Cấp biển số xe đạp điện: Nên hay không ?

author 15:46 31/10/2013

“Luật Giao thông đường bộ quy định xe máy điện thuộc nhóm xe cơ giới, xe đạp điện thuộc nhóm xe thô sơ. Vì vậy, việc gộp chung hai loại xe này để quản lý là không phù hợp...,” ông Giao phân tích.

Liên quan đến việc các chuyên gia hiến kế gắn biển số cho xe đạp điện để quản lý, xử phạt vi phạm của phương tiện này, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, xe đạp điện không nên quy định về đăng ký biển số vì hầu hết các phương tiện này đều không có số khung nên việc gắn biển số sẽ gặp khó khăn.

Xe đạp điện

Xe đạp điện đang là "mốt" của giới trẻ 

Để quản lý loại xe này, từ ngày 1/11, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công thương mở chiến dịch tuyên truyền và xử lý vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng xe đạp điện, xe máy điện trên địa bàn toàn quốc.

Xe máy điện khác xe đạp điện

Theo đại diện các cơ quan chức năng, xe đạp điện, xe máy điện vẫn chưa có hệ thống quy chuẩn kỹ thuật ban hành để kiểm soát, quản lý chất lượng nên đã dẫn đến “loạn” phương tiện này.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, hiện nay, tại các thành phố lớn, lực lượng chức năng rất khó phân biệt đâu là xe máy điện, đâu là xe đạp điện. Thậm chí, nhiều người đi xe cũng không cần biết có phải đội mũ bảo hiểm, có phải đăng ký khi lưu thông trên đường... 

“Do vậy, cần phải phân biệt rõ khái niệm về xe đạp điện và xe máy điện để từ đó có những biện pháp, khuyến cáo đối với người sử dụng và công tác quản lý được rõ ràng,” ông Hiệp nói.

Liên quan đến thực tế này, ông Giao cho biết, Cục Đăng kiểm sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về loại hình phương tiện xe đạp điện.

Theo đó, để phân biệt giữa xe đạp điện và xe máy điện cần phải dựa vào các tiêu chí: Động cơ, tốc độ xe chạy cũng như phải xem xe đó có hay không có bàn đạp.

Ngoài ra, vị Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho rằng, xe đạp điện là xe được lắp bàn đạp; được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được trợ lực bằng động cơ điện (Công suất động cơ không lớn hơn 250W); khối lượng xe không quá 40kg. Đặc biệt, khi lắp ráp, xe đạp điện chỉ được chạy với tốc độ tối đa dưới 25km/giờ.

“Các loại xe điện 2 bánh không đáp ứng được một trong các tiêu chí nêu trên sẽ được xếp vào loại xe máy điện. Riêng, với xe máy điện thì nên cấp biển số và cần được quản lý như xe máy,” ông Giao khẳng định.

Xung quanh ý kiến cho rằng, xe đạp điện và xe máy điện về cơ bản nguyên lý hoạt động giống nhau, do đó 2 loại phương tiện này nên gộp lại để dễ quản lý. Tuy nhiên, ông Giao bày tỏ quan điểm, hai loại hình phương tiện trên cần phải tách bạch ra thì mới dễ quản lý.

“Luật Giao thông đường bộ quy định xe máy điện thuộc nhóm xe cơ giới, xe đạp điện thuộc nhóm xe thô sơ. Vì vậy, việc gộp chung hai loại xe này để quản lý là không phù hợp...,” ông Giao phân tích.

Xử lý nhà sản xuất, nhập khẩu

Theo cách nhìn nhận của ông Giao, hiện nay, việc nhập khẩu xe đạp điện và xe máy điện vẫn đang được “thả nổi” bởi, loại phương tiện này không phải đăng ký, đăng kiểm như xe máy, việc kê khai nhập khẩu chủ yếu dựa vào kê khai, khai báo.

Để quản lý loại xe này, từ ngày 1/11 tới, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công thương tổ chức chiến dịch tuyên truyền và xử lý vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng xe đạp điện, xe máy điện trên địa bàn toàn quốc.

Theo đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ mở chiến dịch hướng dẫn người tham gia giao thông sử dụng xe đạp điện, xe máy điện hiệu quả, an toàn; kiểm soát chất lượng và xử lý vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng xe đạp điện, xe máy điện, phòng tránh nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông có nguyên nhân từ loại phương tiện này.

Về kế hoạch cụ thể, ông Hiệp cho biết, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra, xử lý các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là kiểm tra chất lượng những loại xe này. 

Bộ Công an sẽ tăng cường Cảnh sát giao thông xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đối với người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện về các vi phạm tốc độ, tín hiệu đèn, không đội mũ bảo hiểm…

Nhằm giải quyết thực trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Vụ An toàn giao thông chủ trì, khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Thông tư quy định tốc độ tối đa của xe đạp điện dưới 25km/giờ.

Đặc biệt, Vụ Khoa học Công nghệ cần khẩn trương phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam hoàn thiện Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện, trình lãnh đạo Bộ ngay trong tháng 10/2013; hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện, trình Lãnh đạo Bộ ngay sau khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện được ban hành.

Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang