Cấp Tướng hiện nay còn nhiều, có xu hướng gia tăng!

author 14:27 28/02/2014

Số lượng sĩ quan cấp tướng hiện nay còn nhiều, có xu hướng gia tăng nhưng chưa có luận giải thống nhất về nhu cầu phong tướng là quan điểm được các đại biểu nêu ra tại hội thảo. Do đó, cần tính toán khoa học và hợp lý tương quan số lượng sĩ quan cấp tướng và số lượng sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền lãnh đạo, chỉ huy.

Đó là nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị được nhấn mạnh tại Hội thảo “Nhu cầu cấp bậc hàm cấp tướng trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, so sánh sự tương quan của một số chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân (QĐND,CAND)”. Hội thảo do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức tại thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) sáng 28-2.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội đã tới dự và chỉ đạo hội thảo. Đồng chí Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì hội thảo.

Cần quy định chặt chẽ hơn việc phong, thăng quân hàm cấp tướng là nội dung được thảo luận tại Hội thảo

Cần quy định chặt chẽ hơn việc phong, thăng quân hàm cấp tướng là nội dung được thảo luận tại Hội thảo

 

Tham dự hội thảo có Trung tướng Lương Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Hà Tĩnh; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Quân khu 4, UBND tỉnh Hà Tĩnh; các bộ, ngành trung ương và các cơ quan của Quốc hội.

Thực hiện Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18-6-2013 của Quốc hội về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội được phân công chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Qua báo cáo kết quả thẩm tra với Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 22, xung quanh hai dự án luật này còn một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, được báo cáo Đảng đoàn Quốc hội xin ý kiến Bộ Chính trị.

Ngày 21-10-2013, Bộ Chính trị đã có thông báo số 147-TB/TW, yêu cầu quán triệt sâu sắc, nghiêm túc Thông báo số 398-TB/TW ngày 29-11-2010 về chủ trương phong và thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang (LLVT), thông báo số 111-TB/TW ngày 8-11-2012 về việc sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, Luật CAND và chủ trương phong, thăng quân hàm cấp tướng trong LLVT năm 2012. Thông báo số 147-TB/TW nhấn mạnh: “Việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong LLVT phải được quy định chặt chẽ trong luật, đúng nhu cầu;nghiên cứu tách lương khỏi quân hàm để việc thăng quân hàm trong LLVT đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chủ huy; quy định hàm cấp trưởng phải cao hơn cấp phó một bậc; không quy định địa bàn trọng yếu hoặc lĩnh vực công tác đặc biệt để phong hàm cấp tướng; thống nhất cấp hàm của công an và quân đội ở địa phương (tỉnh và huyện) là tương đương nhau”.

Trước đó, cùng với các quy định của Luật, việc phong thăng cấp bậc hàm tướng trong LLVT đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên cho ý kiến chỉ đạo chặt chẽ, nhất quán. Tại Thông báo số 196-TB/TW ngày 21-9-2005, Bộ Chính trị đã yêu cầu: “Việc phong và thăng quân hàm cấp tướng trong LLVT phải nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ huy và sức chiến đấu của LLVT. Cần xác định rõ các chức vụ có yêu cầu cấp tướng và cấp bậc cấp tướng thấp nhất và cấp bậc cấp tướng cao nhất đối với mỗi chức vụ đó”; “không thăng quân hàm để kết hợp giải quyết chính sách cán bộ. Đối với các đồng chí có quá trình cống hiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà quá tuổi thăng quân hàm thì giải quyết lương, không thăng quân hàm”. Tại Thông báo số 398-TB/TW ngày 29-11-2010, Bộ Chính trị yêu cầu “việc phong, thăng hàm cấp tướng trong LLVT nhân dân thực hiện theo quy định của Luật”; đồng thời phải thực hiện “phong và thăng quân hàm cấp tướng đối với các vị trí có nhu cầu cấp tướng”.

Theo giám sát chuyên đề của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh thực hiện năm 2013 tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì việc phong thăng quân hàm, nhất là quân hàm cấp tướng còn bộc lộ hạn chế, bất cập. Tiêu chí xác định cơ cấu một số đơn vị tương đương thuộc mỗi bộ chưa rõ ràng, nguyên tắc xác định cấp cơ quan, đơn vị tương đương để quy định trần quân hàm ở hai bộ chưa thống nhất, nhất là ở cấp tỉnh, cấp tổng cục, cục. Việc quy định xét thăng cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với nhiều chức vụ mà Luật quy định trần là Đại tá chưa phù hợp với quy định của Luật”. Việc này cần được khắc phục, thống nhất nhận thức, nghiên cứu cẩn trọng để xác định các quy định phù hợp trong các dự án Luật trình Quốc hội xem xét.

Theo quan điểm của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, sĩ quan cấp tướng trong QĐND, CAND là những cán bộ chủ chốt nhất, cốt cán nhất, đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong các cơ quan, đơn vị trọng yếu của quân đội, công an; là tinh hoa của cán bộ quân đội, công an.

Về tương quan một số vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng trong QĐND và CAND, hai lực lượng với yêu cầu nhiệm vụ, quy mô tổ chức, tính chất hoạt động có những khác biệt nên việc quy định chế độ cấp bậc hàm thống nhất là rất khó khăn.

Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị cùng tính chất, cùng địa bàn và có chức năng nhiệm vụ tương ứng như bệnh viện, nhà trường, các cục, các cơ quan giúp bộ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước thì cần phải có sự tương quan về cấp bậc hàm.

Tại hội thảo, đã có nhiều tham luận của Ban Tổ chức Trung ương, Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, Cục Quân lực (Bộ Tổng tham mưu), Cục Cán bộ (Tổng cục Chính trị), Tổng cục xây dựng lực lượng (Bộ Công an), Vụ pháp luật hình sự - hành chính (Bộ tư pháp)…làm sáng tỏ thêm các vấn đề liên quan tới phong, thăng quân hàm cấp tướng trong QĐND, CAND.

Số lượng sĩ quan cấp tướng hiện nay còn nhiều, có xu hướng gia tăng nhưng chưa có luận giải thống nhất về nhu cầu phong tướng là quan điểm được các đại biểu nêu ra tại hội thảo. Do đó, cần tính toán khoa học và hợp lý tương quan số lượng sĩ quan cấp tướng và số lượng sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền lãnh đạo, chỉ huy.

Xây dựng đề án về yêu cầu phát triển, quy hoạch thống nhất đội ngũ sĩ quan cấp tướng theo các giai đoạn cụ thể làm căn cứ thực hiện thống nhất. Việc phong thăng quân hàm cấp tướng cần tránh gây mất cân đối về cơ cấu quân hàm chung. Có sự điều chỉnh theo hướng tập trung xây dựng lực lượng cán bộ sĩ quan cấp tướng tại các đơn vị chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu; gắn với điều chỉnh, tinh giản, nâng cao tính chuyên nghiệp, thu hẹp các lĩnh vực hoạt động không phải là nhiệm vụ chính. Việc thăng quân hàm cấp tướng phải xem xét chặt chẽ cả ba yếu tố: Tiêu chuẩn là căn cứ để xét quyết định thăng quân hàm, đồng thời gắn với nhu cầu và thời gian tích luỹ để xem xét…

Theo QĐND

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang