Cảnh báo tình trạng doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo tại UAE

author 06:54 06/03/2021

(VietQ.vn) - Thương vụ Việt Nam tại UAE vừa đưa ra cảnh báo tình trạng doanh nghiệp Việt Nam nhận được lời mời chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại có dấu hiệu lừa đảo, gian lận từ một số doanh nghiệp có trụ sở tại UAE.

Theo Thương vụ Việt Nam tại UAE, trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19, cơ quan này liên tục tiếp nhận, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhận được lời mời chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại có dấu hiệu lừa đảo, gian lận từ một số doanh nghiệp có trụ sở tại UAE.

Các hình thức gian lận thương mại phổ biến là không trả tiền sau khi nhận được hàng hay làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu.

Đồng thời, một số doanh nghiệp phía UAE còn lợi dụng sự bất cẩn, thiếu chuyên nghiệp của các đối tác Việt Nam như không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng, không thẩm định các thông tin về doanh nghiệp đối tác, không cử người sang làm việc... để chuyển hàng không có giá trị, không đúng hợp đồng, hoặc thông báo hàng hỏng, kém chất lượng để ép giá, trừ nợ, đòi bồi thường...

Trong một số trường hợp, đối tượng phía UAE còn sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của 2 bên doanh nghiệp để theo dõi tiến trình đàm phán. Khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì hack email bên bán hoặc tạo 1 tài khoản email có địa chỉ gần giống tuyệt đối với email bên bán để gửi thông tin tài khoản lừa đảo. Sau khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.

Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết tình trạng này xảy ra do doanh nghiệp trong nước còn chủ quan, ưa lợi nhuận cao, mặt khác nghiệp vụ ngoại thương còn hạn chế. Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 cũng khiến việc đi lại, gặp gỡ, làm việc trực tiếp hoặc kiểm tra hàng hóa bị gián đoạn, buộc doanh nghiệp chuyển sang giao thương trực tuyến.

Doanh nghiệp có thể nhận biết dấu hiệu lừa đảo nếu việc đàm phán giá cả, hợp đồng diễn ra dễ dàng, nhanh chóng, ít mặc cả, đối tác chấp nhận giá cao. Đồng thời, các đơn vị cũng cần cảnh giác với những đối tác bắt đặt cọc để nhận khoản tiền đầu tư, làm các thủ tục giấy tờ tại UAE, hoặc không cung cấp giấy tờ, giấy tờ có nhiều pháp nhân khác nhau, hay mở L/C tại ngân hàng không uy tín ở nước thứ 3, giấy phép kinh doanh tại UAE sắp hết hạn...

Một số doanh nghiệp UAE có dấu hiệu lừa đảo trong thời gian qua là Abdul Aziz Abdul Gaffar Foodstuff Trading, Green Light Foodstuff Trading, Climax General Trading, Loyalpur General Trading, Choice Global FZC, Vital Fresh General Trading, International Dragon Food Trading.

Năm 2017, Thương vụ Việt Nam tại UAE cũng từng cảnh báo tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam bị lừa đảo bởi doanh nghiệp có trụ sở tại UAE. Ảnh minh họa 

Để hạn chế tình trạng này, Thương vụ Việt Nam tại UAE cho rằng doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật cho các nhân sự làm công tác ngoại thương, phát triển thị trường.

Đối với phương thức thanh toán, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác sử dụng L/C không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín quốc tế, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm. Khi đối tác thông báo đã mở L/C, doanh nghiệp có thể đề nghị ngân hàng Việt Nam kiểm tra tính xác thực của L/C trước khi giao chứng từ. Trong trường hợp thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra mức phần trăm đặt cọc bảo đảm an toàn cho đơn hàng, tốt nhất là từ 50% trở lên. "Không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A hay chuyển tiền bằng Western Union", cơ quan này nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hiện nay giá cả các loại hàng hóa đều được cập nhật rõ ràng qua thông tin thị trường hoặc trên các trang web hàng hóa quốc tế. Vì vậy, khi có đơn hỏi hàng trả giá quá cao hoặc quá thấp so với mặt bằng, doanh nghiệp nên lưu ý và kiểm tra kỹ độ tin cậy. Việc xác minh, thẩm định đối tác, đặc biệt là các đối tác mới lần đầu giao dịch là cần thiết, có thể thông qua các giấy tờ cụ thể như giấy phép kinh doanh, thông tin cá nhân của chủ doanh nghiệp.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Thương vụ Việt Nam tại UAE đưa ra cảnh báo này. Năm 2017, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE cũng đã có thông báo đến tất cả các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh mặt hàng trái cây xuất khẩu sang Dubai danh sách một số doanh nghiệp nhập khẩu trái cây có dấu hiệu lừa đảo tại UAE, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã bị kiện ra tòa với lý do không thanh toán tiền cho bên xuất khẩu.

Cụ thể, các doanh nghiệp gồm: Green Belt Food Stuff, Diamond Empire General Trading, Vintage International F.Z.C., Mohammad Mehdi General Trading, Onion Food Stuff Trading, Khushi Trading, Olwen International FZC, Red Fort Trading, Season Food Stuff Trading, Lassani Food Stuff Trading, Mahak Gulf Trading, Takbeer Trading, Floral Fruit

Trước đây, Thương vụ UAE đã có thông tin cảnh báo về một số hình thức lừa đảo, gian lận thương mại của các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây của UAE. Các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại theo từng bước. Ban đầu, họ giao dịch với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và thuyết phục ký hợp đồng xuất khẩu trái cây như chanh, chuối... với phương thức thanh toán là 50% trả tiền sau khi nhận bản scan chứng từ gửi hàng và 50% thanh toán sau khi nhận được hàng đúng chất lượng (thậm chí là sau khi nhận hàng 15 ngày). Sau đó, viện lý do đây là thông lệ kinh doanh của mặt hàng trái cây, rau quả tại Dubai (người bán cho người mua nợ tiền).

Sau khi nhận bản scan chứng từ, các daonh nghiệp lừa đảo gửi thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam để lấy chứng từ gốc, sau đó liên tục lấy lý do trục trặc ngân hàng để lấp liếm việc phát hành thông tin giả trì hoãn việc thanh toán (thậm chí là cả khoản 50% đầu tiên). Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị chậm trả lên đến 6 tháng - 1 năm, thậm chí sang tận nơi để đòi tiền nhưng cũng không giải quyết được do doanh nghiệp cố tình lẩn tránh hoặc dùng thủ đoạn câu giờ (hứa trả thành nhiều lần nhưng không trả hoặc lại phát hành thông tin giả mạo).

Khi nhận hàng, doanh nghiệp cũng dùng thủ thuật tráo hàng chất lượng kém, khiếu nại doanh nghiệp Việt Nam mà không có bất cứ giấy tờ giám định chất lượng hàng.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang