Cảnh báo sốt xuất huyết bùng phát khi Covid-19 chưa được đẩy lùi

author 10:12 11/07/2020

(VietQ.vn) -Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được đẩy lùi, các quốc gia ở Đông Nam Á như: Singapore, Thái Lan, Malaysia… tiếp tục đối mặt với dịch sốt xuất huyết.

Covid-19 chưa hết, dịch sốt xuất huyết lại bùng phát

Tiến sĩ Leong Hoe Nam, bác sĩ tại bệnh viện Mount Elizabeth Novena, Singapore cho hay, các quốc gia Đông Nam Á không có thời gian nghỉ ngơi khi tiếp tục đối diện với dịch bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết. Theo Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA), tính đến 6/7, có 7.500 ca sốt xuất huyết được báo cáo tại Singapore. Còn tại Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, các quan chức y tế địa phương cho biết vào cuối tháng 6 đã có 68.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trên toàn quốc. 

Tổng giám đốc y tế của Malaysia - Noor Hisham Abdullah đã cảnh báo về sự gia tăng các ca sốt xuất huyết trên cả nước trong bối cảnh cả thế giới đang chiến đấu với Covid-19 khiến nền kinh tế các nước bị vùi dập.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ước tính rằng, có ít nhất 400 triệu trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết mỗi năm trên thế giới. Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế cho thấy 12 tỉnh, thành phố gồm Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, TP.Hồ Chí Minh và TP.Hà Nội liên tục ghi nhận số mắc sốt xuất huyết hàng tuần.

Sốt xuất huyết là bệnh không có thuốc đặc hiệu và vắc-xin để ngăn ngừa. Bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

 Dịch sốt xuất huyết lại bùng phát

Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Trước đó, chia sẻ với Chất lượng Việt Nam online, PGS. TS Hoàng Công Đắc, nguyên Phó giám đốc bệnh viện E cho biết những người có triệu chứng sốt xuất huyết nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể.

Người bị sốt xuất huyết chỉ được uống thuốc hạ sốt paracetamol. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc giảm đau hạ sốt gây ra biến chứng của bệnh sốt xuất huyết như Aspirin, steroid. Nếu dùng sai thuốc hạ sốt sẽ gây ra triệu chứng xuất huyết dưới da hoặc dạ dày, tá tràng, nôn ra máu rất nguy hiểm. 

Các bệnh nhân điều trị tại nhà cũng cần lưu ý dùng thuốc hạ sốt phải đúng liều. Thuốc hạ sốt không thể cắt sốt ngay mà chỉ giúp bệnh nhân hạ sốt. Ngoài ra, bệnh nhân không vì lo lắng mà tự ý tăng liều gây suy gan làm tình trạng bệnh nặng hơn, rất khó điều trị thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Người bị sốt xuất huyết cần bổ sung đủ nước bằng cách ăn cháo lỏng, uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày đồng thời uống thêm oresol để bù chất điện giải. Bởi khi bị sốt xuất huyết, người bệnh sốt cao, nôn liên tục, bị thiếu nước kéo dài dễ dẫn đến trụy mạch rất khó cứu chữa. Hơn nữa, bệnh nhân không nên tự ý truyền dịch tại nhà hay lạm dụng truyền dịch. Dù bệnh nhân sốt xuất huyết cần bổ sung nhiều nước nhưng nếu cơ thể bị thừa nước gây ra phù phổi cấp cũng sẽ dẫn tới tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Vì thế, người nhà không nên xa lánh mà cần chăm sóc, động viên người bệnh. Đồng thời, vệ sinh sạch sẽ các vũng nước đọng hoặc những nơi lăng quăng có thể phát triển, luôn luôn ngủ trong màn kể cả ban ngày tại nơi có dịch sốt xuất huyết.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang