Cáp treo vượt sông Hồng: Hà Nội 'bác' đề xuất của Tập đoàn Poma

author 06:04 20/07/2018

(VietQ.vn) - Sở GTVT Hà Nội khẳng định việc làm cáp treo vượt sông Hồng thời điểm này là không phù hợp. Loại hình vận tải này cũng không có trong quy hoạch.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND TP liên quan đến đề xuất làm cáp treo vượt sông Hồng của Tập đoàn Poma (công ty chuyên xây dựng cáp treo của Pháp).

Theo đó, Sở GTVT cho rằng, việc đầu tư dự án trong giai đoạn này là chưa phù hợp. Cụ thể, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030..., đều không đề cập đến loại hình vận tải hành khách công cộng bằng cáp treo như nhà đầu tư đề xuất.

Ngoài ra, hướng tuyến cáp treo do nhà đầu tư đề xuất gần trùng với hướng của tuyến đường sắt đô thị số 1, gần cầu Long Biên và Chương Dương hiện nay, gây ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực; xây dựng cáp treo vận chuyển khách nếu không kết hợp du lịch bãi giữa sông Hồng thì dự án không khả thi.

Cáp treo vượt sông Hồng: Hà Nội 'bác' đề xuất. Ảnh minh họa

Trước đó, theo đề xuất của tập đoàn Poma, tuyến cáp treo có điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm), điểm cuối là bến xe Gia Lâm (quận Long Biên). Nhà đầu tư sẽ xây dựng một tuyến cao treo vận hành trên nền tảng kẹp nhả, dịch chuyển các cabin trên không thông qua những dây cáp.

Các dây cáp được nối dài thông qua các trụ đỡ cao từ 50 - 100 m. Với sức chứa từ 25 - 30 khách trên mỗi cabin. Mỗi giờ cáp treo sẽ vận chuyển được khoảng 1.000 người với cáp kẹp bên dưới và 6.000 người với cáp kẹp bên trên. Đại diện Tập đoàn Poma cho hay nếu ý tưởng này được chấp thuận họ sẽ triển khai làm tuyến cáp trong thời gian từ 12-24 tháng.

Đánh giá về ưu điểm của tuyến cáp treo, đại diện nhà đầu tư cho biết, do hoạt động trên không và đi trên làn đường riêng (dây cáp) nên cáp treo vận hành rất ổn định, đúng giờ, xác suất được tính theo giây. “Khi tuyến cáp đi vào hoạt động, hành khách di chuyển từ trạm trung chuyển xe buýt Long Biên sang bến xe Gia Lâm và ngược lại chỉ vài phút. Lộ trình này so với di chuyển trên các phương tiện công cộng hoặc xe cá nhân như hiện nay, vào giờ cao điểm thường phải mất từ 30 phút đến 1 giờ”, nhà đầu tư thuyết trình.

Tuy nhiên, trước thông tin này nhiều chuyên gia cho rằng, mục đích thực sự của dự án không phải để giải quyết giao thông nội đô mà phù hợp với làm du lịch hơn. Dự án cáp treo vượt sông Hồng không mang tính khả thi cao, khó giải quyết vấn đề giao thông và sẽ lấy đi của Hà Nội nhiều quỹ đất.

 Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang