Cắt giảm 'rừng thủ tục' - bước chuyển căn bản về chất và lượng trong cải cách

author 15:02 16/03/2021

(VietQ.vn) - Các cuộc kiểm tra chuyên đề đã kịp thời phát hiện nhiều bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách; cắt giảm “rừng thủ tục” những rào cản liên quan đến thể chế, chính sách, dễ tạo kẽ hở để cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, tiêu cực; những khoảng trống pháp lý cần khẩn trương hoàn thiện và ban hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước.

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban đánh giá cao lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ủy ban, các chuyên gia, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, tâm huyết trong xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số thời gian qua.

Có thể thấy rõ nhiều kết quả tích cực sau thời gian xây dựng Chính phủ điện tử vừa qua, trong đó nổi bật là nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng các văn bản pháp lý nền tảng; đổi mới phương thức làm việc trong cơ quan hành chính Nhà nước và phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng tới Chính phủ không giấy tờ...

Những kết quả đạt được có sự đóng góp của hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vì cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử là một trong các trọng tâm hoạt động của Tổ công tác.

Việc cắt giảm thủ tục giúp tiết kiệm cho xã hội, người dân, doanh nghiệp. (Nguồn: Báo Bắc Giang)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác từng chia sẻ tại buổi kiểm tra các bộ, ngành do Tổ công tác tổ chức hồi cuối tháng 8/2017 về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, khi đó, một thực tế được nêu ra là: Để sản xuất mặt hàng chocolate cần 13 giấy phép, một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải theo 4 văn bản của cùng một bộ… “Rừng” thủ tục kiểm tra chuyên ngành như vậy khiến cộng đồng doanh nghiệp phải chi tới 14.300 tỷ đồng/năm. Vào thời điểm đó, số mặt hàng chịu sự kiểm tra của 2 đến 3 bộ, cơ quan rất lớn, lên tới 58% tổng số mặt hàng, trong khi thủ tục kiểm tra lại quá phức tạp...

Theo Tổ trưởng Tổ công tác, các cuộc kiểm tra chuyên đề đã kịp thời phát hiện nhiều bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách; cắt giảm “rừng thủ tục” những rào cản liên quan đến thể chế, chính sách, dễ tạo kẽ hở để cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, tiêu cực; những khoảng trống pháp lý cần khẩn trương hoàn thiện và ban hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước.

Các cuộc kiểm tra chuyên đề về cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc rà soát, đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh để tạo dư địa cho tăng trưởng đã tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy các bộ, cơ quan nhận ra vấn đề để thay đổi, cải cách; tạo bước chuyển căn bản cả về chất và lượng trong cải cách, thực thi của các bộ, cơ quan, địa phương trong công tác cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh.

Tổ công tác đã kịp thời phát hiện nhiều quy định bất cập, chồng chéo về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan rà soát lại và bãi bỏ.

Từ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay, có 87 Luật, Nghị định, Thông tư về kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung và thay thế để cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải điều kiện kinh doanh và 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; 1.501 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo đã xử lý, giao cho một đầu mối chịu trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành (thuộc nhóm sản phẩm: Tời điện, nồi hơi trong các xí nghiệp công nghiệp/giao thông vận tải; nhóm thiết bị gia dụng nhập khẩu; nhóm hàng hóa: Ra đa; hệ thống lạnh; sữa, sản phẩm từ sữa; chất hỗ trợ chế biến casein; bột, tinh bột có nguồn gốc từ thực vật…). "Việc cắt giảm này đã giúp tiết kiệm cho xã hội, người dân, doanh nghiệp khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm", Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết.

Kết quả này khẳng định sự nỗ lực, quyết liệt, quyết tâm, trách nhiệm của Tổ công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. 

Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những nỗ lực rất ấn tượng để đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu – vốn được đánh giá là ‘rừng’ thủ tục đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Bộ, trình Thủ tướng bãi bỏ 114 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng theo Quyết định số 37 năm 2017 của Thủ tướng.

Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành Thông tư 07 năm 2017, chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan. Trước đây có 24 nhóm hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng nay chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng trên 30 nghìn lô hàng không phải kiểm tra trước khi thông quan, giúp giảm thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, Bộ cũng đẩy mạnh thừa nhận kết quả đánh giá của nước ngoài, xã hội hóa toàn bộ hoạt động đánh giá sự phù hợp, ban hành Thông tư 02 năm 2017 để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm với một số nhóm sản phẩm hàng hóa, đồng thời làm rõ cách thức tiền kiểm, hậu kiểm…

Hệ thống Y tế Thu Cúc mở thêm cơ sở mới ở phía Nam Thủ đô(VietQ.vn) - Ngày 18/3/2021, Hệ thống Y tế Thu Cúc (TCI) sẽ chính thức khai trương cơ sở thứ 3 ở phía Nam của Thủ đô Hà Nội (32 Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội) với quy mô diện tích lớn trên 7.000m2. Đây hoạt động ghi dấu cho sự phát triển và mở rộng thương hiệu của TCI lên tầm cao mới.

 Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang