Câu chuyện đầu năm!

author 06:18 13/02/2021

(VietQ.vn) - Ngày đầu năm mới có lẽ trong lòng mỗi người luôn dâng trào những xúc cảm sâu sắc nhất. Đó là thời khắc của sự chậm rãi, điềm tĩnh. Thời khắc đó, mọi âu lo, toan tính dường như đều được gác lại để nhường chỗ cho khoảnh khắc sum vầy bên bữa cơm tươm tất với mùi hương trầm ấm áp – đó là phút giây Giao thừa thiêng liêng vừa điểm.

Câu chuyện đầu năm!

Tết luôn là thời khắc ấm áp nhất khi các thành viên trong gia đình được dịp đoàn tụ, sum vầy.

Khi đó tôi thường rất nhớ đến ông nội. Những năm đầu thập niên 90, trong căn nhà ngói ba gian mà tổ tiên để lại, ba thế hệ gia đình tôi cùng chung sống. Ngày thường, luôn luôn có những tiếng xích mích, ồn ã bởi những va chạm, xung đột. Tránh khỏi làm sao được khi mà ba thế hệ cùng chung sống với một không gian chật chội như thế.

Ở ngôi nhà ba gian đó có ông bà, bố mẹ, chú thím và các em tôi. Ông tôi nặng tai, mỗi lần chúng tôi chào ông hay muốn nói chuyện với ông cũng đều phải hét toáng lên ông mới nghe thấy. Chú tôi nghiện rượu, những lần chú đi uống rượu say về lại nghe thấy tiếng thím trách cứ rồi tiếng các em tôi- những đứa trẻ nhà chú la ó, khóc lóc khi thấy ba mẹ chúng cãi cọ. Còn gia đình nhỏ của tôi, do bố mẹ đều là giáo viên nên nhà tôi ít khi có những tiếng ồn ã. Tuy nhiên, ba mẹ tôi thi thoảng cũng không vừa ý nhau do bất đồng quan điểm, mỗi lần như thế mẹ tôi thường không nói gì và bỏ đi chỗ khác. Cũng có lúc, ba mẹ tôi và chú thím to tiếng với nhau. Khi đó, ông nội là người hòa giải, còn chúng tôi- những đứa trẻ trong ngôi nhà ba gian với ba thế hệ sống chung chỉ dám núp sau tấm cửa sổ bằng mành để ngó ra ngoài theo dõi sắc mặt của từng người lớn.

Bây giờ, chúng tôi đã lớn, mỗi gia đình đều có cuộc sống riêng trong những ngôi nhà cao tầng ở thành phố. Chỉ mỗi dịp Tết về quê là đại gia đình chúng tôi lại quây quần bên ngôi nhà ngói ba gian. Thế nhưng, giờ ông bà không còn nữa, bố mẹ và chú thím tôi vẫn giữ lại ngôi nhà của ông bà để cuối tuần và những dịp giỗ chạp, Tết nhất con cháu cùng tề tựu. Nhớ lại khoảng thời gian sống chung trong căn nhà ngói ba gian ấy cùng với ông bà, chú thím, điều hạnh phúc nhất với tôi là khoảnh khắc đầu năm mới. Đó là lúc cả gia đình hòa thuận nhất, những cãi vã, bất đồng đều được người lớn bỏ lại năm cũ. Chỉ thời khắc đó, tôi mới được chứng kiến ông nội, bố tôi và chú ngồi uống rượu chung, cười khà khà và kể say sưa những câu chuyện, cùng bàn kế hoạch cho năm mới. Khi đó mẹ và thím tôi tất tưởi trong căn bếp lúc nào cũng nghi ngút khói để nấu canh măng, rán nem, kho cá và làm rất nhiều những món ăn ngon mà ngày thường không có.

Tôi thích nhất là thời khắc Giao thừa vừa qua, những giờ phút đầu tiên của năm mới. Khi ấy, đại gia đình chúng tôi đều quây quần bên mâm cơm với bánh chưng xanh, dưa hành, thịt đông... Tôi thích ngồi thọt lỏm trong lòng ông nội, ông mừng tuổi từng đứa cháu và kể cho cả nhà nghe những câu chuyện ngày Tết xa xưa. Mỗi năm, ông kể một câu chuyện khác nhau. Dường như với ông đó là một truyền thống. Trong những câu chuyện ông kể, tôi nhớ mãi câu chuyện nuôi lợn Tết. Hồi đó ba tôi mới 8 tuổi được ông giao ở nhà chăn lợn. Khi đó quê tôi cứ khoảng ba đến năm nhà cùng chung nhau nuôi một chú lợn để Tết cùng thịt và chia nhau gói bánh, nấu đông, giã giò.

Ông kể, Tết năm đó, ông và ba gia đình nữa trong xóm nuôi chung một con lợn. Trước Tết chừng một tháng, lợn thường được thả rông tại khu vườn nhà tôi để chờ đến Tết ông Công, ông Táo thịt và chia nhau cùng gói bánh chưng. Ông bảo, lợn thả rông trước một tháng thịt sẽ chắc và thơm ngon hơn. Ngày hôm đó ba tôi được ông giao ở nhà chăn lợn. Sau khi nấu nồi cám, ba thường trút cám ra một chiếc thau để chờ cám nguội rồi cho lợn ăn. Tuy nhiên, hôm đó ba mải chơi, vừa trút cám ra thau thì chạy theo những người bạn hàng xóm đi chơi bi và quên béng chú lợn với nồi cám nóng bỏng ở nhà. Đến khi ông đi làm đồng về thì chú lợn đang giãy đành đạch vì bỏng, thoi thóp rồi chết. Sau đó, chú lợn Tết đã được ông xẻ thịt và bán rẻ cho những người trong làng. Tết năm đó, bà phải bán lúa và đi vay mượn thêm họ hàng để mua một chú lợn khác về trả lại cho những người hàng xóm để thịt ăn Tết. Tết đó, ba tôi cũng không được ông bà mua quần áo mới.

Những câu chuyện ông kể ngày đầu năm mới luôn là những câu chuyện vui. Thế nên từ ngày ông đi xa, sau thời khắc Giao thừa, bao giờ cả nhà cũng thấy hụt hẫng. Ai cũng nhớ ông. Tôi còn nhớ, mỗi năm cứ độ chiều mùng 1 Tết, ông thường dắt tôi ra bến sông đầu làng mang theo bánh chưng, mứt Tết và có cả những bao lì xì nữa. Ông tặng cho những đứa trẻ làng chài. Ông nói, những đứa trẻ làng chài thiệt thòi lắm. Chỉ dịp Tết mới được ba mẹ cho neo đậu đến khúc sông của làng. Tuy nhiên, vì sự phân biệt mà chúng không được lên bờ. Thế nên, đám trẻ con làng chài ấy chỉ ăn Tết cùng bố mẹ chúng trên những chiếc thuyền nan. Chừng Rằm tháng Giêng, những chiếc thuyền nan lại rời bến sông làng đi xuôi về phía biển. Ông thương những đứa trẻ trên chiếc thuyền nan ấy, ước mơ đi học của chúng còn dang dở và bị bỏ ngỏ bởi bố mẹ chúng quanh năm lênh đênh trên mặt nước nay đây, mai đó. Thế nên, chiều mùng 1 Tết năm nào ông cũng ra bến sông để tặng quà năm mới cho tụi nhỏ. Đó cũng là nguyên nhân vì sao năm nào nhà tôi cũng nấu thật nhiều bánh chưng.

Sau khi ông mất, gia đình tôi vẫn giữ thói quen nấu nồi bánh chưng lớn và vẫn mang ra bến sông thay ông tặng cho những đứa trẻ. Có những chiếc thuyền nan, những đứa trẻ khi xưa được ông tặng bánh chưng giờ đã thành thanh niên vạm vỡ có gia đình riêng nhưng cuộc sống của họ vẫn mãi lênh đênh sông nước.

Còn ông tôi, giờ cũng đã hóa những đám mây bay trên nền trên xanh thẳm. Có một lần ông nói với tôi, những người sau khi mất, sẽ hóa thành những đám mây trắng và bay lên bầu trời để dõi theo những người đang sống. Và tôi tin, đám mây trắng lênh đênh trên bầu trời là ông tôi - hiền từ và đang che chở chúng tôi, chở che cho cả những phận người lênh đênh.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang