CEO Tập đoàn Topica: Khởi nghiệp muốn thành công phải liều

authorThu Thảo 06:53 07/11/2016

(VietQ.vn) - Anh Tuấn chia sẻ giai đoạn đầu khởi nghiệp có thể thất bại bất cứ lúc nào. Quan trọng là có nghị lực vươn lên và phải có "máu liều".

Sinh năm 1975, anh Phạm Minh Tuấn là đại diện duy nhất của Việt Nam trong danh sách bình chọn 200 lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2012. Anh hiện là CEO của Tổ hợp Giáo dục Topica, đơn vị đào tạo trực tuyến tiên phong xuất khẩu công nghệ E-learning.

Chương trình Topica Founder Institute là chương trình ươm tạo các doanh nghiệp start-up, hiện là Accelerator (tăng tốc khởi nghiệp) duy nhất tại VN có học viên gọi vốn thành công hàng triệu USD.

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các doanh nhân khởi nghiệp, anh Phạm Minh Tuấn đã có dịp chia sẻ rất nhiều thông tin bổ ích nhân sự kiện Techday FPT 2015. Nhận xét về xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam, anh cho rằng chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp lại nhiều và nóng như bây giờ...

Trong buổi PV với Tri thức trẻ, anh Tuấn chia sẻ câu chuyện những ngày đầu khởi nghiệp của mình. Anh Tuấn chia sẻ, một người bắt đầu khởi nghiệp phải chuẩn bị sẵn sổ đỏ để cắm, phải có co-founder biết code và mỳ tôm.

Hầu hết những người làm khởi nghiệp ở Việt Nam đều phải cắm xe, cắm nhà trong thời gian đầu khởi nghiệp. Mặc dù bây giờ đã có nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng họ cũng ngại chi tiền cho các công ty ở giai đoạn sớm mà thường tập trung vào các doanh nhân khởi nghiệp đã có sản phẩm, doanh thu rồi mới đầu tư vào.

Trong khi đó, từ vòng gọi vốn Series A đến vòng gọi vốn Series B là cả một khoảng cách thời gian cực kỳ lớn. Vì vậy, để sống được qua giai đọan này vẫn phải cắm sổ đỏ mới tiếp tục lên đến vòng gọi vốn B, nghĩa là cần một khoản vốn lớn để đầu tư trước khi có người tài trợ.

Quan trọng hơn, muốn khởi nghiệp thành công thì vừa phải có công nghệ và phải có hiểu biết về ngành đó. Chẳng hạn như Lozi, muốn thành công chắc chắn các bạn founder phải hiểu về lĩnh vực ăn uống. Anh nào làm nghề gì phải hiểu về ngành đó.

Những người Topica thời gian đầu thì 12 founder đều là giảng viên đại học, hiểu được phương pháp để thuyết phục các thầy giáo, giảng viên nghe theo và làm cùng với mình. Những việc đó tưởng chừng nhỏ nhưng nhiều cái người trong ngành làm rồi mới có lợi thế nhất định.

Công thức khởi nghiệp của CEO Topica: Một Co-founder biết code, mỳ tôm và … sổ đỏ sẵn sàng mang đi cắm

Công thức khởi nghiệp của CEO Topica: Một Co-founder biết code, mỳ tôm và … sổ đỏ sẵn sàng mang đi cắm

 

Công cuộc tìm kiếm những người cùng chung chí hướng với anh Tuấn cũng là cả một câu chuyện dài. Anh Tuấn chia sẻ thực sự 2-3 năm đầu tiên khi Topica mới là phôi thai thì tuyển người rất khó.

May mắn của anh là trước khi khởi nghiệp đã từng đi làm nhiều năm, ở nhiều nơi nên cũng tụ tập được anh em làm cùng. Chẳng hạn như hồi làm dự án ở ĐH Bách Khoa, anh Tuấn đã có nhiều đồng nghiệp nên nhờ họ luôn. Hay một số anh em đồng nghiệp ở Hungary và cơ quan khác nữa cũng rủ về làm.

Tuy nhiên, thuyết phục mọi người đi theo mình đã khó nhưng giữ được họ còn khó khủng khiếp hơn. Vì lương lúc đó lúc trả lúc không, sản phẩm cũng chẳng có gì nhưng cái duy nhất của anh có lúc đó là niềm tin.

Ngay cả khi không có tiền trả lương thì nhiều anh em vẫn sẵn sàng chung tay vì họ tin rằng anh sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Khởi nghiệp ngoài khó khăn nhất là tìm được đội ngũ những người tin bạn không bao giờ bỏ cuộc.

Cafebiz/Trí thức trẻ cũng đưa tin về câu chuyện khởi nghiệp của anh Tuấn. Theo quan điểm của anh Tuấn, doanh nhân khởi nghiệp nếu không làm gì thì 95% khả năng là "chết", nếu làm gì thì 80%, tức là tăng được 4 lần tỷ lệ sống sót, đa số vẫn là "chết".

Thực ra, khi thất bại rồi thì có cả trăm lý do và đều đúng cả. Sẽ có rất nhiều người nói rằng “tôi đã bảo mà”, và tất cả đều đúng hết. Đấy là chuyện bình thường khi khởi nghiệp. Như Umbala bây giờ là sản phẩm thứ 3 của Nguyễn Minh Thảo, nhưng vẫn có thể thất bại bất cứ lúc nào. Hay như Haivl chẳng hạn, một ngày bỗng tự nhiên "lăn ra chết",... Quan trọng là phải tiếp tục đứng lên.

Đánh giá về tương lai hệ sinh thái khởi nghiệp, anh Tuấn đánh giá trong lịch sử thường diễn ra chu kỳ bùng nổ rồi lại vỡ bong bóng, còn chu kỳ trong bao lâu thì anh dự đoán đó là khoảng 10 – 15 năm một lần. Lần gần nhất đổ vỡ là khoảng năm 2009, từ hồi đấy đến giờ là được khoảng 6 năm rồi. Như vậy theo lý thuyết, nhanh thì 3 năm nữa còn chậm thì khoảng 8 năm nữa sẽ đến điểm cuối của chu kỳ.

Với một nhà đầu tư, điều họ quan tâm trước hết team khởi nghiệp đó có phải là một team cân đối, và phải mạnh về ý tưởng, công nghệ, khả năng kinh doanh... Thứ hai là người khởi nghiệp nói được thì phải làm được, chứ đừng kêu là không có tiền, và phải cho ra được một sản phẩm cụ thể. Thứ ba là phải biết lắng nghe, nhiều bạn mới bị góp ý mấy câu đã nảy sinh tự ái. Mỗi người sẽ góp ý một kiểu, nên biết lắng nghe và sau đấy chọn ra điều nào thấy đúng nhất để thay đổi.

Thu Thảo (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang