Cao Bằng công bố chỉ dẫn địa lý bảo vệ thương hiệu

author 14:43 08/12/2013

Mới đây, Sở Khoa học và Cộng nghệ tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với UBND huyện Trùng Khánh tổ chức Lễ công bố chỉ dẫn địa lý “Trùng Khánh” cho sản phẩm hạt dẻ Trùng Khánh (huyện Trùng Khánh - tỉnh Cao Bằng).

Sự kiện: Chỉ dẫn địa lý: Bảo vệ thương hiệu Việt

Theo đó, chỉ hạt dẻ trồng tại các xã thuộc huyện Trùng Khánh mới được mang tên này khi xuất ra thị trường. Ủy ban nhân dân huyện Trùng Khánh là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Là sản vật quý của Cao Bằng, mang hương vị thơm ngon, ngọt bùi, vị ngậy, làm nức lòng biết bao du khách gần xa, song những năm qua, hạt dẻ Trùng Khánh (huyện Trùng Khánh - tỉnh Cao Bằng) đã có những lúc rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Do liên tiếp phải đối mặt với nhiều khó khăn như bị thương lái ép giá, bị các sản phẩm ở địa phương khác làm nhái, chưa có một phương pháp khoa học hợp lý để giữ gìn, bảo quản sản phẩm… Vì thế, việc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý hứa hẹn sẽ mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho cho sản phẩm này.

Ép giá, hàng nhái, khó bảo quản

Dẻ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, sau nhiều năm khẳng định được tên tuổi của mình, hạt dẻ Trùng Khánh vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của giới khoa học trong việc nghiên cứu chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Vì thế, nó  chủ yếu chỉ được sử dụng để làm quà biếu và chế biến thức ăn. Do đặc tính của hạt dẻ là chỉ cần thu hoạch chậm vài ngày nó sẽ tự thối rữa hoặc nảy mầm, nếu dùng hóa chất để bảo quản thì mùi vị của chúng cũng không còn. Vì thế, lợi dụng điểm yếu này, các thương lái tha hồ ép giá đối với hạt dẻ Trùng Khánh, những người nông dân trực tiếp sản xuất ra hạt dẻ là những người chịu lỗ nặng nề nhất. Cũng chính vì thế, hạt dẻ khi được mùa thì lại mất giá. Thu nhập người dân trở nên bấp bênh, nhiều người bỏ nghề. Hiện nay, huyện Trùng Khánh vẫn có nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc nhưng vài ba năm trở lại đây, người dân không mặn mà gì với việc phát triển trồng dẻ.  

Hiện tượng hạt dẻ nhái cũng là vấn đề gây nhiều bức xúc cho người dân trong vùng. Được biết, thời gian gần đây có  một loại hạt dẻ có hình thức na ná như hạt dẻ Trùng Khánh bán tràn lan trên thị trường, và được gán cái tên: “Hạt dẻ Trùng Khánh”. Loại hàng nhái này khá nhiều, đi đâu cũng thấy và được bán quanh năm. Ngay tại huyện Trùng Khánh cũng xuất hiện loại hạt dẻ này, người bản địa có thể phân biệt được, chứ khách thập phương thì không thể nào phân biệt được thật giả. Điều đáng nói là hạt dẻ này chất lượng sản phẩm không thể bằng hạt dẻ Trùng Khánh. Do đó, việc nó mang tên hạt dẻ Trùng Khánh sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều tới thương hiệu của hạt dẻ Trùng Khánh.

Theo một số người dân trong vùng, loại hạt dẻ nhái này xuất phát hầu hết từ Trung Quốc, do người Trung Quốc đem giống từ huyện Trùng Khánh về trồng. Khâu trồng trọt và bảo quản của họ rất bài bản, nên thu được sản lượng lớn và có quanh năm. Vì thế, dù không cho ra loại hạt có mùi thơm, ngon đặc trưng như hạt dẻ Trùng Khánh, nhưng với số lượng áp đảo, cùng với việc lợi dụng tên tuổi của hạt dẻ Trùng Khánh, sản phẩm của họ có mặt nhan nhản trên khắp thị trường Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến giá trị kinh tế và uy tín hạt dẻ Trùng Khánh.

Phát triển thứ đặc sản riêng có

Hạt dẻ Trùng Khánh khác biệt với các loại hạt dẻ khác như: Hạt dẻ Trung Quốc, hạt dẻ Lạng Sơn, hạt dẻ Quảng Uyên…, bởi các tính chất và chất lượng đặc thù của nó. Về hình thái : hạt dẻ Trùng Khánh to đều (gấp 5-6 lần hạt dẻ rừng), có hình dáng hơi tròn (kích thước ba chiều gần bằng nhau); vỏ hạt màu nâu sẫm, rất bóng, trên vỏ có lớp lông tơ màu trắng nhạt, vỏ lụa mỏng, dễ bóc, nhân hạt có màu vàng tơ, vị bùi, thơm ngậy.

Về chất lượng, hạt dẻ Trùng Khánh cũng có sự khác biệt rõ ràng so với các loại dẻ trồng ở các vùng khác. Chất lượng đặc biệt của hạt dẻ Trùng Khánh có được là nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng. Khu vực này được phân bố ở các sườn đồi có độ cao khoảng 450-600 m, xung quanh được bao bọc bởi núi đá vôi tạo nên khí hậu mát mẻ quanh năm thích hợp cho sự phát triển và sinh trưởng của cây dẻ. Bên cạnh đó, nhờ nhiều sông và suối lớn chảy qua nên cung cấp phù sa và nước tưới cho cây. Ngoài yếu tố tự nhiên, phương pháp sản xuất và canh tác của người dân địa phương, như phương pháp trồng và chăm sóc cây dẻ, kỹ thuật thu hái và bảo quản hạt dẻ cũng góp phần tạo nên chất lượng đặc thù của hạt dẻ Trùng Khánh. Nhờ những điều kiện ưu đãi này nên hạt dẻ Trùng Khánh luôn mang một phong vị đặc sắc riêng, mà những người dân phía Trung Quốc dù có cố công chăm sóc, vun trồng thì chất lượng cũng không thể bằng hạt dẻ ở Trùng Khánh.

Với việc công nhận chỉ dẫn địa lý cho hạt dẻ Trùng Khánh, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn cho địa phương này trong việc phát triển sản phẩm, tránh được tình trạng bị ép giá, giả mạo. Về lâu dài, khi hạt dẻ Trùng Khánh thực sự là nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân địa phương, thì sự vào cuộc của giới khoa học, các cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu giữ gìn bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cũng là điều dễ dàng tiến hành.

Ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ cũng nhấn mạnh, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho hạt dẻ Trùng Khánh sẽ đem lại những cơ hội về kinh doanh, thương mại, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình văn minh hóa nông thôn và duy trì văn hóa truyền thống của các vùng, khu vực, quốc gia. Đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, vùng núi, cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của người dân tại địa phương này.

Theo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang