Chó chạy rông ngoài đường dễ gây ra tai nạn ‘thảm khốc’

author 14:23 15/09/2017

(VietQ.vn) - Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông do chó chạy rông ngoài đường diễn ra phải biến và không còn là chuyện hiếm.

Gần đây nhất phải kể tới vụ tai nạn giao thông tại Sóc Trăng do đâm phải chó gây tử vong. Theo đó gày 22/5/2017, Công an huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cho biết, cơ quan điều tra đang làm rõ vụ tai nạn chết người xảy ra tại xã Hồ Đắc Kiện vào khuya 21/5.

Thanh niên thiệt mạng là anh Phạm Thanh G (25 tuổi, ngụ thị xã Ngã Năm. Theo nhà chức trách, tai nạn xảy ra khi anh G chở T bằng xe máy từ hướng Hậu Giang về Sóc Trăng. Đến ấp Cống Đôi, anh G tông phải một con chó chạy trên quốc lộ và ngã xe. Kết quả anh G bị một chiếc xe ô tô giường nằm chạy cùng chiều va vào khiến anh này tử vong.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông do va chạm với chó chạy ngoài đường. Ảnh: Zing News

Hiện trường vụ tai nạn giao thông do va chạm với chó chạy ngoài đường. Ảnh: Zing News 

Tương tự, một trường hợp khác. Sáng 6/2, xe cứu thương và ôtô 7 chỗ chạy hai làn song song trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương để về miền Tây.  Đến đoạn Km 15+500 (huyện Bến Lức, Long An), cả hai tài xế cùng đánh lái để tránh con chó chạy rông trên đường nên va vào nhau.

Cùng lúc, tài xế ôtô du lịch 16 chỗ chạy sau không xử lý kịp đã tông thẳng vào hai xe phía trước, khiến ba phương tiện dính chùm.  Theo các tài xế, trước khi vụ tai nạn xảy ra, họ thấy con chó màu vàng nặng khoảng 4 ký chạy rông trên cao tốc.

Một trường hợp tai nạn liên quan tới chó chạy rông khá nghiêm trọng, khoảng 12 giờ 43 phút ngày 19-3, Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị Mỹ L. (SN 1968 ngụ ấp Bồn Thanh, xã Ngũ lạc, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) trong tình trạng bị gãy đầu trên xương chày và chấn thương khớp gối do trong lúc điều khiển xe máy, bà L. cán phải con chó bất ngờ băng qua đường nên bị té nhào xuống đường.

Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh trước đó, số bệnh nhân bị tai nạn giao thông đưa vào bệnh viện này điều trị là 305 người, trong đó có 22 trường hợp tai nạn liên quan đến chó chạy qua đường gây thương tích 33 người. Trong 33 ca tai nạn có 14 ca gãy xương cẳng chân, cẳng tay; 6 ca chấn thương đầu và nhiều vết thương khác do té ngã khi cán chó.

Xem thêm video: Chó chạy rông ngoài đường gây tai nạn thảm khốc

Nguồn video: VTC/Facebook

Trước tình trạng chó chạy rông gây tai nạn và thương tích quá nhiều cho người tham gia giao thông, Nghị định 90 mới đây nêu rõ, việc chó chạy rông, không rọ mõm ở Hà Nội sẽ bị chặn bắt.

Còn tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng. Chủ vật nuôi phải bồi thường tổn thất về sức khỏe, tinh thần, vật chất do vật nuôi của mình gây ra tai nạn hoặc bị cắn cho người bị hại.

Trường hợp chủ vật nuôi để chó thả rông cắn người hoặc cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn, chủ nuôi phải chịu mọi chi phí điều trị. Nếu có chết người, ngoài việc phải chịu chi phí trong thời gian điều trị, chủ nuôi còn phải có trách nhiệm vật chất trong việc tổ chức chôn cất cho người bị hại và các khoản chi liên quan do người chết để lại.

Theo Điều 34 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.

Nếu chủ sở hữu thả gia súc hoặc dẫn dắt súc vật đi trên đường không thực hiện đúng quy định nêu trên mà không may gây tai nạn cho người tham gia giao thông dẫn đến chết người thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người được quy định tại Điều 98 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người tham gia giao thông không tuân thủ đúng các quy định về giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả chết người thì trách nhiệm hình sự của người chăn thả gia súc chỉ được đặt ra khi họ cũng có lỗi đối với hậu quả đã xảy ra.

Trong trường hợp thả gia súc hoặc dẫn dắt súc vật ở trên đường gây tại nạn giao thông không gây hậu quả chết người nhưng gây thiệt hại về sức khỏe hoặc về tài sản thì chủ sở hữu gia súc, người dẫn dắt gia súc phải bồi thường.

Căn cứ theo các quy định pháp luật tại khoản 1 điều 625, điều 608, 609 BLDS 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, gia đình bị hại có thể yêu cầu chủ sở hữu súc vật gây thiệt hại cho nạn nhân phải bồi thường.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang