Cao Thị Ngọc Dung: Con đường đến danh hiệu 'nữ hoàng trang sức'

authorThúy Hạnh 06:32 13/10/2016

(VietQ.vn) - Điểm mặt những nữ doanh nhân tài ba Việt Nam nhân ngày 20/10: Cao Thị Ngọc Dung "1 trong 3" nữ CEO Việt lọt top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Đầu tháng 4 vừa qua Tạp chí Forbes đã công bố danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (Asia's Power Businesswomen). Trong đó, bà Cao Thị Ngọc Dung là một trong ba người đại diện cho phụ nữ Việt Nam góp mặt trong danh sách này.

Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh năm 1957, nguyên quán Quảng Ngãi, từng tốt nghiệp cử nhân Kinh tế thương nghiệp. Bà bắt đầu tham gia ban quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận từ năm 1988 trên cương vị Giám đốc.

Gắn bó cùng PNJ từ lúc mới tốt nghiệp đại học, bà Cao Thị Ngọc Dung đã không ngừng học hỏi và nhanh chóng bước lên vị trí cao nhất của doanh nghiệp. Từ năm 2004 đến nay bà Dung là Chủ tịch hội đồng quản trị và là cổ đông lớn nhất của PNJ.

 Nữ đại gia Cao Tuý Ngọc Dung hiện đang nắm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Ảnh: Vnexpress

Theo NewsZing cho biết, dưới sự điều hành của bà, dù ngành trang sức Việt Nam hết sức khó khăn nhưng PNJ vẫn không bị ảnh hưởng.

Cụ thể, những năm 2008-2011, trong khi ngành trang sức thế giới cũng như Việt Nam bị giảm sút về thị trường nhưng PNJ vẫn tăng trưởng 7-10%. Năm 2012, bà Dung quyết định thuê tư vấn nước ngoài tái cấu trúc công ty để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Những gì bà triển khai đã mang lại kết quả vượt bậc.

Năm 2014, sau hơn một năm tổ chức đào tạo, huấn luyện, xây dựng chiến lược mới, doanh thu vàng trang sức bán lẻ của PNJ đạt 2.280 tỷ đồng, tăng đến 42%, đóng góp 31% vào tổng doanh thu và 74% lợi nhuận gộp toàn công ty.

Lời khuyên làm giàu của triệu phú lập nghiệp từ hai bàn tay trắng(VietQ.vn) - Hầu hết người nghèo đổ lỗi cho hoàn cảnh khi mình chăm chỉ mà mãi vẫn nghèo. Nhưng Steve Siebold cho rằng ai cũng có thể làm giàu nhờ chính bản thân

Tri thức trẻ cũng cho biết thêm, hoạt động trong một lĩnh vực phức tạp, biến động nhanh và ảnh hưởng nhiều bởi chính sách, sự nghiệp của nữ doanh nhân này từng trải qua nhiều khó khăn nhưng có lẽ sự kiện năm 2015 là cú sốc lớn nhất. Tháng 8/2015, Ngân hàng Nhà nước thông báo đặt Ngân hàng Đông Á vào diện kiểm soát đặc biệt. PNJ là cổ đông lớn của ngân hàng này với số lượng sở hữu 38,5 triệu cổ phần, giá trị ghi sổ 395 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu DongABank được PNJ mang thế chấp cho 2 khoản vay từ Ngân hàng Á Châu (ACB).

Từ trước khi NHNN công bố thông tin chính thức, giá cổ phiếu PNJ đã lao dốc liên tục và mất 20% trong vòng nửa tháng.

Đứng trước biến cố này, bà Dung nhanh chóng tổ chức họp báo công khai thông tin về khoản đầu tư tại DongABank cùng các đơn vị liên quan và trích lập dự phòng đầy đủ. Theo đó, công ty trích lập dự phòng 311 tỷ cho khoản đầu tư tại NH Đông Á và 30 tỷ cho khoản đầu tư trị giá 92 tỷ vào CTCP Địa ốc Đông Á.

Điều này đương nhiên ảnh hưởng nặng đến kết quả kinh doanh năm 2015. Doanh thu thuần của công ty dù vẫn tăng gần 7% và đạt 7.698 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn 160,4 tỷ đồng - giảm 37,5% so với năm 2014.

Tuy nhiên đó là việc bắt buộc phải làm. Điều mà cổ đông đánh giá cao ở đây là sự nhanh chóng và kịp thời trong việc công bố thông tin và trấn an cổ đông.

Hiện tại, doanh thu từ vàng trang sức chiếm gần 80% doanh thu và lợi nhuận gộp chiếm 99%. Nếu như tổng doanh thu chỉ tăng 7% thì doanh thu trang sức tăng tới 14%.

Trong quý 1/2016, PNJ đạt 2.356 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu trang sức tăng 20% lên 1.820 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỷ đồng - tăng 9% và hoàn thành 33% kế hoạch cả năm.

Bà Cao Thị Ngọc Dung đã đưa PNJ vượt qua nhiều khó khăn và trở thành thương hiệu nữ trang hàng đầu Việt Nam với các nhãn hiệu trang sức uy tín, ngang tầm với nhãn hiệu nữ trang quốc tế như trang sức vàng PNJ, trang sức bạc PNJSilver, trang sức cao cấp CAO Fine Jewellery. Trang sức PNJ hiện nay được phân phối rộng khắp với hệ thống 190 cửa hàng tại 45 tỉnh thành và mạng lưới gần 3.000 khách hàng sỷ cả nước. Sản phẩm nữ trang PNJ cũng đã được xuất khẩu sang các nuớc thuộc Châu Âu, Á, Mỹ, Úc… Công chúng thường dành cho bà Dung những danh xưng “Người đàn bà Vàng”, “Bà chúa vàng nữ trang”, “Nữ tướng vàng” của Việt Nam.

Ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Cao Thị Ngọc Dung còn là một trong những “trụ cột” của các hoạt động kết nối doanh nghiệp tại TP.HCM và cả nước để tạo một cộng đồng doanh nhân giúp nhau phát triển, bà tham gia sáng lập và lãnh đạo các tổ chức như Hội doanh nghiệp trẻ thành phố Hồ Chí Minh, nay là Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC (là thành viên  của Phòng Thương Mại Công nghiệp Việt Nam VCCI), thành viên BCH Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, Phó Chủ Tịch Thường Trực Hiệp Hội Nữ Doanh Nhân VN – VAWE, Chủ Tịch Hội Nữ Doanh Nhân TP. HCM – HAWEE,…

Bà không chỉ là một nhà quản trị doanh nghiệp xuất sắc tại Việt Nam mà còn là một nhà hoạt động xã hội rất tích cực. Dù công tác điều hành hoạt động kinh doanh rất bận rộn, nhưng bà Dung vẫn ưu tiên dành thời gian tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện. Huân Chương Lao Động Hạng Nhất mà cá nhân bà Dung được Chủ tịch nước trao tặng cùng với danh hiệu là nữ doanh nhân duy nhất có mặt trong Top 5 CEO xuất sắc nhất Việt Nam 2012 do Ernst and Young công bố, cũng như danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu… là những ghi nhận xứng đáng cho sự nỗ lực, thành công và đóng góp tích cực của bà Dung cho nền kinh tế nước nhà và cộng đồng trong suốt nhiều năm qua.

Thúy Hạnh (T/H)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang