Cạo gió sai cách có thể khiến người bệnh tử vong

authorThu Thảo 13:00 18/04/2017

(VietQ.vn) - Cạo gió giúp làm gió độc thoát ra khỏi cơ thể tuy nhiên cạo gió sai cách có thể khiến người bệnh gặp nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Theo quan niệm dân gian, những người có triệu chứng như mệt mỏi, sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, nhức mỏi chân tay, đau bụng… được coi là bị trúng gió (gió độc). Do đó, mục đích cạo gió là nhằm làm cho gió độc thoát ra khỏi cơ thể.

Tuy nhiên, cạo gió không phải là cách giải cáp mà bệnh nhân nào cũng có thể xảy ra. Với những suy nghĩ sai lầm của nhiều người về cạo gió, cạo gió có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Ở Trung Quốc, một cô giáo 35 tuổi đã cạo gió cho chồng khi anh than mệt mỏi trong người. Tuy nhiên, sau khi cạo được 2-3 đường thì người chồng đột ngột ngất đi và hôn mê sâu. Dù được đưa đến bệnh viện gần đó cấp cứu, nhưng người chồng đã qua đời do tăng huyết áp.

Mọi người thường có những suy nghĩ sai lầm về cạo gió

 Mọi người thường có những suy nghĩ sai lầm về cạo gió

Bác sĩ cho biết nguyên nhân là do người chồng có dấu hiệu cảm phong nhiệt. Khi đó cơ thể người chồng đang nóng, nếu cạo gió thì làm cơ thể nóng hơn khiến huyết áp tăng cao dễ dẫn đến xuất huyết não, dẫn đến tử vong.

Theo thông tin từ trang Zing News, bác sĩ Cao Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Thừa kế Ứng dụng Hội Đông y Hà Nội, Trưởng phòng khám Đông y, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, cạo gió vốn là một biện pháp được sử dụng rộng rãi trong dân gian. Trong Đông y, cạo gió cũng được xem là một thủ thuật chữa bệnh nhưng phải do bác sĩ trực tiếp làm với từng bệnh nhân nhất định.

Cạo gió thường cạo các bộ phận chính trên cơ thể như hai bên xương sống từ vai xuống thắt lưng, dọc theo xương sống nửa thân trên, dọc cánh tay mặt theo mặt trước và mặt trong theo lòng bàn tay.

Theo bác sĩ Hương, khi gặp gió, gặp lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể có phản ứng co thắt để bảo vệ cơ thể, gây ứ đọng huyết độc, khí độc gây đau người, nhức mỏi, nhức đầu, mỏi mệt,… Lúc này, cạo gió tác động lên vùng cơ bị nhức mỏi kết hợp tính nóng của dầu xoa làm giãn cơ, giúp lưu thông khí huyết.

Do đó, cạo gió chỉ có hiệu quả trong trường hợp bị cảm lạnh. Thậm chí không cần cạo gió, việc bôi dầu nóng hoặc rượu gừng cũng rất có hiệu quả trong trường hợp này.

“Khi cạo gió, người ta hay dùng dây bạc nhét vào trong quả trứng luộc bởi khi đánh cảm, các lỗ chân lông giãn ra. Khi đó cơ thể dễ bị khí độc xâm nhập hơn. Lòng trắng trứng lúc này có tác dụng bịt các lỗ chân lông, ngăn không cho khí tiếp tục vào cơ thể”, bác sĩ Hương phân tích.

Những trường hợp bệnh nhân không nên cạo gió:

Không cạo gió cho người bị sốt không rõ nguyên nhân

Bởi vì việc này có thể làm tình trạng xuất huyết trở nên trầm trọng hơn, đồng thời khiến bác sĩ không thể xác định được vùng nào xuất huyết do bệnh, vùng nào xuất huyết do cạo gió để điều trị.

Không cạo gió cho trẻ em

Da của trẻ rất non và mỏng nên rất dễ bị tổn thương, khí huyết của bé cũng rất yếu nên sẽ không chịu được nhiệt độ cao khi cạo gió. Ngoài ra, cạo gió còn gây đau đớn và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu bé bị rối loạn đông máu hoặc bị sốt xuất huyết.

Người bị bệnh tim, cao huyết áp không nên cạo gió

Người đang mắc bệnh tim mạch hay có tiền sử bệnh tim mạch tuyệt đối không được cạo gió. Nguyên nhân là vì những động tác mạnh khi cạo gió có thể gây kích ứng và làm bùng phát trở lại các cơn đau tim nguy hiểm.

Cạo gió cũng không được áp dụng cho người bị tăng huyết áp vì nó có thể gây giãn mạch và làm nặng thêm tình trạng thiếu máu não. Hậu quả là người bệnh bị méo miệng, mắt không khép, thậm chí tử vong.

Không cạo gió cho phụ nữ có thai

Không nên cạo gió cho phụ nữ có thai vì có thể gây nguy hiểm cho thai nhi

 Không nên cạo gió cho phụ nữ có thai vì có thể gây nguy hiểm cho thai nhi

Theo các nhà chuyên môn, tuyệt đối không cạo gió cho phụ nữ mang thai, vì những động tác này gây kích ứng quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Người có vết thương ngoài da hoặc mắc bệnh da liễu không nên cạo gió

Đối với những người có cơ địa da mẫn cảm thì không nên đánh gió, vì khi chà xát sẽ gây dị ứng. Những người có vết thương ngoài da hoặc bị bệnh da liễu cũng không nên đánh gió vì dễ bị nhiễm trùng hoặc lây lan từ chỗ này sang chỗ khác.

Cạo gió làm nặng thêm tình trạng của người bị đau vai gáy

Theo các chuyên gia, chứng đau vai gáy có nguyên nhân chủ yếu là do gối quá cao, nằm ngủ không đúng tư thế nên các mạch máu và cơ bị chèn ép. Nếu bị nhồi máu cơ tim cấp, huyết áp cao, tai biến mạch máu não... có thể sẽ dẫn đến liệt nửa người, đột quỵ, thậm chí tử vong. Cạo gió gây xuất huyết dưới da nên có thể gây tụ máu chèn ép thêm hay tạo ra phản xạ co thắt cơ, làm cơn đau nhức nặng hơn.

Không cạo gió cho người mắc bệnh Hemophilia (bệnh máu không đông)

Do cạo gió làm vỡ các mao mạch dưới da nên rất nguy hiểm đối với những người bị mắc bệnh Hemophilia (bệnh máu không đông).

Giới trẻ nguy cơ đau vai gáy và thoát vị đĩa đệm vì dùng điện thoại(VietQ.vn) - Các chuyên gia cho biết số bệnh nhân bị đau lưng và thoát vị đĩa đệm đang ngày một tăng cao, trong đó điện thoại di động là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Thu Thảo (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang