Cập nhật diễn biến bão số 11: Dân toát mồ hôi chống bão!

author 16:21 14/10/2013

Trước diễn biến phức tạp của bão Nari, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẩn cấp vào các tỉnh miền Trung để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão Nari. Chiều nay, Phó thủ tướng làm việc với Công ty TNHH lọc hóa Dầu Bình Sơn (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bàn về phương án phòng chống bão tại nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Tại Đà Nẵng

Cơn bão số 11 - bão Nari dự báo sẽ đổ bộ trực tiếp vào thành phố Đà Nẵng. Người dân thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương các phương án để phòng chống cơn bão mạnh này.

Ngư dân kéo thuyền lên bờ

Đến 10 giờ sáng 14.10, tại thành phố Đà Nẵng, gió đã thổi rất mạnh. Trong thời tiết mưa nặng hạt, người dân thành phố Đà Nẵng dùng hết sức, vật lực để gia cố nhà cửa. Hiện Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đã huy động 300 cán bộ, chiến sĩ, cùng 5 tàu cá, 8 ca nô, 8 ô tô trực chiến chống bão. Trong khi đó Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng cũng đã cử hàng trăm cán bộ chiến sĩ cùng 3 xe lội nước sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. 

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng, hiện chính quyền thành phố bắt đầu sơ tán người dân ở một số nơi dễ bị ảnh hưởng của bão nhất về nơi trú bão an toàn. 

Thành phố Đà Nẵng sẽ không sơ tán người dân cùng một thời điểm mà tổ chức sơ tán từng bước một theo từng vùng để tránh người dân lơ là tự ý bỏ về nhà. Dự kiến đến 17 giờ chiều ngày 14.10, công tác sơ tán khoảng 11.000 hộ dân với gần 55.000 sẽ hoàn tất. 

Theo thông tin mới nhất vào lúc 7 giờ sáng ngày 14.10 của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên Phòng Đà Nẵng, tổng số phương tiện của thành phố Đà Nẵng có 1.848 tàu/ 7.432 lao động. Trong đó đã vào bờ: 1.832 tàu/ 7.432 lao động. 

Hiện trên biển đang còn 16tàu/225 lao động. Hiện dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo vẫn còn gần 20 phương tiện lớn nhỏ neo đậu mà không có người trên tàu nên không thể hướng dẫn vào chỗ trú đậu an toàn hơn.

Tại Quảng Ngãi: 

Trước diễn biến cơn bão Nari đang tiến vào Quảng Ngãi, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành di dời, sơ tán 54.050 hộ dân/216.000 nhân khẩu, sẵn sàng ứng phó.

Ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết “Trong phương án di dời, sơ tán, đặc biệt chú trọng 5.189 hộ/ 21.370 khẩu có mức rủi ro cao trước ảnh hưởng của gió bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà, Trà Bồng, Tư Nghĩa, Lý Sơn. Ngoài ra, các huyện ven biển tuyệt đối cấm không cho tàu thuyền ra khơi. Hoàn thành phương án di dời, sơ tán trước 21h ngày 14.10”.

Trước diễn biến phức tạp của bão Nari, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẩn cấp vào các tỉnh miền Trung để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão Nari. Chiều nay, Phó thủ tướng làm việc với Công ty TNHH lọc hóa Dầu Bình Sơn (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bàn về phương án phòng chống bão tại nhà máy lọc dầu Dung Quất. 

Tin từ Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, đến 6h ngày 14.10, tổng số tàu thuyền đã neo đậu tại các bến là 4.654 phương tiên, 100% tàu thuyền đang hoạt động trên các vùng biển đã nắm được thông tin và nội dung hướng dẫn phòng tránh bão.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Hiệu trưởng các trường học tùy theo diễn biến của bão và mưa, lũ chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh.

Tại Thừa Thiên - Huế 

Sáng 14.10, Đoàn kiểm tra Ban PCLB&TKCN Trung ương do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát dẫn đầu đã về kiểm tra tình hình sạt lở và công tác phòng chống bão số 11 tại các xã ven biển huyện Phú Lộc và Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Người dân thôn Hải Tiến khẩn trương chằng chống nhà cửa để phòng chống bão. Ảnh An Sơn.

Kiểm tra thực tế tại những xã này, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu tỉnh Thừa Thiên- Huế khẩn trương di dời 3.500 hộ dân nằm tại các vùng xung yếu, sạt lở đến nơi an toàn và giúp người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền …

Trưa cùng ngày, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế về công tác phòng chống bão. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị tỉnh tăng cường hơn nữa công tác thông tin qua hệ thống truyền thanh của các xã, nhất là các xã bãi ngang ven biển, giúp người dân thấy rõ sự tác hại của bão để có sự đề phòng.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Tấn Cương- Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 cho biết: Hiện Quân khu 4 đã sẵn sàng điều động toàn bộ lực lượng vào 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và TP.Đà Nẵng để giúp người dân chống bão số 11.

Tại thị trấn biển Thuận An (huyện Phú Vang), từ 11 giờ ngày 14.10, đã có gió giật mạnh. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ của Hải đội 2- Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên- Huế có mặt tại thôn Hải Tiến đã hỗ trợ người dân di dời, chằng chống nhà cửa và đưa tàu thuyền đến nơi trú ẩn an toàn. 

Đến 12 giờ ngày 14.10, tất cả nhà cửa của người dân nơi đây đã được chằng chống. Nhiều tàu cá bị chết máy được các chiến sĩ bộ đội biên phòng huy động tàu cá khác đến lai dắt về âu thuyền Phú Hải tránh bão. 

Lực lượng của Hải đội 2- Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp người dân đưa tàu thuyền đến nơi tránh bão. Ảnh An Sơn.

Vì sống sát phá Tam Giang và cửa biển, trong khi hầu hết nhà cửa tạm bợ, nên gần 700 hộ dân thôn Hải Tiến được di dời đến các ngôi nhà cao tầng kiên cố ở trong thôn và các thôn khác. 

Tại huyện Quảng Điền, từ sáng ngày 14.10, đã khẩn trương triển khai di dời gần 630 hộ dân với 2.300 nhân khẩu ở vùng xung yếu đến nơi an toàn. Xác định vùng nguy hiểm của huyện khi bão đổ bộ vào là các thôn vùng biển của các xã Quảng Công và Quảng Ngạn, nên Ban chỉ huy Quân sự huyện và Công an huyện cử 100 cán bộ, chiến sĩ về các địa phương này để giúp nhân dân chằng chống nhà cửa và sơ tán người, đảm bảo mọi hoạt động sơ tán người và tài sản hoàn thành trước 17 giờ ngày 14.10.

Tại huyện Nam Đông, từ rạng sáng đến trưa 14.10 đã mưa to. Chính quyền huyện đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp nhằm triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với bão. Vì là địa phương có lượng lớn diện tích cây cao su, nên lãnh đạo huyện đã giao ngành nông nghiệp trực tiếp tổ chức hướng dẫn người dân chủ động chặt tỉa cành nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất khi bão đổ bộ.

Tại Quảng Nam

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 11, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (BCH PCLB) tỉnh Quảng Nam đã khẩn trương lên phương án di dời hàng ngàn hộ dân sinh sống đối với các xã ven sông, ven biển, vùng trũng các huyện: Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn và TP.Hội An.

Biển cảnh báo cho người dân cùng du khách không được tắm biển tại bãi biển Tam Thanh, Quảng Nam. 

Theo phương án di dời, huyện Điện Bàn có 890 hộ (3.753 nhân khẩu); Duy Xuyên có 1.692 hộ (5.804 khẩu); huyện Thăng Bình có 1.772 hộ (7.897 khẩu); huyện Núi Thành có 332 hộ (1.220 khẩu) và TP.Hội An có 3.320 khẩu. 

Hiện tổng số tàu cá Quảng Nam đang hoạt động trên biển là 145 tàu (3.233 lao động). Trong đó, tàu gần bờ có 44 tàu (439 lao động), tàu xa bờ có 101 tàu (2.794 lao động). Hiện các đồn biên phòng đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thông báo cho ngư dân trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh.

Để đối phó với bão số 11, BCH PCLB Quảng Nam cũng đã có công văn đề nghị các chủ hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 xả nước đón lũ. Lúc 13 giờ ngày 13.10, thủy điện A Vương bắt đầu xả tràn với lưu lượng dự kiến từ 35 - 300 m3/giây. Thủy điện Đăk Mi 4 cũng thông báo xả tràn lúc 17 giờ cùng ngày, lưu lượng xả dự kiến 100 m3/giây và sẽ điều chỉnh lưu lượng xả tùy theo tình hình thủy văn lưu lượng về hồ. Được biết, hiện 32/73 hồ chứa nước thủy lợi tại Quảng Nam đã đầy nước. 

Bão số 11 là cơn bão rất mạnh, sức gió cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 15, cấp 16 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh ven biển miền Trung, trong đó có khả năng đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Nam. 

Sáng sớm nay (14.10), phóng viên Dân Việt đã có mặt dọc các xã ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tất cả các bãi biển đều được lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo đến với người dân, du khách “Cảnh báo - Quý khách không nên tắm biển, hiện biển động, sóng lớn, nước xoáy rất nguy hiểm”. 

Ngoài ra, ngư dân cùng với lực lượng bộ đội Biên phòng Tam Thanh hối hả, căng mình đưa tàu, thuyền vào nơi trú bão an toàn. Một số thuyền méo của ngư dân đánh bắt gần bờ cũng được chuyển hết lên trên bờ tránh bão. 

Đại úy Huỳnh Minh Hương, Phó đồn Biên phòng Tam Thanh, Quảng Nam, cho biết: “Ngay sau khi nhận công điện của UBND tỉnh, Đồn biên phòng đã huy động gần 50 cán, bộ chiến sĩ của Đồn biên phòng chia ra làm ba điểm trên địa bàn ven biển, đó là xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ và xã Tam Hòa, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành để giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà, đưa tàu thuyền vào bờ, ngoài ra chúng tôi kết hợp với UBND xã Tam Thanh đã gia cố lại những đoạn đường sát bờ biển có nguy cơ sạt lở được đảm bảo hơn. 

Dự kiến ngay trong buổi sáng nay sẽ di chuyển hơn 1.000 tàu, thuyền bào bờ tránh bão an toàn. Đến 19 giờ cùng ngày phương án phòng chống bão số 11 ở địa bàn các xã ven biển này sẽ hoàn thành. Sau đó, chúng tôi sẽ tổ chức di dời những hộ dân vùng trũng, ảnh hưởng đến nơi an toàn”.

DIỄN BIẾN BÃO SỐ 11

Cập nhật diễn biến bão số 11: Gió lớn đang tàn phá Đà Nẵng - Quảng Nam

Cập nhật diễn biến bão số 11: Lo lắng an toàn hồ đập

Cập nhật diễn biến bão số 11: Cảnh giác lũ lớn

Cập nhật diễn biến bão số 11: Sóng biển cao từ 6 đến 10 mét

Cập nhật diễn biến bão số 11: Nhiều xe tăng thiết giáp lội nước sẵn sàng

Cập nhật diễn biến bão số 11: Hơn 2000 hành khách bị hủy bay

Cập nhật diễn biến bão số 11: Đêm nay bão vào đất liền

Bão số 11: Lãnh đạo địa phương "trực chiến"

Bão số 11: Tâm bão gió giật cấp 14

Tin mới nhất về bão số 11: Chiều nay, miền Trung bắt đầu mưa

Đình hoãn các cuộc họp để tập trung phòng chống bão số 11  

Cập nhật bão số 11: Bão cách biển Quảng Trị 280km

Bão số 11 rất mạnh đang tiến gần bờ

Người dân đi viếng Đại tướng lưu ý bão số 11 đang tiến gần

Bão số 11 rất dễ đổ bộ vào Quảng Bình - Huế

Chuẩn bị có bão số 11 vào biển Việt Nam

 Nhóm Phóng viên/ Danviet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang