Cha, con và ADN: Chuyện chưa từng cũ

author 15:47 16/01/2013

(VietQ.vn) - Kỹ thuật giám định gen đã mang lại niềm vui cho hàng trăm gia đình, bởi từ những gì được chứng minh bằng giải mã gen, cha con thất lạc nhận ra nhau, anh em đoàn tụ. Nhiều đứa trẻ không được thừa nhận đã tìm đúng cha mẹ mình. Nhưng, đằng sau sự thật của khoa học cũng không hiếm bi kịch đã xảy ra…

Từng có dịp tiếp xúc với Giáo sư – Tiến sĩ Lê Đình Lương, người sáng lập Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền, PV Chất lượng Việt Nam đã ghi nhận nhiều câu chuyện bi thương và hạnh phúc, liên quan đến phát minh duy nhất trên lĩnh vực Y - Sinh học nằm trong số 25 phát minh quan trọng trong vòng 1/4 thế kỷ qua, do các chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới bầu chọn. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết 4 kỳ, sẽ được CLVN khởi đăng kể từ hôm nay.

Lấy mẫu gen (ảnh tư liệu)

Tìm lại huyết thống

Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền (thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam) nằm kín đáo trong khu tập thể Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội).

Một buổi chiều mùa đông, người phụ nữ khoảng 60 tuổi dắt một đứa trẻ bước vào trung tâm. Bà tự giới thiệu tên Hạnh, nhà ở phố Cầu Giấy (Hà Nội), đến thực hiện giám định gen để xác định đứa bé có phải cháu bà hay không.

Theo lời kể, con trai bà Hạnh là sinh viên ở Hà Nội, có quan hệ với một cô gái làm nghề gội đầu. Khi cô gái có thai, chàng trai mang về giới thiệu với bố mẹ nhưng cả gia đình không đồng ý làm đám cưới.

Khi đứa trẻ chào đời, mọi nghi vấn về tính xác thực của bé thêm nặng nề vì nó chẳng có một chút gì giống bố. Bà Hạnh nói, nếu là cháu thật, bà sẽ tổ chức đám cưới và đón cô con dâu một cách danh chính ngôn thuận.

Sau khi tiến hành các thủ tục lấy mẫu máu và tế bào, bà Hạnh chào mọi người ra về, trên tay cầm tờ giấy hẹn 10 ngày sau nhận lại kết quả. Bà Hạnh là trường hợp điển hình cho việc giám định gen để tìm lại huyết thống mà trung tâm đã thực hiện nhiều năm qua.

Bằng chứng của sự thật

Sau khi nhận mẫu tế bào từ tay thân chủ, các nhân viên của trung tâm bỏ vào một phong bì rồi cẩn thận đánh dấu mã vạch lên từng mẫu phẩm. Việc phân tích gen được thực hiện bí mật tại một phòng xét nghiệm khác trên đường Cầu Giấy. Tại đây có khoảng chục nhân viên đang lặng lẽ làm việc bên những hệ thống máy móc hiện đại.

Giáo sư – Tiến sĩ Lê Đình Lương cho biết, trước đây để tiến hành lọc được một đoạn gen trong hàng triệu tế bào phải trải qua rất nhiều công đoạn và sử dụng nhiều hệ thống máy móc cồng kềnh, phức tạp. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng của kĩ thuật y - sinh học, sự ra đời của hệ thống máy PCR đã giúp cho công việc này đơn giản hơn rất nhiều.

Lúc đó, trung tâm vừa nhập nguyên chiếc 2 máy PCR, tuy nhỏ gọn nhưng hiệu quả và chính xác. Chỉ cần sau 3 giờ chạy máy sẽ cho kết quả. Hình ảnh về các đoạn ADN dài ngắn khác nhau được thể hiện rõ trên các bản gen và có thể đọc được bằng mắt thường. Theo đó, người làm giám định có thể biết được một cách chính xác đứa con là của cha và mẹ, hoặc chỉ của cha, của mẹ theo nguyên lý di truyền học.

Giáo sư Lương chỉ vào một số tấm phim vừa lật và nhận xét: “Quan sát bằng mắt thường có thể dễ dàng đọc được kết quả. Tấm phim này cho thấy có hai vạch hồng xếp thẳng hàng nhau. Điều đó chứng tỏ đứa bé cùng huyết thống với mẫu mà người lớn cung cấp”.

Chỉ vào một tấm phim khác, giáo sư tiếp: “Trường hợp này, vạch hồng không thẳng hàng với cả hai vạch hồng kia, chứng tỏ đây không phải là con đẻ của cả bố lẫn mẹ. Chuyện này không phải là hy hữu, bởi đã có rất nhiều vụ kiện liên quan đến việc tráo đổi con, hoặc trao nhầm con tại các bệnh viện”.

Máy PCR đầu tiên của Việt Nam ( ảnh tư liệu)
Máy PCR đầu tiên của Việt Nam (ảnh tư liệu)

Chính xác gần như tuyệt đối

Theo giáo sư Lê Đình Lương, các bản gen là bằng chứng xác thực nhất, khó có thể phủ nhận bởi độ chính xác của nó gần như là tuyệt đối. Các thí nghiệm trước đây cho thấy, sai số chỉ vào khoảng 1 phần triệu. Đó là lý do tại sao để tìm lại huyết thống của một người, giám định gen là cách làm hiệu quả và chính xác nhất.

Mặc dù thời gian để cho ra kết quả không lâu, tuy nhiên, các trường hợp đến kiểm tra đều nhận được lời hẹn khoảng 10 ngày. Các nhân viên ở đây giải thích: một phần vì mẫu xét nghiệm nhiều, nhưng điều quan trọng là nhiều mẫu không trùng với cha hoặc mẹ, phải tiến hành làm đi làm lại nhiều lần để tránh sai sót.

(Bài 2: Câu chuyện của lòng tin)

Linh Huy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang