Cha, con và ADN: Trò chơi người lớn

author 14:45 18/01/2013

(VietQ.vn) - Giáo sư Lê Đình Lương nói, ông từng chứng kiến nhiều thủ đoạn, mưu mô rất “người” khi đứng trước kết quả giám định. Thời gian đó, hai chiếc máy PCR mới hoạt động gần như hết công suất bởi thân chủ tìm đến với trung tâm ngày càng đông.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đời không đơn giản

Theo Giáo sư Lương, nhiều năm trực tiếp đón nhận và làm xét nghiệm cho hàng trăm trường hợp, ông mới vỡ lẽ rằng xã hội ngày nay quá phức tạp. Cứ mỗi ca xét nghiệm, ông lại sưu tập thêm một mảnh đời éo le ngang trái, nhiều khi khiến ông phải chảy nước mắt.

Có lần, một người đàn ông đến trung tâm mang theo hai mẫu xét nghiệm. Khi kết quả cho thấy mình chính là cha của đứa bé, mặt anh ta liền biến sắc, mồm lẩm bẩm: “Chẳng lẽ mình lại phải đi nuôi thằng nhãi con này?”.

Đây là trường hợp điển hình cho rất nhiều mẫu đàn ông vô trách nhiệm, chối bỏ quyền và nghĩa vụ với đứa con mình. Anh ta nài nỉ các nhân viên ở đây làm sao cho kết quả ngược lại để có cớ bỏ vợ và không phải nuôi con. Tất nhiên yêu cầu này không được đáp ứng.

Các chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới đã bầu chọn 25 phát minh quan trọng trong vòng 1/4 thế kỷ qua có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của con người hiện nay và trong tương lai. Kỹ thuật xét nghiệm ADN là một trong số đó và là phát minh duy nhất được bầu chọn trong lĩnh vực y - sinh học.

Một giáo viên ở Hà Nội đến trung tâm than rằng chồng chị nghi ngờ đứa con họ đang nuôi không phải của anh ta. Rất tiếc, sau khi kiểm tra điều đó lại là sự thật. Chị ta sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền để làm ra một bản kết quả giả, vừa giữ được chồng, vừa không để mất cái tổ ấm đang có. Sau nhiều lần thuyết phục không kết quả, người phụ nữ đành im lặng.

Lương tâm nhà khoa học

Một trường hợp khác đến giám định ở trung tâm để lại ấn tượng mạnh không chỉ bởi thân chủ là một phụ nữ nổi tiếng, giàu có mà còn vì những mối quan hệ phức tạp đằng sau câu chuyện.

Lấy chồng cũng là người rất giàu và có địa vị, nhưng người phụ nữ này vẫn duy trì mối quan hệ tay ba với tình nhân. Khi con trai được 4 tuổi, một ngày chị nhận ra nó chằng giống ai trong hai người đàn ông mình quan hệ. Trong khi đó, đứa bé lại là “vật gia bảo” của dòng họ nhà chồng. Chính điều này làm chị day dứt và quyết định đi tìm sự thật.

 

Để lấy được mẫu tế bào của hai người đàn ông, chị nói dối tình nhân cần lấy mẫu máu đi xét nghiệm viêm gan, còn với chồng thì lý do là nghi ngờ đứa con đã có sự trao đổi nhầm lẫn khi ở bệnh viện. Kết quả xét nghiệm, thật may mắn, đứa trẻ chính là giọt máu của người chồng.

Chúng tôi đặt câu hỏi: giả sử trường hợp cha con không cùng huyết thống, nhưng họ đang có một cuộc sống gia đình hạnh phúc và sự thật từ bản kết luận ADN có nguy cơ khiến gia đình ấy tan vỡ, liệu ở góc độ đạo đức, ông có thể cho ra một kết quả sai?

Giáo sư Lương trầm ngâm rồi cho rằng, ông không thể làm khác ngoài lương tâm của một nhà khoa học. Sự lừa dối sẽ tạo nên tiền lệ xấu, có thể giúp được một người, một gia đình nhưng để lại hậu quả cho xã hội. Bởi sẽ còn rất nhiều người lợi dụng nó để mưu cầu những lợi ích riêng tư, thậm chí là công cụ để gây tội ác.

Máy PCR (ảnh tư liệu)
Giáo sư Lương cho biết, ý tưởng thành lập Trung tâm công nghệ cao về ADN được thai nghén từ năm 1988, bắt nguồn từ phát minh của Kary Mulis về Phản ứng nhân ADN đặc hiệu (PCR). Và rất may mắn, tháng 9/1988 ông cùng đồng sự đã mua được máy PCR ở Matxcơva trên đường từ Hội nghị Di truyền học tổ chức tại Canada về nước. Ngày nay, PCR đã trở thành kỹ thuật được sử dụng hàng ngày trong các phòng thí nghiệm sinh học phân tử trên khắp thế giới, mà ứng dụng thực tế hàng đầu của PCR là xét nghiệm ADN.

(Bài cuối: Những giám đốc bị “bỏ bom”)

Linh Huy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang