Cảnh báo nguy hiểm: Xuất hiện loại siêu vi khuẩn kháng mọi loại thuốc kháng sinh tại Việt Nam

author 06:50 18/04/2019

(VietQ.vn) - Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng toàn bộ kháng sinh kể cả loại mạnh nhất. Người dân nên hạn chế mua kháng sinh không có đơn, không sử dụng kháng sinh theo kiểu truyền miệng, hạn chế dùng kháng sinh trong chăn nuôi

Bên lề khóa đào tạo nâng cao chất lượng phòng xét nghiệm kháng kháng sinh vừa diễn ra, PGS.TS Đoàn Mai Phương, nguyên Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vi khuẩn kháng kháng sinh hiện là mối quan tâm của cả thế giới khi tốc độ tìm ra kháng sinh mới không kịp với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc. Tại một số nước, thậm chí không thể kiểm soát được tình trạng này.

Trong hơn 5 năm (từ 1983 - 1987), cơ quan Quản lý Dược và thực phẩm Mỹ mới chỉ cấp giấy chứng nhận sử dụng cho 18 loại kháng sinh. Còn từ năm 2008 đến nay, không có thêm kháng sinh mới nào được tìm ra.

Cũng theo vị bác sĩ này, hiện tại, mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng thuốc. Với tình hình này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có một người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong. WHO đồng thời cũng xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới.

Hiện tại, Việt Nam cũng như nhiều nước đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Đó là lí do vì sao, nhiều nước phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả thì tại Việt Nam đã phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4.

“Vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh trở lên), kháng mở rộng (kháng với toàn bộ kháng sinh thông dụng mà bác sĩ hay sử dụng trong phác đồ), toàn kháng (là kháng nốt cả loại kháng sinh cuối cùng để điều trị con vi khuẩn này) chúng ta đều đã từng gặp ở Việt Nam. Trong đó, vi khuẩn toàn kháng là nguy hiểm nhất, chúng ta sẽ không còn loại kháng sinh nào để điều trị cho bệnh nhân, chỉ có thể chờ đợi vào sức đề kháng của bệnh nhân để chống lại vi khuẩn này”, PGS Mai Phương cho biết.

Bản đồ về tình trạng kháng kháng sinh trên toàn thế giới đến năm 2050.

Đơn cử như tỉ lệ kháng thuốc của nhóm vi khuẩn gram âm như E.coli (vi khuẩn đường ruột) đã lên tới 30-40%, kháng luôn cả kháng sinh mạnh nhất là colistin. Thậm chí, tại một số tỉnh phía nam, tỉ lệ kháng thuốc của E.coli còn lên tới hơn 74%; tỉ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K. pneumoniae lên tới gần 60%; vi khuẩn A.baumannii (gây nhiễm khuẩn bệnh viện) có tỉ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%...

Theo PGS.TS. Đoàn Mai Phương, để xác định một loại vi khuẩn có kháng kháng sinh hay không hay do bác sĩ dùng kháng sinh chưa đủ liều, bắt buộc phải làm kháng sinh đồ tại phòng xét nghiệm vi sinh. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh, ngay lập tức sẽ báo với bác sĩ điều trị để cách ly bệnh nhân, giúp vi khuẩn kháng thuốc không lây lan cho các bệnh nhân khác, đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ sử dụng kháng sinh đang có.

"Trong tương lai chúng ta hoàn toàn có thể làm hạn chế gia tăng vi khuẩn kháng thuốc, dựa trên các bằng chứng khoa học ở phòng xét nghiệm vi sinh. Bởi sau khi có kết quả kháng sinh đồ và thông báo cho bác sĩ, bác sĩ sẽ tiến hành cách ly bệnh nhân, không để vi khuẩn kháng thuốc lây lan sang các bệnh nhân khác, theo đó mức độ kháng kháng sinh không thể lan rộng và sẽ kéo dài được tuổi thọ các loại kháng sinh điều trị", PGS Mai Phương cho biết.

Tuy nhiên, hiện nay, chỉ một số ít bệnh viện có phòng vi sinh đạt chuẩn, còn lại chất lượng ở mức thấp do phải đầu tư trang thiết bị hiện đại và chưa đủ nhân lực có trình độ để vận hành. Do đó, để thực hiện hiệu quả chương trình phòng chống kháng thuốc quốc gia, việc đưa các phòng xét nghiệm vi sinh đạt chuẩn tại các bệnh viện vào hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo PGS.TS Đoàn Mai Phương, để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, ngoài nỗ lực từ bệnh viện, nhân viên y tế, bản thân cộng đồng, người dân cũng phải có trách nhiệm. Trong đó, hạn chế mua kháng sinh không có đơn, không sử dụng kháng sinh theo kiểu truyền miệng, hạn chế dùng kháng sinh trong chăn nuôi.

Bảo Lâm

Thuốc kháng sinh sẽ 'vô tác dụng' nếu dùng thực phẩm và đồ uống này trong lúc điều trị(VietQ.vn) - Đồ ăn chua, sữa, nước cam, thực phẩm giàu chất sắt…là những thứ có thể”phá hủy” tác dụng của thuốc kháng sinh ai cũng nên biết để tránh dùng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang