuyển sang mua gạo từ các nước khác có giá cước thấp hơn” – ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho biết.

 Gạo Ấn Độ có chất lượng thấp hơn gạo Việt Nam. 

Theo ông Có, điều này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam chỉ ký được các hợp đồng FOB thay vì các hợp đồng CIF, doanh nghiệp cũng sẽ bị động trong đàm phán với khách hàng trong thời gian tới.

Đáng chú ý, thời gian gần đây ngành gạo Việt Nam đã xuất hiện dấu hiệu giả mạo xuất xứ của gạo trắng Việt Nam. Cụ thể, theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ, các loại gạo 5% tấm và 100% tấm nhập khẩu từ Ấn Độ được hưởng thuế suất 0%. Trong khi đó, giá 2 loại gạo này của Ấn Độ chỉ ở mức khoảng 400 USD/tấn và 280 USD/tấn, thấp hơn khoảng 100 USD/tấn so với giá gạo Việt Nam. Do đó, gạo Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam có giá cạnh tranh hơn rất nhiều so với gạo Việt Nam.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp có nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, lượng gạo này chủ yếu để làm bánh, bún… do nguồn cung trong nước thiếu hụt. Tuy nhiên, theo lời ông Có, có một số doanh nghiệp của Việt Nam đã nhập khẩu gạo từ thị trường này về để tiêu thụ trong nước một phần đồng thời pha trộn thêm gạo trắng Việt Nam sau đó xuất khẩu ra nước ngoài với xuất xứ Việt Nam.

Ông Có cho biết, khách hàng của VRICE tại Trung Đông đã phản ánh về việc gạo trắng của Việt Nam gần đây rất xấu, cũ, chất lượng chỉ ở mức tương đương với gạo Ấn Độ. Trước tình trạng đó, các khách hàng này đã ngưng mua gạo của Việt Nam vì lo ngại mua phải gạo Ấn Độ mạo danh xuất xứ Việt Nam. Các khách hàng này cũng đưa ra những số liệu về lượng gạo từ Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam để dẫn chứng cho quyết định của mình.

Để cứu thị trường gạo trắng Việt Nam, ông Có kiến nghị cần có cơ chế giám sát đối với gạo nhập khẩu để tránh tình trạng nhập nhèm về xuất xứ làm ảnh hưởng tới uy tín của gạo Việt Nam.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cũng khẳng định việc trộn gạo Ấn Độ vào gạo Việt Nam sau đó dùng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi là hành động cần bị lên án mạnh mẽ. Bởi Việt Nam đã mất rất nhiều năm cải tiến về công nghệ, giống… mới có thể xây dựng được uy tín cho hạt gạo, nhưng hành động này có thể khiến cho mọi nỗ lực đó đều thành “công cốc”. Theo đó, Bộ Công Thương cần có giải pháp giám sát chặt chẽ tình trạng này để tránh “một con sâu làm rầu nồi canh”.

Theo Báo Hải Quan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang