Cảnh báo: Thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ, làm sao để chọn thực phẩm an toàn?

author 15:10 14/10/2020

(VietQ.vn) - Để lựa chọn thức ăn đường phố an toàn, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên mua và sử dụng thức ăn đường phố tại các địa điểm bày bán sạch sẽ, cách xa nơi có rác thải, bùn lầy, cống rãnh...

Theo thông tin từ Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, tại Việt Nam, thức ăn đường phố khá phổ biến và rất được ưa chuộng bởi sự đa dạng, phong phú như bún, phở, cơm, cháo, trái cây, nước giải khát,…kèm theo đó là sự tiện lợi, nhanh chóng, giá cả phải chăng đáp ứng được nhu cầu của nhiều người.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích như thế, thức ăn đường phố lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho người tiêu dùng. Chính vì thế, người tiêu dùng cần hiểu đúng và đủ trong việc chọn mua thức ăn đường phố, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Các loại thức ăn đường phố được chế biến đa dạng, lại dễ mua, tiện lợi, người tiêu dùng có thể dùng trực tiếp hoặc mua về là dùng ngay, không cần phải chế biến lại. Ngoài ra việc kinh doanh thức ăn đường phố cũng khá đơn giản, chỉ cần một chiếc xe đẩy, vài bộ bàn ghế nhựa đã có thể bày ra một quán ăn sẵn trên vỉa hè, đường phố.. Tuy nhiên, người mua rất khó để xác định được mức độ an toàn của những thức ăn này.

Để có được những món ăn vừa rẻ, vừa tiện lợi, một số người kinh doanh thức ăn đường phố có thể sử dụng nguồn nguyên liệu chế biến không rõ nguồn gốc; không đảm bảo các yêu cầu quy định điều kiện về an toàn thực phẩm như bố trí kinh doanh ở khu vực công công cách biệt các nguồn ô nhiễm…các nguyên nhân đó cũng dễ khiến đồ ăn thức uống bị ô nhiễm, dễ dẫn đến các bệnh lây qua đường ăn uống, ngộ độc thực phẩm...

Ảnh minh họa 

Thêm vào đó, hiện nay, hầu hết các cửa hàng bán thức ăn nhanh đều đựng thức ăn bằng hộp xốp, không bảo đảm an toàn. Theo Cục An toàn thực phẩm, hộp xốp được sản xuất từ Polystyrene (PS) với thành phần không khí chiếm 95% và PS chỉ chiếm 5% nên rất nhẹ, được dùng để chứa đựng, bảo quản thực phẩm và đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Mặc dù là vật liệu an toàn, nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng do ô nhiễm Chì, Cadmium từ nguyên liệu sản xuất hộp không tinh khiết và thôi nhiễm Styrene và Ethylbenzene do sử dụng hộp xốp không đúng cách trong chứa đựng, bảo quản thực phẩm.

Để kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo an toàn, nơi bày bán thức ăn đường phố phải đáp ứng được các yêu cầu như: Phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố. Ngoài ra, nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại, có đủ nước sử dụng đạt quy chuẩn kỹ thuật phụ vụ việc chế biến, kinh doanh,…

Nhằm cải thiện điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng đã ban hành Kế hoạch số 1648/KH-BQLATTP ngày 25 tháng 8 năm 2020 về việc Bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố năm 2020.

Trong đó, Ban đã phối hợp với UBND quận, huyện... hỗ trợ các vật dụng kinh doanh thức ăn đường phố (bao tay, tạp dề, kẹp gắp, thùng rác,…); hỗ trợ bộ kiểm tra nhanh (test nhanh hàn the, focmol, độ sạch dụng cụ, túi đựng test...) cho các cán bộ quản lý về an toàn thực phẩm quận, huyện, phường, xã, thị trấn…

Để lựa chọn thức ăn đường phố an toàn, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên mua và sử dụng thức ăn đường phố tại các địa điểm bày bán sạch sẽ, cách xa nơi có rác thải, bùn lầy, cống rãnh; có bàn, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống cách mặt đất ít nhất 60cm để giảm bớt nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây hại, bụi, bẩn từ mặt đất vào thực phẩm; những nơi bày bán thức ăn đường phố trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh,…

Nên chọn những nơi những người chế biến, phục vụ mặc trang phục (quần áo, tạp dề...) sạch sẽ không nhàu nát, đeo khẩu trang, bao tay khi chế biến, phục vụ. Người tiêu dùng cần cung cấp thông tin kịp thời khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm với nhân viên y tế, có sở y tế, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất, cơ quan quản lý có thẩm quyền để có giải pháp xử lý kịp thời...

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang