Nắng nóng kéo dài, cảnh giác sốc nhiệt, tổn thương não

author 16:44 05/06/2017

(VietQ.vn) - Dưới tác động của thời tiết nắng nóng đang diễn ra, tỉ lệ người mắc bệnh đột quỵ tăng cao nhưng lại khó chẩn đoán chính xác và cấp cứu kịp thời do bị bị nhầm lẫn với các triệu chứng của say nắng, trúng gió.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài 3-4 ngày tới, nhiệt độ đo được phổ biến từ 36-39°C, đặc biệt một số nơi trên 39°C như Hà Đông (Hà Nội) 40.3°C,…Với nền nhiệt độ cao cùng với đó thời gian nắng kéo dài rất dễ khiến cơ thể bị sốc nhiệt, thiếu ngủ và đặc biệt dễ mắc đột quỵ.

Mất ngủ, đột quỵ ngày nắng nóng

Trường hợp của bà Nguyễn Thị Đán (68 tuổi, Cần Thơ) bắt đầu một ngày như bao ngày bình thường. Đến trưa khi thời tiết trở nên oi bức, bà cảm thấy đau đầu và chóng mặt. Nghĩ mình bị say nắng nên bà vào phòng nằm nghỉ. Thấy bà ngủ trưa khá lâu, người thân vào gọi mãi nhưng không thấy bà trả lời hay phản ứng gì liền đưa bà đi cấp cứu. Tại bệnh viện, bà Đán được bác sĩ chẩn đoán đột quỵ do tắc mạch máu não, theo ghi nhận của báo Dân trí.

Còn theo báo Phụ Nữ Việt Nam đưa tin, theo số liệu của Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não trong thời điểm nắng nóng đầu tháng 4 tăng khoảng 10% so với tháng 1 và tháng 2.

TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 khẳng định, mặc dù chưa có nghiên cứu chứng minh mối liên hệ giữa nắng nóng và các cơn đột quỵ não hay đột quỵ tim mạch ở người già. Nhưng khi trời nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến huyết áp của người lớn tuổi. Khi huyết áp tăng thì nguy cơ đột quỵ xảy ra rất cao.

Nắng nóng kéo dài sẽ khiến con người dễ đột quỵ. Ảnh minh họa

Nắng nóng kéo dài sẽ khiến con người dễ đột quỵ. Ảnh minh họa 

Một trong những nguyên nhân dễ gây đột quỵ đó chính là thiếu ngủ do nắng nóng. Vì khi người già mất ngủ, trong não xuất hiện một số chất làm cường giao cảm, có tác dụng như chất kích thích, tạo ra tình trạng hưng phấn. Những chất này ảnh hưởng đến một số chất dẫn truyền thần kinh như norepinephrin, epinephrin, dobamin. Những chất dẫn truyền thần kinh này lại có tác dụng làm tăng huyết áp ở người già.

Sốc nhiệt tổn thương não

Chia sẻ trên tờ Lao Động, TS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sốc nhiệt là tình trạng nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt tăng cao. Sốc nhiệt có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Mặc dù sốc nhiệt chủ yếu ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi nhưng người trẻ cũng dễ gặp nếu thời tiết quá khắc nghiệt.

Sốc nhiệt thường biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ liên quan tới nhiệt như chuột rút, ngất xỉu và lả nhiệt (kiệt sức vì nóng). Nhưng sốc nhiệt cũng có thể không có dấu hiệu báo trước.

Bệnh nhân đột quỵ tăng cao do nắng nóng. Ảnh minh họa

Bệnh nhân đột quỵ tăng cao do nắng nóng. Ảnh minh họa 

Sốc nhiệt là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài. Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê. Nếu sinh sống ở khu vực đô thị, người trong cuộc có thể dễ bị sốc nhiệt trong đợt nóng kéo dài, đặc biệt khi trời không có gió và chất lượng không khí kém.

Đột quỵ dẫn đến tử vong

Vào mùa hè, sự mất nước thông qua việc đổ mồ hôi của cơ thể khiến các mạch máu có khuynh hướng trở nên lồi lõm, độ kết dính trong máu tăng cao dễ dẫn đến khả năng xuất hiện các cục máu đông. Đặc biệt đáng lưu ý, nguy cơ tử vong do nhồi máu não của người cao tuổi ở mức nhiệt độ 32°C trở lên tăng cao hơn nhiều so với mức nhiệt độ 27-29°C.

Chia sẻ với Dân Trí, TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP HCM - người sáng lập trung tâm SIS (Stroke International Services - Cấp cứu đột quỵ quốc tế) cho biết: “Trong cấp cứu đột quỵ nếu chậm trễ, mỗi phút qua đi sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh bị mất. Nếu ngưng đập trong gần 20 phút tim vẫn có thể hồi phục, thì chỉ cần thiếu oxy chưa đến 10 giây, người ta đã mất ý thức, não tổn thương khó hồi phục.”

Khoảng thời gian vàng từ 3-4 tiếng sau khi khởi phát đột quỵ, nếu được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể giữ được mạng sống của mình và có thể giảm nhẹ di chứng sau đó.

Để phòng tránh những nguy cơ như đột quỵ, thiếu ngủ, sốc nhiệt…. trong những ngày nắng nóng, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên, khi thời tiết oi bức, không nên để máy lạnh thổi trực tiếp vào người; Giữ nhiệt độ an toàn ở khoảng 26-27oC tránh tình trạng sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ phòng và nhiệt độ bên ngoài; Tắt máy lạnh trước 30 phút trước khi rời phòng và thường xuyên vệ sinh máy lạnh để có nguồn không khí sạch sẽ hơn.

Ngọc Nga (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang