Câu hỏi nhức nhối: Khi nào mũ bảo hiểm 'rởm' mới hết hoành hành?

authorDương Phương Ngọc 12:05 09/07/2016

(VietQ.vn) - Để mũ bảo hiểm “rởm” hết hoành hành, ông Khuất Việt Hùng cho rằng cần minh bạch các điều kiện về sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Từ đầu năm 2016 đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành cũng như đội quản lý thị trường thuộc Chi Cục quản lý thị trường nhiều tỉnh thành trong cả nước đã đồng loạt kiểm tra nhiều đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) trên địa bàn và phát hiện hàng ngàn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu nổi tiếng, kém chất lượng.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cơ sở sản xuất MBH.

Ông Đinh La Thăng: Còn ít công khai nơi SXKD mũ bảo hiểm kém chất lượng trên báo(VietQ.vn) - Ông Đinh La Thăng hồi còn làm Bộ trưởng Bộ GTVT từng nói: công khai thông tin cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng trên báo đài còn ít.

Đơn cử như, qua đợt kiểm tra của Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long, đoàn đã phát hiện công nhân đang lắp ráp các loại mũ bảo hiểm hiệu Mobiphone, Honda, Jojo, Yamaha, Milan, ARAYA và nhiều tem CR của các công ty này nhưng không có hồ sơ chứng nhận hợp quy, cùng nhiều loại công cụ phục vụ cho việc lắp ráp.

Có thể nói, vấn đề xử lý vi phạm trong sản xuất MBH thời gian qua được dư luận khá quan tâm, có những thương hiệu MBH đã “nhờn” với xử phạt vì vi phạm quá nhiều. Điển hình là MBH Napoli (Tp.HCM) với các mẫu không đạt chất lượng 6 lần tại Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Long, An Giang, Ninh Thuận và Bình Thuận, không ít lần đã bị xử phạt hành chính nhưng có lẽ mức phạt khoảng 40 triệu đồng/lần vẫn chưa đủ sức răn đe đối với họ.

Nhằm tìm ra “liều thuốc” căn cơ và hữu hiệu nhất để quyết liệt xử lý đối với những cơ sản xuất MBH “nhờn” trong việc xử phạt cũng như giải đáp những nhức nhối của người dùng về “vấn nạn” MBH “rởm”, PV Chất lượng Việt Nam đã có buổi trò chuyện ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

- Thưa ông, khi giải thích về nguyên nhân mũ bảo hiểm rởm vẫn tồn tại nhiều, các cơ quan quản lý thị trường, các cơ quan chức năng thường đổ lỗi cho việc các điểm buôn bán, kinh doanh MBH dởm thường nhỏ lẻ, di động nên khó kiểm soát. Ông nghĩ thế nào về việc này, thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Để một chiếc MBH đến được người sử dụng, cần qua rất nhiều khâu, từ nhập nguyên liệu, đến sản xuất, phân phối và kinh doanh.

Chính vì vậy, cần thiết phải ban hành một nghị định quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy. Nghị định không những quy định các điều kiện về sản xuất MBH mà còn quy định các điều kiện trong quá trìnhphân phối, kinh doanh MBH, trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện đó.

 Ông Khuất Việt Hùng trao mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn cho học sinh. Ảnh: Internet.

Quy định này sẽ giúp cho lực lượng chức năng nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm sớm trước khi MBH được mang ra bày bán, tránh được tình trạng “thả gà ra đuổi” như hiện nay.

Nhận xét của ông về sự bất chấp việc xử phạt của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp sẵn sàng sản xuất cả MBH giả song song với MBH thật. Chấp nhận xử phạt để thu lời bất chính? Theo ông, liệu Chính phủ có cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn không?

Ông Khuất Việt Hùng: Việc các hộ kinh doanh, doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận xử phạt sản xuất cả MBH giả song song với MBH thật một phần là chế tài xử phạt cũng chưa đủ mạnh cũng như là ta chưa cương quyết.

Bên cạnh đó ta chưa làm tốt công tác truyền thông rộng rãi đến người dân những cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm bị xử phạt.

Theo tôi, bên cạnh việc quy định chặt chẽ, minh bạch các điều kiện về sản xuất, kinh doanh MBH, cần xây dựng những chế tài xử phạt phù hợp, đủ mức độ răn đe đối với những hành vi vi phạm. Đối với những doanh nghiệp vi phạm lần đầu hoặc không cố tình vi phạm, hành vi vi phạm không gây những hậu quả nghiêm trọng nên có những hình phạt vừa phải, đủ sức nhắc nhở để không tái phạm.

Tuy nhiên, đối với những hành vi tái phạm, cố ý vi phạm, hoặc hành vi vi phạm để lại hậu quả nghiêm trọng, cần có những chế tài xử phạt nặng, đủ sức răn đe, cương quyết đình chỉ hoạt động.

 Nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất mũ bảo hiểm "rởm" đã được phát hiện tại Vĩnh Long. Ảnh: Internet.

Theo ông, đến khi nào thì MBH kém chất lượng mới hết "hoành hành"?

Ông Khuất Việt Hùng: Theo tôi, để MBH kém chất lượng, mũ giả mạo MBH  hết “hoành hành” thì chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

- Khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh bảo hiểm để những doanh nghiệp làm ăn chân chính yên tâm hoạt động, đồng thời để các cơ quan có căn cứ thực thi các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật đối với các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm, người tham gia giao thông nhằm nâng cao nhận thức về hậu quả khi sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ giả mạo mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy; đồng thời để người dân nhận biết được và không mua, bán, sử dụng các loại mũ này.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm  đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, cương quyết đình chỉ hoạt động đối với những đơn vị sản xuất, kinh doanh tái phạm hành vi sản xuất, kinh doanh mũ không phù hợp quy chuẩn, mũ rởm, mũ nhái.

- Lực lượng tuần tra, kiểm soát cần chú trọng thực hiện chuyên để tuyên truyền vận động kết hợp với xử phạt vi phạm đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách, mũ không phải mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang