Nguy cơ ngộ độc nấm mùa xuân

author 07:17 26/02/2014

(VietQ.vn) - Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp mùa xuân lại xuất hiện những vụ ngộ độc do ăn phải những loại nấm độc, do người dân tự thu hái trên rừng. Địa bàn thường xảy ra những vụ ngộ độc nấm nhất là khu vực miền núi trung du phía Bắc và khu vực Tây Nguyên.

Một loại nấm trắng rất độcMột loại nấm trắng rất độc

Nguy cơ ngộ độc nấm mùa xuân rất cao

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tình trạng ngộ độc thực vật độc, nấm độc tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam như: Cao Bằng, Lào Cai, Sơn tính từ năm 2003 đến năm 2011 cho thấy, đã xảy ra 142 vụ ngộ độc thực vật với 241 người mắc, trong đó có 66 người tử vong.

Riêng về ngộ độc do nấm độc, tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn đã xảy ra 90 vụ với 340 người mắc, trong đó có 55 người tử vong. Loài nấm gây ngộ độc nhiều nhất là loài nấm ô tán trắng phiến xanh; tuy nhiên loài nấm này chỉ gây rối loại tiêu hoá, không gây chết người.

Theo nhận định của các chuyên gia, so với các loại ngộ độ khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Nguyên nhân là do nhiều người dân không biết cách nhận biết các loại nấm độc mọc ở quanh vườn nhà, ở rừng nên hái về ăn dẫn đến tình trạng này.

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Hoàng Công Minh, Trung tâm phòng chống nhiễm độc – Học Viện Quân y cho biết, ở Việt Nam có khoảng 50 – 100 loài nấm độc khác nhau, các loài nấm này được người dân vùng cao thường sử dụng. Vì thế, số vụ ngộ độc chủ yếu xảy ra ở những khu vực này.

Trước thực trạng như vậy, mới đây Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 282/ATTP-TT đề nghị các đơn vị phối hợp tuyên truyền về nấm bằng tiếng Dao, Thái, H’mông trên sóng phát thanh tại địa phương, nhằm phổ biến rộng rãi các thông tin phân biệt nấm độc tới người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc do nấm độc.

Theo nhận định của Cục ATTP: “Mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển. Đây là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc tại các tỉnh miền núi phía Bắc và một số khu vực miền núi khác như Tây Nguyên ở nước ta. Đây cũng là khu vực có đông đồng bào các dân tộc sinh sống. Theo thói quen, đồng bào vẫn thường hái lượm nấm để sử dụng trong bữa ăn. Tuy nhiên, do hiểu biết hạn chế, nhiều người đã không phân biệt được nấm độc với nấm lành, nên đã thu hái nhầm nấm độc về sử dụng cho cả gia đình”.

Nên thận trọng khi ăn nấm tự hái trng rừng (Ảnh minh họa)Nên thận trọng khi ăn nấm tự hái trng rừng (Ảnh minh họa)

Cách phân biệt và sơ cứu khi ngộ độc

Phương pháp đơn giản và được ứng dụng nhiều nhất trong thực tế là nhận biết hình thái, so sánh nấm độc và nấm không độc.

Cây nấm có 3 bộ phận: mũ, thân và chân nấm. Ở các loại nấm khác nhau thì hình thái, kết cấu 3 bộ phận đó cũng khác nhau. Màu sắc, mùi vị của nấm cũng rất đa dạng. Trong đó, các loại nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ, mùi vị thối, đắng, hắc...

Một điểm cần chú ý là: nấm là môi trường dinh dưỡng lý tưởng cho nhiều loại vi sinh vật. Cho nên dù đối với những loại nấm không độc, nhưng hái về để lâu mới ăn hoặc nấm đã hỏng, bị nhiễm bẩn mới sử dụng cũng dễ gây ngộ độc. Ngược lại, có một số loài nấm có chứa chất độc nhưng chất độc đó không tan trong dịch vị dạ dày nên cũng không gây ngộ độc. Nhưng các chất độc này lại tan trong rượu nên khi ăn nấm mà lại uống rượu thì cũng dễ bị ngộ độc.

Theo các bác sĩ, ngộ độc nấm rất nguy hiểm vì có thể gây tử vong hoặc nặng thì gây tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh, tế bào gan..., chỉ cần vài nấm độc lẫn trong món ăn cũng có thể gây ngộ độc, thậm chí làm chết người. Do đó, biện pháp phòng tránh ngộ độc nấm trở nên rất quan trọng. Mọi người khi muốn ăn nấm cần tuân theo các nguyên tắc sau đây:

Chỉ ăn nấm khi biết chắc chắn đây là loại nấm ăn được, còn không biết thì tuyệt đối không được ăn. Ở các địa phương miền núi, khi ăn nấm nên hỏi rõ những người có kinh nghiệm để nhận biết nấm độc.

Khi có điều kiện nên cho chó, mèo hay gà ăn thử nấm nếu thấy chúng có biểu hiện lạ hoặc bị chết thì tuyệt đối không ăn nấm. Không nên hái nấm quá non, khi chưa xòe mũ nấm, vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm để xác định được rõ loài độc hay không.

Khi bị ngộ độc nấm việc đầu tiên là phải sơ cứu tại chỗ bằng cách gây nôn. Có thể, lấy ngón tay sạch hoặc lông gà rửa sạch để ngoáy họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi. 

Hoặc có thể uống 20g than hoạt tính (trộn với ít đường trắng cho dễ uống), sau đó chiêu một chén nước sôi để nguội. Than hoạt sẽ hấp phụ chất độc, chuyển vào phân để tống ra ngoài. Nếu không có than hoạt thì mua viên Carbogast hoặc Carbophos 400 mg/viên để uống. Nếu nạn nhân mê man bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay.

Phương Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang