Cảnh sát Hải Dương sai khi làm hỏng 2 tấn bạch tuộc

author 12:29 05/06/2013

Ông Đỗ Huy Long Phó phòng Thanh tra, pháp chế - Cục Thú y (Bộ NN - PTNT) trả lời báo chí chiều 4/6, xoay quanh vụ việc Công an tỉnh Hải Dương bắt giữ 2 tấn bạch tuộc tươi sống đêm 27/5 lưu thông từ TP. HCM dẫn đến toàn bộ lô hàng bị phân hủy và bốc mùi.

Ông Long cho biết, theo quy định của pháp luật về thú y tại Khoản 3 Điều 29, Nghị định số 33/2005/NĐ-CP, động vật, sản phẩm động vật dưới nước, lưỡng cư có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch khi lưu thông trong nước phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát trong các trường hợp, cụ thể: Động vật thương phẩm, sản phẩm động vật trước khi đưa ra khỏi huyện trong trường hợp đang xảy ra dịch bệnh tại huyện đó; động vật để làm giống trước khi đưa ra khỏi cơ sở sản xuất giống.

Ông Long dẫn chứng tiếp: Quy định tại điều 3,Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT, ngày 20-2-2010 của Bộ NN-PTNT, quy định: Thủy sản, sản phẩm thủy sản khi vận chuyển, lưu thông trong nước phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát trong trường hợp: Thủy sản giống; thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản đưa ra khỏi vùng có công bố dịch đối với loài đó của cơ quan có thầm quyền.

Nói về việc giấy kiểm dịch thủy sản khi lưu thông đi phân phối ông Long nói: “Chúng ta cứ chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành để thực hiện. Phải qua kiểm dịch nếu là giống thủy sản và thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản được đưa ra từ vùng dịch. Còn những trường hợp khác thì đương nhiên loại trừ”.

 

Trả lời thắc mắc của PV về câu hỏi, bạch tuộc lưu thông từ TP. HCM qua HN và bắt giữ tại Hải Dương không có giấy kiểm dịch, hiện có dịch bệnh trên bạch tuộc tại TP. HCM không, ông Long cho biết: “Cục Thú y đã liên hệ với Chi cục Thú y TPHCM, thời điểm hiện tại, TPHCM mà cụ thể là tại huyện Cần Giờ không có dịch bệnh trên bạch tuộc”.

Nói về vấn đề đúng sai trong quy trình kiểm dịch của Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Hải Dương trong vụ việc tạm giữ hơn 2 tấn bạch tuộc vì không có giấy kiểm dịch, ông Long cho biết: “Đối với Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, họ có quyền nghi ngờ đây là hàng nhập lậu và giữ xe lại để xem xét tùy theo quy định. Nếu là thủy sản giống; thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản đưa ra từ vùng dịch thì họ yêu cầu phải có giấy kiểm dịch. Còn nếu không thuộc hai đối tượng này thì lực lượng công an có thể giải phóng cho hàng đi”.

Trả lời cho thắc mắc, ai đúng ai sai trong vụ tạm giữ 2 tấn bạch tuộc, ông Long nói: “Cần phải dựa vào hồ sơ vụ việc mới có thể nói ai đúng ai sai, tuy nhiên, hiện chưa thể khẳng định lô hàng này từ TPHCM hay là hàng nhập lậu và cũng chưa thể khẳng định đây là thủy sản thương phẩm hay thủy sản giống”.

Nhưng ông Long cũng khẳng định: “Trong trường hợp bình thường, không thuộc hai đối tượng phải kiểm dịch đã nêu ở trên thì có thể vận chuyển bình thường mà không cần giấy tờ gì cả. Nếu là sản phẩm thủy sản thương phẩm lưu thông trong nước và không ở vùng có dịch bệnh, thì cơ quan chức năng không thể bắt giữ lô hàng này được”. 

“Còn ở các trường hợp khác, việc vận chuyển thủy sản phải theo quy định tại điều 3, Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT, ngày 20-2-2010 của Bộ NN-PTNT” - ông Long cho hay.

Về quy trình kiểm dịch động vật, ông Long cho biết, đối với động vật trên cạn thì tại mỗi tỉnh sẽ có hai trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, và bất kể chủ của sản phẩm này vận chuyển qua đều phải xuất trình giấy tờ để cán bộ thú y làm công tác kiểm tra hồ sơ kiểm dịch. Tuy nhiên đối với sản phẩm thủy sản, thì khi vận chuyển, chủ hàng không phải thực hiện việc xuất trình đối giấy tờ với các trạm kiểm dịch dọc đường.

Theo Infonet
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang