Cây vàng tâm trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh có thật là giống quý?

author 06:25 20/03/2015

(VietQ.vn) - Nhà báo Phạm Ngọc Dương cho rằng, gỗ cây vàng tâm kém (mọt, cong vênh) nhưng điều kỳ dị là vàng tâm chậm lớn vô cùng.

Đề án chặt 6.700 cây xanh tại nhiều tuyến phố thủ đô và cây vàng tâm trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh đang là đề tài được dư luận rất quan tâm.

Dư luận phản đối, Sở Xây dựng sẽ họp về việc chặt cây xanh

Ngày 19/3, tại phiên họp thường kỳ của UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã phê bình các đơn vị triển khai công tác chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố vì thông tin quá kém, không rõ ràng, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ dẫn đến việc người dân không hiểu hết vấn đề.

chặt cây xanh ở hà nội

Nhiều cây xanh lâu năm tại Hà Nội bị chặt hạ để trồng các loại cây mới. Ảnh V.Cường

Chủ tịch Hà Nội cho rằng, việc thông tin không đẩy đủ khiến người dân hiểu rằng thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh. Trong khi thực tế, kế hoạch chỉ là từng bước thay thế những cây sâu mọt, già cỗi, cong nghiêng, không đúng chủng loại…

Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cũng khẳng định, việc thực hiện thay thế các cây này là chủ trương đúng đắn, được rất nhiều đơn vị ủng hộ. Ngân sách Thành phố chưa phải bố trí một đồng nào cho việc này.

"Đây hoàn toàn không phải là vụ đấu thầu, đấu đá chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích. Các đơn vị, doanh nghiệp, tư nhân ủng hộ và đóng góp những cây rất có giá trị, đúng chủng loại theo quy hoạch thay thế. Ngân sách không phải bố trí một đồng nào cho việc này”, ông Nguyễn Thế Thảo khẳng định.

Thông tin mới nhất mà Chất lượng Việt Nam nhận được, vào 2h chiều  nay (20/3), Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tổ chức buổi họp báo về “công tác xã hội hóa cây xanh trên địa bàn Thành phố”.

Từ lúc Hà Nội triển khai “triệt hạ” nhiều cây xanh trên một số tuyến phố, đã gây nên làn sóng phản đối dữ dội từ đông đảo người dân và truyền thông. Trong đó, một vấn đề được nhắc đến khá nhiều là việc thay thế các cây cũ trên đường Nguyễn Chí Thanh bằng loại cây mới, là cây vàng tâm.

Là một giống cây gỗ quý

Theo một số thông tin trên mạng, vàng tâm có tên khoa học Magnolia fordiana, là một loài cây gỗ thuộc họ Mộc lan. Cây xanh, cao 25 - 30 m, đường kính thân cây 70-80 cm.

Vỏ cây có màu xám trắng, dày 1 cm. Cành non, lá non có lông tơ màu nâu. Lá vàng tâm là chất da, dày, hình bầu dục dài, dày 5 - 17 cm, rộng 1,5 - 6,5 cm, đầu nhọn, cuống lá dài 1,4 cm, màu nâu đỏ.

cây vàng tâm trên đường nguyễn chí thanh

Cây vàng tâm được trồng thế vào chỗ của những cây cũ đã bị chặt hạ trên đường Nguyễn Chí Thanh

Hoa vàng tâm thuộc loại lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành. Cuống hoa dài 1 - 2 cm, cánh hoa màu trắng, nhị nhiều, lá noãn nhiều, xếp như hình xoắn ốc. Mỗi lá noãn chứa 5 noãn. Mùa hoa vàng tâm vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, mùa quả khoảng tháng 9, tháng 10.

Quả của cây vàng tâm có hình trứng hay tròn - trứng, dài 4 - 5,5 cm. Cây vàng tâm được tái sinh bằng hạt và có tốc độ tăng trưởng trung bình.

Gỗ vàng tâm là loại gỗ tốt, thơm, khó mối mọt, khi khô không nẻ cũng không biến dạng. Đây cũng là một giống cây gỗ quý được sử dụng để đóng đồ dùng gia đình, làm đồ mỹ nghệ, chạm khắc, văn phòng phẩm.    

Cũng liên quan đến loại cây này, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, vàng tâm là cây gỗ rất quý, có giá trị tương đương với cây sưa, giá trị cao, thường mọc ở rừng sâu trong độ cao khoảng 100 – 700m. Cây gỗ này ưa đất chua và lớn rất chậm, đòi hỏi độ cao và không khí lạnh mới có thể phát triển. 

Tuy nhiên, nhà báo Phạm Ngọc Dương, một cây viết phóng sự có tiếng, từng có thời gian dài “lăn lộn” nơi rừng rú đã chỉ ra nhiều mặt hạn chế của loại cây được Sở Xây dựng cho là “quý hiếm” này.

Vàng tâm chậm lớn vô cùng?

“Mình đi rừng nhiều, mình biết trên núi đá có đầy cây gỗ vàng tâm. Vàng tâm là loại gỗ dùng làm quan tài cho mấy ông quan nhỏ thời xưa. Gỗ vàng tâm kém (mọt, cong vênh), nhưng điều kỳ dị là vàng tâm lại chậm lớn vô cùng. Được một cây vàng tâm có đường kính 70cm thì phải mất rất lâu. Mình đi rừng nhiều, gặp cả vạn cây vàng tâm, mà chưa thấy cây nào có đường kính tới 60cm. Hà Nội trồng thứ cây này, 10 năm sau chỉ to cỡ bắp chân”, nhà báo Phạm Ngọc Dương chia sẻ trên trang cá nhân Facebook.

Cũng theo đánh giá của nhà báo thì cây vàng tâm dù để trên đường nhựa, sân bê tông, núi đá, sình lầy, phèn chua vẫn sống, ít phải chăm sóc.

“Nhưng, vàng tâm chả có mấy lá, chỉ lơ phơ, loe hoe vài cành, vài lá... Dân Hà Nội có mà chết nóng!”, nhà báo Phạm Ngọc Dương lo ngại.  

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang