Cây ‘tỷ đô’mắc ca: Cảnh báo trồng bằng hạt sẽ không có quả

author 17:23 15/04/2015

(VietQ.vn) - Nếu trồng mắc ca bằng hạt, năng suất sẽ không cao, thậm chí không có quả.

Trước rất nhiều băn khoăn xung quanh việc trồng giống cây “tỷ đô” mắc ca nào thì tốt nhất, các chuyên gia nông nghiệp, lâm nghiệp đã và đang nghiên cứu về loại cây này khuyến cáo người dân không nên tự trồng bằng hạt, nên trồng những giống đã được công nhận và bán tại các cơ sở giống mắc ca uy tín.

Trồng cây ghép từ cây đầu dòng

Nêu quan điểm trong một cuộc giao lưu trực tuyến mới đây, ông Quách Đại Ninh, Vụ phó Vụ Phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, để có được sản phẩm mắc ca đồng đều, đạt chuẩn quốc tế, phải sử dụng giống đã được quốc tế nghiên cứu và đánh giá là giống có năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường thương mại. 

Ở Việt Nam, qua con đường trao đổi nghiên cứu khoa học đã nhập 10 giống được công nhận ở nước ngoài. Theo ông Quách Đại Ninh, để sử dụng giống cho hiệu quả, bắt buộc phải quản lý giống chính cho chặt chẽ. Mắc ca được nhân giống vô tính từ các cây đầu dòng, do đó cơ quan quản lý phải quản từ các vườn cây đầu dòng. Chỉ những vườn được phê duyệt mới được dùng để lấy hom, ghép và sử dụng để sản xuất cây giống. 

Những cây con khi lấy từ nguồn giống được công nhận, cũng phải được cơ quan chức năng đến thẩm định và cấp chứng nhận, rồi mới được gắn nhãn mác và lưu thông thị trường.

Đặc biệt, những cây đầu dòng không được cấp chứng chỉ, cây con không được chứng nhận, sẽ không được đưa vào sản xuất. Những ai cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt. Cá nhân bị phạt thấp nhất 10 triệu đồng. Đồng thời toàn bộ cây và giống chưa hợp lệ sẽ bị tiêu hủy. “Do đó, tôi lưu ý những ai đang sở hữu nguồn giống chưa được cấp chứng chỉ, cần liên hệ ngay với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, ông Quách Đại Ninh nói. 

Đánh giá về thực trạng các giống mắc ca được bày bán hiện nay, ông Quách Đại Ninh cho hay, việc hơn 1 nửa là giống thực sinh là nguy cơ. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ phải đi kiểm tra việc cấp chứng chỉ nguồn giống, ngoài ra phải kiểm định cả xem có đúng giống hay không. Đó là cả một chu trình quản lý chặt chẽ. 

Trồng 6 -7 năm chưa có quả nên nhổ bỏ

Hiện tại có khoảng 5.000 ha mắc ca nhân dân đã tự trồng, ông Quách Đại Ninh, Vụ phó Vụ Phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đề nghị bà con kiểm tra lại nguồn gốc cây trồng. “Chúng tôi khuyến cáo những người mua giống ở nguồn không rõ ràng, sau 6 -7 năm với chế độ chăm sóc tốt mà cây không kết trái thì xem xét xem có nên duy trì tiếp vườn cây này hay không”, ông Quách Đại Ninh nói.

Mắc ca

Trồng mắc ca bằng hạt có thể không cho quả. Ảnh: nld.com.vn

Theo phân tích của ông Quách Đại Ninh, nếu trót mua phải cây thực sinh thì khả năng rủi ro về năng suất, chất lượng quả mắc ca rất lớn. Trong trường hợp đó, nên chuyển hóa những cây đã trồng sang cây trồng mắc ca rõ nguồn gốc bằng cách ghép cây, cành ghép, mắt ghép từ cây đầu dòng được cấp chứng chỉ công nhận.

Gợi ý cụ thể địa chỉ mua giống mắc ca tại Đắk Lắk, ông Bùi Hữu Hòa cho hay, người dân có thể tìm hiểu thông tin ở công ty Vina mắc ca để tham khảo.

GS. Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng phân tích, ở Đắk Lắk có khu vực Krong Nang rất phù hợp cho mắc ca, hiện nay đã có hàng nghìn người nông dân của huyện này đã trồng cây mắc ca. Ví dụ như xã Phú Lộc, Dliza, Phú Xuân....

Tuy nhiên cũng có những xã thì không thuận lợi để trồng mắc ca. Đó là các xã ở trên cao và gió nhiều, đất không được tốt lắm, không có đất đỏ bazan.

Về mật độ xen canh, GS. Hoàng Hòe cho hay, nên trồng xen cây mắc ca trong 30.000 ha của huyện. Mỗi một ha trồng xen vào từ 80 - 100 cây mắc ca. Một số diện tích cà phê năng suất thấp dưới 1,5 - 1,8 tấn hạt cà phê/năm nên đưa cây mắc ca vào để thay thế. Tuy nhiên phải chọn nơi nào có đất bazan để trồng trước.

Tại Nghệ An, hiện đã có mô hình khảo nghiệm mắc ca ở Nghệ An tại Nam Đàn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ở khu vực này chưa có vườn cây đầu dòng nào được công nhận. Để có được thông tin về giống mắc ca đảm bảo chất lượng, đúng giống, người dân khu vực này nên liên lạc với Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam và công ty giống lâm nghiệp Ba Vì.

Dự báo về sự phát triển của mắc ca ở Tây Nguyên trong vòng 10 năm tới, TS. Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho hay, trong 10 năm tới, diện tích này có thể tăng tới 3 hoặc 4 lần con số hàng ngàn ha hiện nay. Mắc ca ở Tây Nguyên cho năng suất cao hơn các vùng khác như ở miền núi phía Bắc, điều kiện khí hậu đất đai Tây Nguyên có nhiều vùng thích hợp để trồng mắc ca. Do vậy năng suất mắc ca sẽ cao.

Tuy nhiên, TS. Trần Vinh cũng lưu ý, hiện tại bà con nông dân ở Tây Nguyên trồng nhiều giống khác nhau, không rõ nguồn gốc, nhiều vùng trồng bằng hạt thì năng suất không cao, thậm chí là không có hiệu quả. Nếu trong thời gian tới có bộ giống mới được khảo nghiệm thì sẽ góp phần làm tăng năng suất của mắc ca.

“Hiện tại bà con nông dân trồng mắc ca một cách tự phát vì vậy trong thời gian tới, cần có các nghiên cứu để xây dựng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca để hướng dẫn cho bà con, từ đó sẽ làm tăng năng suất và chất lượng hạt mắc ca”, TS Vinh nói.

Box: Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận 10 giống mắc ca, trong đó 3 giống quốc gia là các dòng OC, 246 và 816; 7 giống tiến bộ kỹ thuận là các dòng Daddow, 842, 741, 800, 900 và 695.

Trần Hoài 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang