Cao su Phước Hòa: Dự thu 2.460 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.148 tỷ đồng năm 2020

author 16:59 16/03/2020

(VietQ.vn) - Cao su Phước Hòa phấn đấu tổng doanh thu công ty mẹ đạt 2.460 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.148 tỷ đồng.

Sáng ngày 11/3, Công ty cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) đã tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên. Tại đây, HĐQT cho biết, năm vừa qua, công ty đạt 1.615 tỷ đồng tổng doanh thu, 533,7 tỷ lợi nhuận trước thuế; lần lượt thực hiện 73,7% và 43% kế hoạch năm.

Nguyên nhân được ban lãnh đạo lý giải là không thực hiện thoái vốn tại Công ty Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) theo chủ trương của Tập đoàn Cao Su (UPCoM: GVR) làm doanh thu và lợi nhuận giảm tương ứng 350 tỷ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Dương chưa ký quyết định thu hồi đất và giao đất để triển khai dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II và dự án VSIP III làm doanh thu và lợi nhuận giảm 650 tỷ đồng.

Không hoàn thành kế hoạch kinh doanh nên HĐQT cũng thống nhất tỷ lệ cổ tức 2019 chỉ 30% tiền mặt, ứng tổng thanh toán 406,5 tỷ đồng (đã tạm ứng cuối năm 2019). Trong khi mức cổ tức kế hoạch đề ra là tối thiểu 40%.

 Cao su Phước Hòa dự kiến công ty mẹ đạt doanh thu 2.460 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.148 tỷ đồng trong năm 2020.

Báo cáo tại đại hội, HĐQT đánh giá nền kinh tế thế giới 2020 tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Hoạt động thương mại quốc tế chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh viêm phổi Covid-19.

Thị trường cao su gặp nhiều khó khăn do trong ngắn hạn, dịch Covid-19 có tốc độ lây lan nhanh ảnh hưởng đến Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên và dầu mỏ số 1 thế giới, làm sụt giảm gần ¼ nhu cầu dầu mỏ toàn cầu; các nhà đầu cơ và đầu tư trên thị trường hàng hóa dỡ bỏ vị thế đang nắm giữ để trú ẩn qua mùa dịch; hàng tồn kho tăng dần tại các kho chỉ định của Thượng Hải; tổng diện tích cao su trưởng thành của các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự kiến mở rộng thêm 317.000 ha trong năm 2020.

Theo đó, ANRPC dự báo sản lượng cao su thiên nhiên thế giới đạt 14,28 triệu tấn, tăng 3,8% so với năm trước; nhu cầu ở mức 14 triệu tấn, tăng 2,7%.

Công ty đề ra mục tiêu sản lượng cao su sản xuất 11.500 tấn, cao su thu mua 16.000 tấn, tiêu thụ 39.528 tấn. Giá bán cao su giảm từ tức 33,41 triệu đồng/tấn năm 2019 xuống 32,34 triệu đồng/tấn.

Với những khó khăn và thách thức của ngành cao su cùng giá bán vẫn ở mức thấp thời gian tới, ban lãnh đạo xác định cần tính toán chi phí để đạt được lợi nhuận trên 2 triệu đồng/tấn. Bên cạnh đó, vườn cây khai thác của doanh nghiệp chỉ còn 6.529,8 ha, sản lượng tiếp tục giảm do phải thanh lý 399,17 ha, diện tích mới đưa vào khai thác năng xuất chưa cao.

HĐQT trình cổ đông phương án kinh doanh gồm tổng doanh thu công ty mẹ đạt 2.460 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.148 tỷ đồng; lần lượt tăng 46% và 115% so với thực hiện 2019. Tỷ lệ cổ tức không thấp hơn 40%.

Lý giải về nguồn gốc của kế hoạch lợi nhuận đến từ đâu, HĐQT cho biết, vừa qua, tỉnh Bình Dương đã ký quyết định thu hồi đất Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II. Vì vậy, công ty sẽ ghi nhận 860 tỷ đồng trong năm 2020, trong khi hoạt động thanh lý vườn cây cao su ghi nhận hơn 100 tỷ đồng. Phần còn lại đến từ mảng kinh doanh cao su và công ty liên doanh, liên kết.

Về mặt doanh thu, mảng cao su vẫn đem về doanh thu chủ yếu nhưng lợi nhuận thì không bao nhiêu. Năm 2019, mảng này chỉ đóng hơn 1,7% lợi nhuận, phần còn lại đến từ hoạt động giao đất và thanh lý cây cao su. Nhiều khả năng trong 2020, lợi nhuận cao su chỉ đạt đóng góp 0,7% đến 0,8%.

Dù vậy, công ty vẫn tự tin vào mảng cao su, thương hiệu cao su Phước Hòa đã được khẳng định trên thị trường. Công ty chuyển sang ký hợp đồng dài hạn với các hợp đồng cao su, hiện đã đạt tỷ lệ 80%.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang