Cấp CMND mới: Công chứng nói khó, Công an bảo không!

author 08:03 03/12/2012

(VietQ.vn) - Cho rằng “Không ai kêu ca, phàn nàn”, Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai cấp CMND mẫu mới có ghi họ tên cha mẹ ở nhiều địa phương phía Bắc, dù trước đó dư luận đã bày tỏ sự không đồng tình

Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VI) - Bộ Công an vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đợt triển khai thí điểm cấp đổi CMND theo mẫu mới tại 3 quận, huyện ở Hà Nội là Tây Hồ, Từ Liêm và Hoàng Mai.

Không ai phàn nàn!?
 
Trao đổi với phóng viên Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VI, cho biết trong thời gian thí điểm, đã có 7.500 trường hợp tới làm thủ tục xin cấp, đổi CMND mẫu mới.
 
“Không ai phàn nàn gì về việc CMND mới có phần ghi họ tên cha mẹ. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi cũng nói rõ trong thời gian thực hiện thí điểm tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã có phản ứng khi cho rằng việc đưa họ tên cha mẹ công dân lên CMND là chưa phù hợp, không đúng quy định trong Bộ Luật Dân sự. Tuy nhiên, chính Bộ Tư pháp đã thẩm định nghị định cho phép thực hiện việc này và trình Chính phủ thông qua. Chúng tôi đã làm đúng theo quy định, không có gì là sai luật” - ông Vệ quả quyết.
Làm mẫu chứng minh nhân dân
Làm mẫu chứng minh nhân dân
 
 Theo Tổng cục VI, do có hệ thống bảo mật và lưu giữ vân tay kết nối nội mạng trên toàn quốc nên việc xác định danh tính của công dân rất dễ dàng, không thể xảy ra trường hợp một người được cấp 2-3 CMND. Việc ghi họ tên cha mẹ công dân lên CMND sẽ giúp lực lượng chức năng nhanh chóng tìm ra chính xác người cần tìm vì hiện nay, số trường hợp trùng tên tuổi, quê quán không ít.
 
“Những trường  hợp nhạy cảm như con ngoài giá thú, cha hoặc mẹ là tử tù, thụ tinh nhân tạo, bố mẹ đã mất từ lâu… thì sẽ được thực hiện theo chỉ dẫn của lực lượng làm công tác cấp CMND, có thể không nhất thiết phải kê khai và điền thông tin đó” - ông Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Công an, cho biết.
 
Đánh giá đợt thí điểm ở 3 quận, huyện của Hà Nội “thành công tốt đẹp”, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an cho biết từ nay đến hết năm 2013, sẽ tiếp tục cấp CMND mới trên toàn TP và mở rộng ra nhiều địa phương phía Bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình.
 
Theo đánh giá của cơ quan công an, thời gian qua hầu hết các cơ quan, tổ chức đã kịp thời điều chỉnh, song một số cơ quan thì chưa khiến công dân gặp khó khi giao dịch. Do vậy, Tổng cục đề nghị những đơn vị trên "tích cực phối hợp để sớm có những điều chỉnh trong công tác quản lý, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện các giao dịch được thuận lợi theo quy định của pháp luật".
 
"Hãng hàng không áp dụng ngay sau một vài ngày triển khai chứng minh nhân dân mới, tại sao các cơ quan khác không thực hiện được?", tướng Vệ băn khoăn.
 
Trước câu hỏi của  phóng viên, nếu thời gian tới người dân vẫn tiếp tục gặp khó, vị Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội gợi ý để thuận lợi cho công việc, trước mắt họ nên đến cơ quan công an (nơi cấp chứng minh nhân dân) để được xác nhận bản 9 số và bản 12 số là một.
 
Làm khó người dân
 
Ông Chu Văn Khanh, Trưởng Phòng Công chứng A1, Chủ tịch Hội Công chứng Hà Nội, cho biết đã có không ít người dân gặp rắc rối trong lúc làm các thủ tục mua bán tài sản khi CMND mới có 12 số thay vì 9 số như trước đây. Nhiều trường hợp công chứng vẫn làm xong nhưng khi gửi sang Phòng Tài nguyên - Môi trường thì bị trả lại, yêu cầu phải bổ sung giấy tờ chứng minh việc thay đổi CMND. “Khổ nhất là những trường hợp trước đây làm giấy tờ ủy quyền tài sản nhưng bây giờ muốn làm thủ tục sang tên thì cơ quan Nhà nước yêu cầu phải có xác nhận thay đổi CMND của cả người ủy quyền” - ông Khanh nêu thực trạng.
 
 Trước đó,   chị Phạm Thúy Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho PV Chất lượng Việt Nam biết, chị không chỉ rắc rối chuyện sổ đỏ mang đi thế chấp ngân hàng mà  còn gặp những phiền toái nhất định khi làm lại thẻ AMT từ phía ngân hàng.
 
"Trước đây thẻ của tôi mang theo chứng minh thư 9 số. Giờ mang chứng minh thư mới đến, cán bộ ngân hàng ở gần nhà lại hướng dẫn đến trụ sở từng cấp để sửa lại. Giờ nạp tiền vào thẻ ATM thì được. Song đến ngân hàng để rút thì không được chấp thuận", chị Hoa than thở.
 
Đại diện của 1 số nhà băng cũng cho biết, hiện họ đang gặp khó trong việc hỗ trợ người dân đến giao dịch bằng mẫu CMND mới 
 
Theo Thiếu tướng Trần Văn Vệ, trước ngày thí điểm ở Hà Nội (21-9), Tổng cục VI đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan thông báo về việc cấp, đổi CMND mới, trong đó có điều chỉnh số CMND từ 9 lên 12 số và đề nghị tạo điều kiện cho người dân thực hiện các giao dịch. Tuy nhiên, chỉ có nhân viên tại các sân bay và ngành hải quan không gây phiền hà. Bản thân Tổng cục An ninh - Bộ Công an cũng đã điều chỉnh số hộ chiếu ngay trên hệ thống máy tính cho người dân. Ông Vệ cho biết ngân hàng chính là nơi hay gây khó dễ cho người dân nhất khi đến làm thủ tục giao dịch với CMND mới mà hồ sơ, giấy tờ trước đây đều là số CMND cũ.
 
“Tôi vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hà Nội và các ngân hàng thương mại đề nghị không gây phiền hà nếu thấy rằng thông tin trên CMND mới của họ chỉ khác thông tin CMND về việc xuất hiện 12 số thay vì 9 số. Việc thay đổi CMND từ 9 lên 12 số là phù hợp với yêu cầu quản lý của Bộ Công an, nếu ngân hàng hay đơn vị nào không thực hiện, gây khó dễ cho người dân là làm sai quy định”- ông Vệ khẳng định.
 
Tổng cục VI cũng đã có văn bản gửi lực lượng công an, hướng dẫn một số trường hợp nếu thấy cần thiết có thể xác nhận ngay cho người dân về việc thay đổi CMND. Công nghệ làm CMND mới nhanh, đơn giản và thuận tiện hơn trước rất nhiều. Trường hợp bị mất CMND, người sử dụng có thể nhờ người nhà đến cơ quan công an làm hộ (vì vân tay của mỗi người đã được công an lưu giữ), thay vì phải đích thân đến lăn tay mới được cấp lại.
 
Xem lại vai trò “gác cổng” của Bộ Tư pháp
 
Một số chuyên gia cho rằng Bộ Tư pháp cần nghiêm túc xem lại trách nhiệm của mình trong vụ việc này. Với vai trò thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành nhưng Bộ Tư pháp đã không phát hiện quy định đưa họ tên cha mẹ lên CMND trong Nghị định 170/2007 là không phù hợp, trái với Bộ Luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia.
 
Phải đến khi Bộ Công an công bố kế hoạch thực hiện cấp CMND mới có phần ghi họ tên cha mẹ công dân gây bức xúc trong dư luận, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) mới vào cuộc tìm hiểu. Sau đó, cơ quan này đã thừa nhận việc để lọt lưới văn bản có dấu hiệu trái luật. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp chưa phát đi thông báo nào thể hiện việc “khắc phục” thông qua việc “tuýt còi” Nghị định 170 hoặc có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét điều chỉnh quy định này.
 
Kha Phùng
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang