Công cụ mới của EU quy định về ghi nhãn thực phẩm

author 15:41 23/03/2021

(VietQ.vn) - Ủy ban châu Âu vừa giới thiệu về FLIS (Food Labelling Information System), một công cụ thông tin ghi nhãn thực phẩm mới trên toàn EU.

Công cụ này giúp các công ty nhanh chóng tìm ra thông tin về các loại thực phẩm và nhóm thực phẩm khác nhau nên được dán nhãn vào sản phẩm trước khi bán ra thị trường EU.

Hiện nay, phiên bản đầu tiên đang có trên trang web của Ủy ban châu Âu, chứa các quy tắc chung của Liên minh châu Âu về ghi nhãn thực phẩm đối với từng loại hàng hóa. Công cụ này đơn giản, miễn phí, có thể được sử dụng bởi các công ty muốn bán thực phẩm ở các nước EU và các nước muốn xuất khẩu thực phẩm vào EU để biết rõ thêm về quy định ghi nhãn.

Dự kiến trong phiên bản tiếp theo, công cụ này sẽ được bổ sung các quy tắc ghi nhãn quốc gia bắt buộc áp dụng cụ thể cho các quốc gia thành viên khác nhau của EU. Đây là một công cụ hữu ích đề các doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm ra những thông tin bắt buộc phải có trên bao bì.

Được biết, muốn xuất khẩu vào EU, các doanh nghiệp phải ghi nhãn tuân thủ theo yêu cầu thị trường của EU. Việc ghi nhãn cần đáp ứng được các nguyên tắc chung là đầy đủ thông tin để người tiêu dùng có thể lựa chọn cũng như có thể truy suất nguồn gốc khi lô hàng đó có sự sai phạm.

Liên minh châu Âu yêu cầu người nhập khẩu có trách nhiệm đảm bảo rằng bất kỳ sản phẩm nào được nhập đều phải được dán nhãn theo đúng các quy định có liên quan. Sự khác biệt lớn so với Mỹ là EU cụ thể hoá quy định ghi nhãn cho nhiều loại sản phẩm hơn. Điều này giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn khi xác định một sản phẩm nhất định phải được dán nhãn như thế nào.

EU vừa giới thiệu công cụ mới cung cấp thông tin về ghi nhãn thực phẩm cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa 

Hiện nay, đã có yêu cầu nhãn mác cụ thể cho một chủng loại sản phẩm như dệt may, mỹ phẩm, sản phẩm có chất độc hại, thiết bị điện và điện tử, thiết bị gia dụng, giày dép, lốp xe, bao bì gỗ, đồ chơi, thủy sản.

Bên cạnh các quy tắc ghi nhãn chung, theo Quy định 1169/2011 của FIC mà các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ thì các doanh nghiệp cần chú ý các quy tắc đặc biệt trong ghi nhãn các sản phẩm thuộc các nhóm đặc biệt, ví dụ thủy hải sản phải bao gồm thông tin về tên thương mại, tên khoa học, phương pháp khai thác và khu vực đánh bắt. Theo quy định của EU, tên thương mại phải được thể hiện bằng ngôn ngữ chính thức của các nước thành viên.

Ngoài ra, các sản phẩm nhập khẩu vào EU cũng có yêu cầu có chứng nhận sản phẩm. (Những chỉ thị về yêu cầu chứng nhận sản phẩm bao hàm cả các yêu cầu ghi nhãn sản phẩm của riêng mà các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ đối với sản phẩm cụ thể mà mình xuất khẩu).

Ngày 2/9/2015, châu Âu thông báo cho các nước Thành viên WTO về việc xây dựng Quy định của Nghị viện và Hội đồng châu Âu quy định khung khổ ghi nhãn năng lượng. Quy định này sẽ thay thếChỉ thị số 2010/30/EU ngày 19/5/2010. Dự thảo đưa ra các quy định về nhãn năng lượng và thông tin sản phẩm đối với các sản phẩm tiêu dùng năng lượng cụ thể.

Quy định cũng yêu cầu nhà cung cấp (nhà sản xuất và nhập khẩu) cung cấp thông tin từ mức A đến G trên nhãn và yêu cầu nhà bán lẻ chỉ rõ vị trí của nhãn này và thông tin liên quan cho người tiêu dùng.

Mục đích của Quy định này là giúp người tiêu dùng có thông tin khi lựa chọn mua các sản phẩm sử dụng năng lượng và định hướng thị trường tới các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Đây sẽ là đóng góp lớn cho việc tiết kiệm năng lượng ở châu Âu và chống lại biến đổi khí hậu.

Bảo An (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang