Cặp đôi tàu tên lửa Molniya mới của Hải quân Việt Nam mạnh cỡ nào?

author 15:11 03/06/2015

(VietQ.vn) - Tàu tên lửa Molniya được đánh giá là một trong những tàu tên lửa tấn công hiện đại và hoạt động ổn định nhất hiện nay. Chiều 2/6, Hải quân Việt Nam đã tiếp nhận thêm hai chiếc tàu tên lửa từ Tổng công ty Ba Son.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Tàu tên lửa Molniya (Project 12421) do phòng thiết kế Hải quân Trung ương Almaz thiết kế, được sản xuất tại nhà máy Vympel. Thế hệ đầu tiên của tàu tên lửa lớp Molniya, NATO gọi là tàu hộ tống lớp Tarantul, được bắt đầu phát triển từ năm 1977 và hoàn thành năm 1979. Việc sản xuất hàng loạt được tiến hành tại nhà máy Yaroslav và nhà máy Vladivostok cho tới năm 1988.

Lớp tàu này còn có tên gọi Pauk I, ban đầu mang tên tàu tuần tiễu tiến công cao tốc, sử dụng cho mục đích tác chiến chống ngầm. Một phiên bản nâng cấp của lớp tàu này được đóng tại nhà máy Karbarovsk năm 1995. Năm 1989-1990, 2 tàu Molniya được suất khẩu cho Bungari có ký hiệu 1241.1M. Năm 1996, Ucraina mua 2 chiếc cũng thuộc lớp tàu này là Project 1241P và Project 1241PC. Tàu tên lửa thế hệ hai là Pauk II được đóng tại nhà máy Yaroslav và 02 chiếc được trang bị cho Hải quân Nga năm 1997 và 1998.

Tàu tên lửa Molniya là một trong những tàu tên lửa hoạt động ổn định nhất hiện nay

Tàu tên lửa Molniya là một trong những tàu tên lửa hoạt động ổn định nhất hiện nay

Dự án 12418 là biến thể dành riêng cho xuất khẩu, chủ yếu cho Việt Nam và Ấn Độ. Đối với biến thể xuất khẩu cho Ấn Độ, pháo hạm AK-176 được thay bằng pháo hạm 76mm OTO SRGM của Pháp, còn biến thể xuất khẩu cho Việt Nam sử dụng hoàn toàn vũ khí và các hệ thống điện tử của Nga.

Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya thuộc lớp 1241.8 là một trong những loại tàu có thiết kế phức tạp thể hiện thành tựu mới nhất của tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy tàu chỉ có kích cỡ nhỏ (dài 56,1m, rộng 10,20m, mớn nước (toàn tải) 2,14m, vận tốc 35 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn vận hành tàu khoảng 40 người) nhưng tàu tên lửa Molniya Project 1241.8 được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại tàu chiến, tàu vận tải, cũng như tàu đổ bộ của đối phương.

Tàu có lượng giãn nước 560 tấn, có tính năng đi biển rất cao với vận tốc tối đa gần 70 km/h trong điều kiện tiêu chuẩn. Thời gian hoạt động trên biển là 10 ngày, cự ly hoạt động khi chạy ở tốc độ trung bình từ 1.650 đến 2.400 hải lý.

Tàu tên lửa Molniya HQ-376 thuộc biên chế Hải quân Việt Nam

Tàu tên lửa Molniya HQ-376 thuộc biên chế Hải quân Việt Nam

Tàu Molniya được trang bị hệ thống radar mạng pha 3 chiều Pozitiv-ME1 trinh sát mục tiêu trên không và trên biển. Radar có một số tính năng gồm: phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ radar 1m2 bay ở độ cao 1km từ cự ly 110km; phát hiện tên lửa chống tàu có diện tích phản xạ radar 0,03m2 bay độ cao 15m ở cự ly 15km; theo dõi 15 mục tiêu đồng thời và khóa 3-5 mục tiêu cùng lúc. Ngoài ra, tàu còn trang bị hệ thống radar trinh sát mặt nước, hệ thống điều khiển hỏa lực (pháo, tên lửa), hệ thống đối phó điện tử.

Tàu tên lửa dự án 12418 có hệ thống vũ khí vô cùng mạnh mẽ. Tàu được trang bị pháo hạm 76 mm AK-176M với cơ số đạn 316 viên, hai pháo phòng không 30 mm AK-630M1-2 với cơ số 4000 viên đạn, 16 tên lửa chống hạm cận âm Uran-E, được bố trí thành 4 module phóng 2 bên thân tàu với 4 tên lửa Kh-35E mỗi module và 12 tên lửa phòng không Igla-1M.

Tên lửa diệt hạm Kh-35E trang bị trên chiến hạm 12418 có trọng lượng 600 kg, chiều dài 3,75m và sải cánh 930mm. Tên lửa có thể mang đầu đạn nặng 145 kg với tầm bắn 130km và tốc độ lên tới 1.100 km/h.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang