Cảnh báo nguy cơ do sử dụng thuốc tân dược không rõ nguồn gốc

author 09:47 30/05/2021

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng vừa phát hiện, tịch thu lượng lớn thuốc tân dược không rõ nguồn gốc tại Đồng Tháp, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng cần hết sức thận trọng.

Vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 25 tháng 5 năm 2021, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp phát hiện phương tiện ô tô tải mang số biển kiểm soát 67C–097.05 đang dừng đỗ tại khu vực bến đò Doi Lửa, thuộc ấp Tây, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp có dấu hiệu chứa hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

 Tang vật Đội QLTT số 2 thu giữ.

Đội Quản lý thị trường số 2 tiến hành khám phương tiện nêu trên. Kết quả phát hiện trên phương tiện có 980 gói thuốc dán, 95 hộp thuốc tân dược và 09 chai dầu xoa bóp, số hàng hóa trên không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua làm việc, ông Dương Thành Thật, địa chỉ Số 86, đường Nguyễn Văn Cừ, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang thừa nhận toàn bộ số hàng hóa trên là của ông.

Đội Quản lý thị trường số 2 đã ra quyết định phạt tiền 21,6 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 1,52 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số lượng tang vật vi phạm trên, trị giá tang vật 18,68 triệu đồng.

Nói tới thuốc giả, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết, thuốc giả là sản phẩm được sản xuất với ý đồ cố tình gian lận trong việc nhận dạng và/hoặc nguồn gốc thuốc. Cũng theo định nghĩa của WHO, một sản phẩm là thuốc giả có thể chứa thành phần dược chất khác với thông tin trong hồ sơ đăng ký, thậm chí là không có dược chất. Trường hợp khác có thể chứa đúng thành phần hoạt chất nhưng với hàm lượng/nồng độ không đúng hoặc sản phẩm được đóng gói trong bao bì giả mạo về nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm.

Trong nhiều năm qua, số lượng thuốc giả xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng. Việc sử dụng thuốc kém chất lượng sẽ không chỉ gây tác động xấu đến sức khoẻ người bệnh mà còn làm xói mòn lòng tin của công chúng vào hệ thống y tế của quốc gia. Vì thế, việc sản xuất, tồn trữ, phân phối và sử dụng thuốc tại mỗi quốc gia cần phải được thực hiện theo khung pháp lý chặt chẽ hơn.

Còn theo thông tin từ Bộ Y tế, tại Việt Nam, do đặc trưng hệ thống phân phối trong nước còn thiếu tính chuyên nghiệp, thuốc phải đi qua nhiều tầng nấc trung gian khiến chi phí phân phối bị tăng lên, khó truy xuất nguồn gốc cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, thông tin về người mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ không được lưu giữ một cách thích hợp, việc thực hiện các quy định liên quan đến hoá đơn chứng từ trong mua bán thuốc tại các cơ sở chưa thật nghiêm túc, đặc biệt là phân phối thuốc tại các khu vực vùng sâu vùng xa trong khi đội ngũ cơ quan quản lý và giám sát chất lượng thuốc chưa đủ sức bao phủ khiến cho việc phát hiện thuốc giả, thu hồi thuốc kém chất lượng càng trở nên khó khăn hơn. Thực tế cho thấy nơi tiêu thụ của thuốc giả phần lớn là ở các “chợ thuốc”.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của mạng Internet cũng là môi trường thuận lợi để đưa sản phẩm thuốc giả "đến tận tay người bệnh". Nhiều vụ việc liên quan đến phát hiện và xử lý thuốc giả ở quy mô lớn liên tục được đưa tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian gần đây lại một lần nữa làm dấy lên lo ngại về thực trạng thuốc giả trên thị trường dược phẩm vẫn còn rất khó kiểm soát triệt để.

 Thu Hà

 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang