Cảnh sát gặp khó vụ "sự cố" Gucci - Milano

author 17:50 22/12/2012

VietQ.vn) – Cơ quan chức năng đang gặp khó trong vấn đề phân biệt hàng thật – giả trong “sự cố” Gucci và Milano trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, 1 đội trưởng Quản lí thị trường ở Hà Nội cho biết, nếu nhà sản xuất các thương hiệu lớn như Gucci không hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phân biệt, xác nhận sản phẩm thật, giả thì cơ quan chức năng sẽ rất khó khăn trong việc xác định các lô hàng, sản phẩm mà họ thu giữ là hàng thật hay hàng giả. 

Theo lời của cán bộ quản lí thị trường, ở Hà Nội chỉ có 1 số khu vực trung tâm mới bày bán các sản phẩm có thương hiệu lớn ở nước ngoài (Hoàn Kiếm), ở các quận, huyện ngoại thành hầu như không có. 
 
Một cán bộ Công an kinh tế có nhiều năm kinh nghiệm trong các vụ án điều tra chống hàng lậu, hàng giả cho biết, về nguyên tắc các lô hàng nghi là hàng giả, hàng lậu hay hàng trốn thuế, không có xuất xứ rõ ràng khi bị bắt sẽ được kiểm đếm và niêm phong theo đúng trình tự trước khi cảnh sát tiến hành điều tra xác minh từ phía chủ lô hàng. Xác nhận từ chủ lô hàng chỉ là 1 yếu tố để cảnh sát có thêm cơ sở để xác định khởi tố điều tra vụ án. 
Cảnh sát kiểm tra sản phẩm ở cửa hàng Gucci
Cảnh sát kiểm tra sản phẩm ở cửa hàng Gucci
 
Đối với nghi án mang nhãn hiệu, thương hiệu lớn bị làm giả, cảnh sát sẽ phải phối hợp với đại lí chính hãng để xác nhận sản phẩm đó là thật hay giả. Nếu đại lí họ từ chối hợp tác, cảnh sát sẽ phải liên hệ với nhà sản xuất để làm rõ xuất xứ của lô hàng là thật hay giả. 
 
“Hàng giả là loại hàng hóa được làm giống như một hàng hóa nguyên bản, khác với hàng thật nguyên bản. Hiện nay, chưa có một định nghĩa cụ thể về khái niệm “hàng giả” trong các quy định của pháp luật”, vị cảnh sát này cho biết.
 
Theo quy định tại Khoản 8, Điều 3 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP thì hàng giả bao gồm các loại sau: 
 
Thứ nhất, giả chất lượng và công dụng: hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hoá; 
 
Thứ hai giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá: hàng hoá giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hoá; hàng hoá giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn hoặc bao bì hàng hoá; 
 
Thứ ba, giả mạo về sở hữu trí tuệ: bao gồm hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hoá là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan; 
 
Thứ tư, các loại đề can, nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hoá có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hoá (sau đây gọi tắt là tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả); 
 
Thứ năm, các loại hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành, việc xác định hàng giả được tuân thủ các quy định riêng (nếu có). 
 
Ông Lê Cao, chuyên gia pháp lý Công ty luật hợp danh FDVN cho rằng, về chế tài hành chính, theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 112/2010/NĐ-CP) thì mức phạt thấp nhất đối với hành vi kinh doanh hàng giả là 300.000 đồng (hàng giả có giá trị đến 1.000.000 đồng), mức cao nhất là 30.000.000 đồng (hàng giả có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên nhưng thuộc trường hợp chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
 
Về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999 có các tội danh liên quan tương ứng với các chế tài khác nhau gồm: tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156 BLHS 1999) bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Tùy theo các tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù mức cao nhất đến mười lăm năm tù; 
 
Một cán bộ Hải Quan cũng cho biết, rất khó để phân biệt hàng hiệu thật giả vì đối với những thương hiệu lớn như Gucci, D&G… thì các sản phẩm nhái, giả sẽ được làm hết sức tinh xảo từng chi tiết. Nếu có nhìn mắt bằng thường thì không thể phân biệt. Nếu đem đi giám định thật hay giả thì vẫn chưa có quy định nào cụ thể và sẽ mất rất nhiều thời gian.
 
Chủ sở hữu đại lí của một thương hiệu thời trang lớn ở địa bàn Hà Nội cũng tiết lộ, hiện nay khách hàng mua các sản phẩm đắt tiền mang nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới (từ Italya, Pháp, Anh, Mỹ...) chủ yếu dựa vào mối quan hệ quen biết từ trước với các đại lí hoặc nhà phân phối sản phẩm.
 
Một số sản phẩm có thương hiệu trưng bày ở các khách sạn 3, 4 sao có giá hàng trăm triệu đồng song nếu so sánh với sản phẩm nhái bày bán ở ngoài chợ cũng sẽ rất khó phân biệt.
 
"Khách mua nếu không quen biết đại lí họ sẽ nhờ người thân ở nước ngoài lấy hàng xách tay từ bên đó về", chủ đại lí này cho biết.
 
Ngày 27/11, Phòng Cảnh sát Kinh tế TP HCM bắt giữ 4 chiếc ôtô tải chở hàng tấn áo quần, túi xách, dây nịt các loại ở dưới tầng hầm khách sạn Sheraton, 88 Đồng Khởi. Giấy tờ nhập khẩu lô hàng này do công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nam Đế đứng tên. Công ty xuất hàng nằm tại Quảng Đông, Trung Quốc. Đường đi của lô hàng bắt đầu từ Hong Kong.
 
Trong tờ khai nhập khẩu của Công ty Nam Đế, nhiều mặt hàng sơ mi nam, áo thun nữ, quần dài nam có giá nhập khẩu rẻ mạt dù mang mác xịn. Ví dụ váy ngắn chỉ 5,5 USD mỗi cái, giầy nam 3,8 USD mỗi đôi, áo khoác nữ 3,7 USD một cái. Toàn bộ lô hàng vào Việt Nam chỉ phải đóng 27 triệu đồng tiền thuế.
 
Cơ quan điều tra vẫn chưa xác định số hàng quần áo, dây nịt, giày dép mang mác Dolce&Gabbana, Gucci... trên là hàng thật hay giả vì còn chờ kết luận từ cơ quan kiểm định.
 

Phan Mạnh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang