Cảnh báo sự sụp đổ dây chuyền tín dụng đen

author 06:09 04/08/2013

Vụ vỡ nợ hàng trăm tỉ đồng ở Lạng Sơn gây chấn động dư luận cả nước những ngày qua và một lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh bảo về sự “sụp đổ” dây chuyền của “hệ thống” tín dụng đen trên cả nước.

Mặc dù không phải thiên tai, địch hoạ nhưng hậu quả của vỡ hụi đôi khi còn tàn khốc và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an sinh xã hội hơn gấp nhiều lần. Dư luận vẫn luôn bất bình và đặt nhiều câu hỏi, không lẽ pháp luật phải bó tay với những vụ vỡ hụi ?

Thấy gì từ vụ vỡ hụi Lạng Sơn

Chưa có con số thống kê chính thức nhưng có thông tin cho rằng “quy mô” của vụ vỡ nợ trên có thể lên tới 600 tỉ đồng. Qua truy xét, Công an TP.Lạng Sơn đã bắt giữ Nguyễn Văn Trung (46 tuổi) và Tạ Bích Liên (40 tuổi), trú đường Bà Triệu, TP.Lạng Sơn để phục vụ điều tra. Thông tin ban đầu cho thấy Trung và Liên huy động vốn từ năm 2010 để đáo hạn ngân hàng, lấy vốn đầu tư.

 

Trước đó, hàng loạt các vụ vỡ nợ trăm tỉ đã xảy ra, điển hình như vụ Tạ Việt Quang lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt khoảng 300 tỷ đồng xảy ra tại Đan Phượng (Hà Nội); vụ Nguyễn Thị Dậu chiếm đoạt khoảng 200 tỷ đồng ở Hà Đông, vụ Nguyễn Thị Hoàng Hoa, TP. Hồ Chí Minh tuyên bố vỡ nợ rồi chiếm đoạt đến gần 500 tỷ đồng. Và dường như ở đâu đó từ cấp xã phường, quận huyện, tỉnh thành trên cả nước, những vụ vỡ tín dụng đen với quy mô khác nhau đã trở nên quen thuộc dù nó luôn khiến các thân chủ bàng hoàng.

Câu hỏi đặt ra là làm sao các chủ hụi như lại có thể dễ dàng huy động được một số tiền lớn như vậy? Cũng giống như các vụ vỡ hụi trước đó, trước tiên là chủ hụi phải lấy lòng hay nói cách khác là tạo niềm tin với những người định vay tiền. Tiếp đến là dùng lãi suất cao đánh vào lòng tham. Với “vỏ bọc” làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng, lãi suất từ 6 - 9%/1 tháng, nhiều người dân tại đây đã tự nguyện gom tiền của gia đình, người thân để cho vay.

Có một điều khá đặc biệt là hàng loạt các vụ vỡ nợ “tín dụng đen” diễn ra liên tiếp, những bài học đã có và phần lớn các vụ vỡ nợ đều có một “mô- tuýp” quen thuộc là: vay tiền của nhiều người với lãi suất cao. Ban đầu, đối tượng vay trả lãi rất đúng hẹn sau đó tuyên bố vỡ nợ hoặc bỏ trốn do mất khả năng thanh toán.

Đặc biệt, chủ "họ" - người cho vay thường định trước một thời hạn cố định cho người "vay họ", "bốc họ". Lãi suất vay do hai bên thỏa thuận dao động từ 3,5% - 12%/tháng nhưng trong giấy tờ chỉ là vay bình thường, không ghi mức lãi suất mà hai bên đã thỏa thuận. Để vay được tiền thì người vay phải làm hợp đồng bán tài sản là động sản hoặc bất động sản thay vì làm hợp đồng vay tiền và người vay chỉ được vay trị giá 70% đến 80% trị giá tài sản. Nếu quá hạn mà người vay không thanh toán thì chủ cho vay sẽ thanh lý tài sản, người vay phải làm giấy sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng bất động sản cho chủ "họ". Đồng thời, khi hết thời hạn vay mà người vay chưa trả nợ, vẫn còn muốn vay nữa thì chủ cho vay làm giấy chốt nợ cũ để lập hợp đồng mới - tức mở "bát họ" mới. Sau mỗi lần chốt nợ thì hợp đồng cũ hết hiệu lực và làm phát sinh hợp đồng mới. Hợp đồng mới bao gồm cả tiền gốc cộng tiền lãi của hợp đồng cũ…

Hành lang pháp lý lỏng lẻo

Chuyện chơi hụi, họ ở Việt Nam đã phổ biến từ lâu. Về mặt tích cực thì chơi hụi như một hình thức huy động tín dụng, giúp cho nhiều người, nhất là bà con lao động, có thêm vốn làm ăn, hay tạm thời vượt qua những lúc khó khăn. Thế nhưng, những cuộc lừa đảo quy mô lớn như trên cũng không còn là câu chuyện hiếm.

Trong khi đó, điều Bộ Luật Hình sự (BLHS) có quy định về hụi, họ, biêu, phường nhưng còn rất sơ sài. Theo Nghị định 144/2006/NĐ-CP, chơi hụi chính thức được pháp luật thừa nhận và bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của người chơi. Thế nhưng sau đó, những cuộc lừa hụi quy mô lớn vẫn liên tiếp xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố, đẩy bao nhiêu gia đình vào cảnh khốn cùng, cho thấy còn nhiều bất cập giữa những quy định trên giấy và hành động trên thực tế. Còn văn bản quy định cụ thể cách xử lý các vụ việc liên quan đến hụi có dấu hiệu hình sự thì chưa có. Đối với các vụ vỡ hụi lớn, người cầm đầu dây không có khả năng chi trả thường bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 140 BLHS, trong đó dấu hiệu bắt buộc phải là bỏ trốn sau khi chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành tội phạm đối với chủ hụi thường rất yếu. Một phần do chủ hụi và người chơi đều thỏa thuận với nhau bằng miệng, giấy tờ, biên lai thường chỉ là những cuốn sổ “đầy những con số”.

Hơn nữa, muốn chứng minh được hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm thì phải có các dấu hiệu như con nợ bội tín, không có khả năng thanh toán và dùng thủ đoạn gian dối để không trả khoản nợ đó. Trong khi đó, việc thu thập chứng cứ để xử lý các vụ án vay mượn “tín dụng đen” rồi chiếm đoạt thường mất nhiều thời gian, công sức? Cơ quan điều tra phải làm rõ việc sử dụng số tiền đã chiếm đoạt được như thế nào, từ đó xác định hành vi phạm tội cũng như việc thu hồi tài sản để trả cho các bị hại. Trong trường hợp chủ nợ đòi rát thì trả rất nhỏ giọt, vay hàng tỷ đồng thì có khi một tháng chỉ trả được vài triệu đồng, thậm chí không trả.

Và những hệ lụy

Dù được cảnh báo, dù có những bài học đắng cay, tín dụng đen vẫn có “đất sống” và vẫn là cái bẫy sẵn sàng sập xuống bất kỳ khi nào và bất kỳ ở đâu. Có thể khẳng định, tín dụng đen, đặc biệt là khi vỡ nợ gây hậu quả rất nghiêm trọng về kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên qua các vụ vỡ nợ cũng phản ánh được rất nhiêu điều: đó là đang có một nguồn lực rất lớn trong dân chưa được huy động; đó là nhu cầu về vốn của các DN nhỏ và vừa; đó là vai trò của các tổ chức tài chính tín dụng...

Hiện nay cho dù các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay và nhu cầu vay vốn làm ăn tăng cao song không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận. Trong bối cảnh đó, người dân phải vật lộn dùng mọi cách để có thể tìm ra lợi nhuận nên sẵn sàng bấu víu vào tín dụng đen bất chấp những rủi ro vì sự tự do không kiểm soát. Hầu hết những người, những gia đình là nạn nhân của các vụ vỡ hụi đều rơi vào cảnh tán gia, bại sản, nợ nần chồng chất. Nhiều người ác khẩu còn cho rằng, ai tham thì chết. Tuy nhiên, vấn đề là những cơ quan quản lí nhà nước, cơ quan tư pháp phải làm gì để giúp người dân phòng tránh hoặc ngăn chặn tình trạng trên?Cách đây hơn 20 năm, tài chính nước nhà cũng đã một phen lao đao, hoảng loạn khi hàng loạt quỹ tín dụng nhân dân đã bị “vỡ”. Người dân cũng bị mất tiền cũng bởi các quỹ này không rõ tiêu chí, không có cơ sở đảm bảo an toàn, cùng với đó là việc giám sát không sát sao, kém hiệu lực… Còn nay, kinh tế cũng đang xuống dốc. Các tổ chức tín dụng liêu xiêu, nhu cầu vay vốn làm ăn tăng cao song không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận. Trong bối cảnh đó, người dân phải vật lộn dùng mọi cách để có thể tìm ra lợi nhuận nên sẵn sàng bấu víu vào tín dụng đen bất chấp những rủi ro vì sự tự do không kiểm soát. Vậy nên, tín dụng đen vỡ nát một phần cũng bởi hệ lụy của sự suy thoái cả về kinh tế cũng như an sinh xã hội.

LS Nguyễn Tiến Sơn - Đoàn LS Hà Nội
 
Tách bạch hụi với chiếm đoạt tài sản
 
Báo động đỏ... tín dụng đen (1)Nếu nói về pháp luật liên quan đến hụi thì chúng ta đã có quy định về hụi, họ, biêu, phường tại Điều 479 Bộ LuậtDân sự. Đồng thời, Nghị định 144/2006/NĐ-CP cũng chỉ ra các chế định về trách nhiệm dân sự trong giao dịch này. Tuy nhiên, các văn bản cụ thể liên quan đến hụi có dấu hiệu hình sự thì chưa có. Chính vì vậy, đối với các vụ vỡ hụi lớn, chủ hụi không có khả năng chi trả thường bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” Điều 139 hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” Điều 140 BLHS, Bô luật Hình sự.
Đối với việc xác định hành vi có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, phải chứng minh được chủ hụi có dấu hiệu lừa dối ngay từ đầu để chiếm đoạt tài sản mới có thể khởi tố. Tuy nhiên, trong thực tế, ít có cơ sở xác định ngay từ đầu chủ hụi đã có dấu hiệu gian dối. Còn đối với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, dấu hiệu bắt buộc phải là bỏ trốn sau khi chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành tội phạm này đối với chủ hụi thường rất yếu. Một phần do chủ hụi và hụi viên đều thỏa thuận với nhau bằng miệng, khi xảy ra vỡ hụi giấy tờ, biên lai chứng minh thường rất sơ sài. Chưa kể, khi vỡ hụi, chủ hụi hứa hẹn sẽ hoàn trả và không thể hiện ý định bỏ trốn. Vì thế, các cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự.
Hụi, họ trong pháp luật dân sự là những hoạt động mang tính tương trợ nhau của một nhóm người. Tuy nhiên, đối với những vụ vỡ hụi xảy ra thời gian qua lại có mục đích khác. Hiện tượng phổ biến là chủ hụi huy động với mức lãi suất “trên trời” mà không kinh doanh gì có thể đạt được lợi nhuận như vậy. Họ dùng tiền của người nọ trả người kia. Tuy nhiên, với mức lãi suất cao thì rất dễ huy động. Lãi suất càng cao thì càng huy động nhanh và vỡ hụi cũng càng nhanh.
Khi vỡ hụi, nếu nạn nhân khởi kiện dân sự, quá trình xử lý cũng nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề lãi suất. Bởi khác với cho vay trong hợp đồng vay tài sản (do người vay áp đặt lãi suất), lãi suất trong hụi họ do người đi vay tự nguyện đặt ra. Rất nhiều đại diện của cơ quan bảo vệ pháp luật gặp lúng túng trước danh giới của việc hình sự hoá quan hệ dân sự hay dân sự hoá quan hệ hình sự.
Chính vị vậy, pháp luật về hụi cần làm rõ hai hình thức hụi mang tính chất tương trợ lẫn nhau hay hụi với mục đích chiếm đoạt tài sản. Phải có chế tài để ngăn chặn từ xa hành vi hụi chiếm đoạt tài sản, đồng thời phạt thật nặng hành vi này. Bên cạnh đó, trách nhiêm dân sự cũng là vấn đề cần mạnh tay hơn. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã quy định mức tiền tương đương hình phạt tù…

 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

 
 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang