Cay đắng đổ sữa tươi bởi thiếu minh bạch về nguồn gốc sữa

author 16:52 26/01/2015

(VietQ.vn) - Nghịch lý Việt Nam nhập khẩu tới 1 tỷ USD sữa hàng năm nhưng người dân lại phải đổ bỏ sữa bò tươi ra đường được nhận định là do sự thiếu minh bạch trong nguồn sản xuất sữa.

Theo tin tức báo giới đã đưa, hiện tượng người dân đổ sữa ra đường thời gian này khiến xã hội thêm chua và nhức nhối, bởi sản phẩm của họ lại đang là mặt hàng thiết yếu hàng đầu mà Việt Nam còn đang phải mất 1 tỷ USD hàng năm để nhập khẩu mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Trong câu chuyện nông dân phải cay đắng đổ sữa ra đường gần đây, phó giáo sư tiến sĩ PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam chia sẻ trên báo Dantri, có nguyên nhân ngoài tầm kiểm soát của nông dân: Giá sữa bột thế giới đang rớt thê thảm, các doanh nghiệp kinh doanh sữa trong nước thích dùng sữa bột hơn mua sữa tươi của nông dân.

Giáo sư Nguyễn Đăng Vang chia sẻ về nguyên nhân khiến người dân phải đổ bỏ sữa bò

Nông dân đổ sữa tươi nghịch lý được giáo sư Nguyễn Đăng Vang chia sẻ. Ảnh Dân trí

Phó giáo sư Nguyễn Đăng Vang cho hay nguyên nhân không phải do sữa tươi sản xuất quá nhu cầu, thừa phải đổ đi. Năm vừa rồi, trong nước sản xuất 914 triệu lít sữa nước, trong đó chỉ có 450 triệu lít sữa tươi, còn lại là sữa bột hoàn nguyên, do không đủ sữa tươi nên mới phải dùng sữa bột hoàn nguyên.

Doanh nghiệp thích mua sữa bột hơn là sữa tươi của nông dân, vì giá sữa bột nay chỉ còn 6.300 đồng/lít, trong khi giá mua sữa tươi trong nước của nông dân cơ bản khoảng 13.500 đồng/ lít. Nếu sữa bột hoàn nguyên thành sữa nước phải bổ sung thêm các chất dinh dưỡng để tốt được như sữa tươi thì giá thành sẽ cao hơn cả sữa tươi, nhưng không ai kiểm soát đâu là sữa bột hoàn nguyên, đâu là sữa tươi và trên bao bì cũng không ghi rõ ràng. Do đó giá sữa tươi của hộ nông dân không hấp dẫn nữa.

Ông Vang khẳng định chính phủ cần phải có sự minh bạch trong việc phân biệt sữa tươi và sữa bột hoàn nguyên, để người dân có thể uống sữa tươi thật sự với giá cả hợp lí. Chứ tình trạng đổ sữa tươi như hiện tại là rất lãng phí.

Không minh bạch trong sữa tươi và sữa hoàn nguyên dẫn tới người dân phải đổ bỏ sữa bò

Không minh bạch trong xác định sữa tươi và sữa hoàn nguyên dẫn tới người nông dân đổ bỏ sữa tươi. Ảnh nguoilaodong

Ông đưa cách thức bảo vệ và khuyến kích sữa tươi trong nước bằng cách khuyến khích 4 thành phần đại diện nhà nước, đại diện nhà chế biến, đại diện hiệp hội tiêu dùng, đại diện nhà sản xuất sữa tươi nguyên liệu kết hợp với nhau, để bàn về vấn đề thu mua sữa vào từng mùa. Chẳng hạn, vào mùa nóng, tất cả các nước luôn thu mua sữa đắt hơn mùa lạnh vì mùa đông, bò cho sữa nhiều nhưng lượng tiêu dùng ít. 4 thành phần cần hợp tác để đưa ra một kế hoạch chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Trước đó vào sáng 10.1, hàng chục nông dân xã Tu Tra và Đạ Ròn thuộc huyện Đơn Dương, Lâm Đồng đã đổ sữa bò ngay trạm thu mua của Công ty CP sữa Đà Lạt Dalat Milk để phản đối vì cho rằng đơn vị này ép người chăn nuôi khi khống chế lượng sữa nhập hàng ngày, và không tiếp thu nguyện vọng của bà con vê kiểm tra sản lượng sữa.

Khi trẻ em Việt Nam phải uống sữa đắt nhất nhì thế giới thì 350 hộ nông dân xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội lại đứng trước nguy cơ phải đổ sữa ra đường do không có nơi tiêu thụ. Các công ty siết chặt việc mua sữa, sữa thừa sản lượng không mua, khiến nhiều nông dân phải chạy vạy ngược xuôi, có lúc ra quốc lộ bán với giá rẻ. Không chỉ bị siết chặt hạn mức nhập, giá sữa trong xã cũng có sự chênh lệch, theo Zing. 

Như vậy, hiện nay, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sữa tươi tiệt trùng, đâu là sữa hoàn nguyên tiệt trùng. Do vậy thiếu minh bạch trong nguồn gốc sữa là nguyên nhân gây hại cho người dân.

Phương Khanh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang