Cầu Việt Trì bị chặn sau khi có cầu BOT: Phó Thủ tướng vào cuộc

author 20:20 10/07/2016

(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông đánh giá tình trạng kỹ thuật cầu Việt Trì để có giải pháp phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông và ANTT trên địa bàn.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc rà soát việc thực hiện Dự án cầu Hạc Trì (tỉnh Phú Thọ) theo hình thức BOT.

cầu việt trì

Trạm thu phí cầu Hạc Trì mới mọc lên, cầu Việt Trì cũ đã bị cấm không cho ô tô đi qua vì lí do cầu yếu. Ảnh Viết Cường

Văn bản nêu rõ, trong thời gian gần đây một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc cấm ô tô lưu thông qua cầu Việt Trì, buộc các phương tiện lưu thông qua cầu Hạc Trì để thu phí.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ rà soát việc thực hiện Dự án xây dựng cầu Hạc Trì theo hình thức Hợp đồng BOT.

Đồng thời, đánh giá tình trạng kỹ thuật cầu Việt Trì để có giải pháp phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16/7/2016.

Cầu yếu hay… ép dân?

Trước đó, Chất lượng Việt Nam có loạt bài viết phản ánh về một số bất cập liên quan đến việc cấm ô tô lưu thông qua cầu Việt Trì, Phú Thọ.

Cụ thể, sau gần 2 năm thi công, tháng 5/2015 dự án cầu BOT Hạc Trì (qua sông Lô, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) chính thức thông xe. Tuy nhiên, do lưu lượng ô tô vẫn đi qua cầu Việt Trì (cầu đường bộ kết hợp với đường sắt, cách cầu BOT Hạc Trì vài trăm mét), dẫn đến cầu Hạc Trì “vắng” phương tiện qua lại.

cầu việt trì

Chủ đầu tư BOT cầu Hạc Trì xây trụ bê tông chắn không cho ô tô đi qua cầu Việt Trì cũ.  Ảnh Viết Cường

Tháng 3/2016 (sau hơn 10 tháng thông xe), nhà đầu tư có văn bản đề nghị Bộ GTVT phân luồng giao thông, giải quyết tình trạng trên. Đề xuất này nhanh chóng được Bộ GTVT - cơ quan phê duyệt dự án “thống nhất chủ trương” và giao cho Tổng Cục đường Bộ Việt Nam thực hiện.

Tại văn bản phân luồng số 841, ký ngày 11/4, lãnh đạo Tổng Cục đường Bộ Việt Nam quyết định: Tạm cấm toàn bộ ô tô lưu thông qua cầu Việt Trì từ giữa tháng 4/2016. Lý do được Tổng Cục đường Bộ Việt Nam đưa ra, để đảm bảo an toàn cho cầu Việt Trì và giao thông cho khu vực vì cầu Việt Trì đã xuống cấp. Sau khi có “lệnh cấm” trên, nhiều xe không chấp hành và vẫn đi trên cầu Việt Trì.

Để ngăn triệt để, Cty Cổ phần BOT cầu Việt Trì đã cho đổ các trụ bê tông “bịt” hai đầu cầu khiến ô tô không thể lên cầu Việt Trì. Việc này sau đó đã bị người tham gia giao thông tập trung phản đối, Tổng Cục đường Bộ Việt Nam đã yêu cầu nhà đầu tư dỡ bỏ các trụ bê tông và xử phạt lỗi tự ý xây dựng trái phép công trình trên đất giao thông.

Từ đó đến nay, việc cấm ô tô qua cầu Việt Trì được thực hiện theo biển báo và hai bên đầu cầu đều có CSGT và Cảnh sát trật tự đứng chặn. Tuy nhiên, trước việc đang được đi cầu Nhà nước miễn phí, nay mỗi khi qua cầu lại phải trả phí từ 35.000 đến 180.000 đồng/lượt, nhiều người dân đã bức xúc, không đồng tình.

Cùng với việc cấm ô tô theo đề xuất của nhà thầu, Tổng Cục đường Bộ Việt Nam cho biết vừa phối hợp để kiểm định lại cầu Việt Trì. Cụ thể, kết quả kiểm định này cho thấy, cầu Việt Trì không đảm bảo an toàn khi lưu thông với phương tiện hỗn hợp. Đặc biệt, mặt cầu bê tông làn đường bộ 2 bên cánh gà đã xuống cấp, cần tiến hành sửa chữa ngay. Cùng với đó, Tổng Cục đường Bộ Việt Nam cũng đưa ra phương án, do nguồn vốn ngân sách gặp khó khăn, Tổng cục đề xuất Bộ GTVT giao cho nhà đầu tư BOT cầu Hạc Trì tiến hành sửa chữa và thu phí BOT cả hai cầu.

Báo Tiền phong dẫn lời chuyên gia cầu đường sắt cho rằng, cầu Việt Trì được xây dựng năm 1995 theo thiết kế lâu năm. Công nghệ xây cầu Việt Trì được áp dụng giống công nghệ xây cầu Thăng Long và có tuổi thọ hàng trăm năm. Vật liệu chính của cầu là thép hợp kim hàn tán bu lông không gỉ. Chất liệu này vừa có tuổi thọ lâu vừa giúp cầu chịu tải và cường độ va đập lớn.

Chưa cần tính đến ô tô, mỗi ngày cầu Việt Trì đang có hàng chục lượt tàu hỏa qua lại, không thể nói là cầu yếu, xuống cấp được. “Nếu kiểm định và kết luận cầu Việt Trì yếu thì các cơ quan liên quan cần công khai, minh bạch các số liệu để nhân dân được biết”, giảng viên Phạm Văn Thi, Bộ môn Đường sắt, Đại học GTVT đề nghị.

VIẾT CƯỜNG

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang