Cầu lớn nhất Việt Nam thiết kế bất hợp lý, gây tắc đường

author 08:33 03/05/2013

(VietQ.vn) – Đường xuống cầu Thanh Trì cắt qua Quốc lộ 5, vào những ngày nghỉ, thường xuyên gây tắc đường ở huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất trong dự án 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng, bắt đầu từ điểm cắt quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Thanh Trì), điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Gia Lâm).

Đáng ra, phải có đoạn đường nối từ trên cầu xuống Quốc lộ 5 mà không cần cắt qua đường này.
Đáng ra, phải có đoạn đường nối từ trên cầu xuống Quốc lộ 5 mà không cần cắt qua đường này. Ảnh: PĐ
Cảnh xung đột các hướng giao thông thường thấy.
Cảnh xung đột các hướng giao thông thường thấy. Ảnh: PĐ

Tuy nhiên, do không có đoạn đường dẫn, “tiếp tuyến với đường 5”, nên mỗi khi xe từ nội thành Hà Nội đi hướng Hải Phòng, đều phải đi cắt qua Quốc lộ 5, nên thường xuyên gây ách tắc.

Nhiều ngày nghỉ, xe đi hướng Hải Phòng – Hà Nội và ngược lại, thường xuyên phải nhường đường cho nhau, gây nên cảnh hàng loạt xe dài hàng trăm mét phải đứng chờ.

Cầu Vĩnh Tuy được xây sau cầu Thanh Trì, đã khắc phục nhược điểm trên bằng cách xây đường dẫn, để xe từ Hà Nội có thể “tiếp tuyến” ngay với Quốc lộ 5, mà không cắt qua đường.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều người dân vẫn chưa hiểu, tại sao cầu Thanh Trì chưa được xây đoạn đường dẫn như vậy?

Trao đổi với PB Chất lượng Việt Nam, TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường Bộ, Đại Học Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, nút giao thông cầu Thanh Trì giao với Quốc lộ 5 gọi là nút nửa hoa thị. Khi bắt đầu làm, đáng ra, Bộ Giao thông Vận tải phải làm nút hoa thị (2 nhánh rẽ phải, 2 nhánh rẽ trái) nhưng có thể vì...thiếu tiền, nên mới làm như hiện nay.

Không chỉ có nút giao thông này mà nhiều nút giao thông trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng thiết kế bất hợp lý, gây tốn kém ngân sách.

Theo TS Toản, Bộ Giao thông Vận tải đã có dự án tiếp tục làm thêm 2 nhánh rẽ nữa ở nút giao thông cầu Thanh Trì và Quốc lộ 5, để tránh xảy ra việc cắt ngang đường như hiện nay.

Dự án cầu Thanh Trì có tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng (410 triệu USD), sử dụng vốn vay ODA, chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, và Ban quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư. Cầu Thanh Trì được coi là dự án cầu lớn nhất Đông Dương hiện nay.

Phương Đông

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang