Cảnh báo phụ tùng xe máy, quần áo thời trang giả mạo nhãn hiệu

author 16:29 16/07/2021

(VietQ.vn) - Tổng Cục QLTT cho biết, bên cạnh tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại một số tỉnh cũng gia tăng.

Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, thời gian gần đây tình hình kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại một số tỉnh thành ngày càng gia tăng ở cả số lượng lẫn hành vi vi phạm. 

Phụ tùng xe máy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa

Mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lai Châu cho biết, qua công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2021, lực lượng QLTT tỉnh đã chỉ đạo các Đội QLTT trong tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát tình hình kinh doanh hàng hóa trên địa bàn. Cụ thể, Đoàn Kiểm tra Đội QLTT số 3 đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy do bà Quách Thị Thu làm chủ, địa chỉ Khu 26, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Qua kiểm tra phát hiện hàng trăm sản phẩm là phụ tùng xe máy gồm: Má phanh xe máy, ống ty giảm sóc, dây curoa xe máy, dây công tơ mét, khóa điện....

Toàn bộ số hàng trên có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu sản phẩm chính hãng của Công ty TNHH YAMAHA Motor Việt Nam. Qua kiểm tra tem và nhãn không đúng theo tem nhãn của hàng chính hãng; không có vỏ hộp theo quy định; không cung cấp được các giấy tờ liên quan đến hàng hóa.

Lượng lớn phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu bị phát hiện. Ảnh: Cục QLTT Lai Châu 

Gần 300 sản phẩm quần áo, giầy dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

Cũng qua công tác nắm bắt địa bàn và kiểm tra, kiểm soát thị trường trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hoạt động kinh doanh vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Đội QLTT số 9 thuộc Cục QLTT tỉnh tiến hành kiểm tra cửa hàng Trung tâm Mua sắm tiện ích, Địa chỉ: thôn Vinh Quang, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang do bà Đoàn Thị Hải Hà sinh năm 1988 làm chủ.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang bầy bán 274 sản phẩm quần áo may sẵn, giầy, dép các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu ADIDAS, NIKE, LOUIS VUITTON, HERMES, GUCCI, CHANEL, LACOSTE đã được bảo hộ tại Việt Nam. Toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm đã được Đội QLTT số 9 tạm giữ để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Công an Hà Nội: Cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo, tống tiền bằng Bitcoin(VietQ.vn) - Nhiều kẻ gian đã sử dụng thủ đoạn gửi email rác từ máy chủ đe dọa các cá nhân, cơ quan tổ chức sẽ điều khiển hoạt động máy tính nếu không đưa tiền chuộc thông qua Bitcoin.

Đội Quản lý thị trường số 5 xử phạt 27 vụ vi phạm

Tiếp đến, qua kiểm soát chặt chẽ thị trường trong mùa dịch, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại. Đội chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn các doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng; tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật, giúp nhân dân, thương nhân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh, đồng thời, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.

Ông Trần Ngọc Long, Đội trưởng Đội QLTT số 5 cho biết, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường sử dụng nguồn nguyên liệu có giá thành, chất lượng thấp, trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc để sản xuất hàng hoá sau đó dán nhãn hiệu của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu để bán ra thị trường.

Đặc biệt, các thủ đoạn gian lận thương mại chủ yếu là hàng hóa không thực hiện việc ghi nhãn theo quy định; hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; không niêm yết giá hàng hóa và kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. 

Với sự vào cuộc tích cực trong đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác xuất xứ Việt Nam, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm, 6 tháng đầu năm, Đội QLTT số 5 đã kiểm tra 83 vụ, xử phạt 27 vụ vi phạm hành chính trên 247 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 500 triệu đồng.

Theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ được xác định như sau:

Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hoá sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.

Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.

Xử lý hàng hóa xâm phạm

Đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó thì cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm áp dụng một trong các biện pháp sau đây:

Phân phối không nhằm mục đích thương mại hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại theo quy định tại Điều 30 của Nghị định này;

Theo quy định tại Điều 31, buộc chủ hàng, người vận chuyển, người tàng trữ loại bỏ các yếu tố xâm phạm và đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh là hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu, tái xuất đối với hàng hoá nhập khẩu là hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu; nếu không loại bỏ được yếu tố xâm phạm khỏi hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó thì áp dụng biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Đối với hàng hoá nhập khẩu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về chỉ dẫn địa lý, hàng hoá sao chép lậu thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan xử lý xâm phạm áp dụng biện pháp buộc loại bỏ yếu tố xâm phạm và biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan xử lý xâm phạm quyết định áp dụng các biện pháp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này hoặc biện pháp khác, nếu xét thấy thích hợp. Trong quá trình ra quyết định xử lý xâm phạm cơ quan xử lý có thể xem xét đề nghị của các bên liên quan về việc xử lý xâm phạm.

 An Dương 



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang