Trụ cột kinh tế Hàn Quốc - Chaebol (Phần 1)

author 12:29 09/04/2014

(VietQ.vn) - Hàn Quốc đã phải trải qua những thời khắc vô cùng khó khăn sau chiến tranh thế giới thứ hai. Với những quyết định đúng đắn, chính phủ nước này đã vực dậy nền kinh tế của mình bằng những "người hùng" Chaebol.

Cái tên Chaebol bắt đầu từ đâu?

chaebol

Biểu tượng kinh tế của Hàn Quốc

Chaebol là một mô hình của tập đoàn thuộc sở hữu và điều hành bởi một gia đình tại Hàn Quốc, bao gồm một công ty mẹ, và có nhiều công ty con hoạt động để đáp ứng yêu cầu vật tư và dịch vụ của công ty mẹ. Tại các Chaebol từ vị trí chủ tịch cho đến các giám đốc điều hành đều là thành viên trong một gia đình cho nên mô hình này còn được gọi bằng một cái tên ngắn gọn là “gia đình trị”.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế của Hàn Quốc bị tàn phá một cách nghiêm trọng. Để giải quyết những khó khăn trên, chính phủ nước này đã đưa ra một số quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp lớn có sẵn cả về các chính sách ưu đãi, về thuế…Kể từ đó các doanh nghiệp này không ngừng phát triển, trở thành những tập đoàn hàng đầu thế giới và đưa đất nước Hàn Quốc trở thành một trong những nền kinh tế phát triển.

Mặc dù nhiều người cho rằng hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á xảy ra tại Hàn Quốc năm 1997 phần lớn là do cơ chế của các Chaebol, nhưng cũng không thể không nhắc đến những thành quả “vĩ đại” mà những tập đoàn này đem lại cho đất nước. Sau đây là những tên tuổi đã và đang là những đầu tàu của nền kinh tế được mệnh danh là một trong “bốn con rồng Châu Á”.

1. Hyundai  

huyndai logo

Tập đoàn này do Chung Ju-yung thành lập năm 1947, lúc đầu là một công ty xây dựng, và từng là Tập đoàn (chaebol) lớn nhất Hàn Quốc. Tuy đã chia thành nhiều công ty nhỏ nhưng cái tên Huyndai vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn tại nước này trong cả về kinh tế lẫn chính trị.

Cũng giống như Samsung, LG, SK,… Hyundai là một tập đoàn có hàng trăm công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Có những cái tên là công ty đại chúng mà thương hiệu đã nổi bật trên thị trường chứng khoán như Hyundai Motor, Kia Motor  chiếm 5,4% GDP của Hàn Quốc.

Vào giữa những năm 1990 Hyundai bao gồm hơn 60 công ty con và hoạt động trong một phạm vi đa dạng bao gồm sản xuất, xây dựng, hóa chất, điện tử, dịch vụ tài chính ô tô, công nghiệp nặng và đóng tàu. Trong thời gian đó tập đoàn đã có tổng doanh thu hàng năm khoảng 90 tỷ $ và hơn 200.000 nhân viên. Vào đầu những năm 2000 Huyndai trở thành một trong những tập đoàn gia đình lớn nhất tại nước này.

Tuy nhiên, sau khi người sáng lập qua đời vào năm 2001, tập đoàn tuyên bố tái cấu trúc lại và Hyundai đã bị chia nhỏ thành những công ty độc lập riêng lẻ.

Mặc dù phần lớn tài sản của Hyundai đã mất đi, nhưng tập đoàn Hyundai vẫn hoạt động. Các công ty con (có quy mô rất lớn) đáng lưu ý khác gồm Hyundai Elevator, Hyundai Merchant Marine, Hyundai Logistics, Hyundai Heavy Industries, Hyundai Corporation, Hyundai Construction và Hyundai Securities. Tất cả các ngành công nghiệp nặng của Hàn Quốc đều có thị phần của Hyundai. Chủ tịch hiện nay là Hyun Chung-eun, góa phụ của cố chủ tịch Chung Mong-Hun.

Hyundai là một hãng rất nổi tiếng về sản xuất xe ô tô và mô tô ở một vài quốc gia trong đó: Hoa Kỳ là thị trường chính của những chiếc xe này. Hiện tại Hyundai Motor là tập đoàn ô tô lớn thứ 4 thế giới sau Toyota (Nhật), General Motors (Mỹ) và Volkswagen (Đức)

2. Daewoo

daiwoo

Daewoo là một Chaebol của Hàn Quốc được thành lập ngày 22 tháng ba 1967 với cái tên Daewoo Industries.

Ban đầu tập đoàn này tập trung vào lĩnh vực quần áo và dệt may do lợi thế nguồn lao động dồi dào và giá rẻ tại Hàn Quốc. Qua các kế hoạc 5 năm của chính phủ Daewoo được hưởng lợi rất nhiều từ các khoản vay giá rẻ cho việc xúc tiến các kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu.

Vào những năm 1973 – 1981 khi mà nền kinh tế của Hàn Quốc phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của nước ngoài, Daewoo cũng như rất nhiều các tập đoàn lớn khác bị bắt phải chuyển đổi sang các lĩnh vực như kỹ thuật cơ khí, điện, đóng tàu, hóa dầu, xây dựng, và các sáng kiến quân sự. 

Sự thay đổi cơ cấu không làm khó được Daewoo mà tập đoàn này ngay lập tức giành được một danh tiếng tốt trong sản xuất tàu vận tải và giàn khoan dầu với giá cả cạnh tranh.

Trong thập kỉ tiếp theo, chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện chính sách mở cửa tự do. Các công ty tư nhân nhỏ được khuyến khích, hạn chế bảo hộ nhập khẩu đã được nới lỏng để khuyến khích thương mại, điều này buộc các tập đoàn phải tích cực hơn trong các cuộc cạnh tranh nước ngoài.

Daewoo đã phản ứng lại sự thay đổi này một cách tích cực nhất. Hãng thiết lập một số liên doanh với các công ty Mỹ và châu Âu. Sau đó mở rộng xuất khẩu máy móc, sản phẩm quốc phòng, các sản phẩm bán dẫn và bắt đầu sản xuất máy bay trực thăng và máy bay dân sự, giá rẻ hơn đáng kể so với các đối tác của hãng tại Mỹ. 

Việc kinh doanh thuận lợi khiến Huyndai mở rộng những nỗ lực trong ngành công nghiệp ô tô và cũng nhanh chóng đạt được thành công khi được xếp hạng là nhà xuất khẩu thứ bảy và sản xuất xe hơi lớn thứ sáu trên thế giới.

Trong suốt quãng thời gian từ năm 1980 đến những năm 1990, thì Daewoo chính là một trong những tập đoàn quyền lực nhất Hàn Quốc chỉ đứng sau Huyndai group.

Tập đoàn Daewoo bắt đầu rơi vào khó khăn  khi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 xảy ra , mối quan hệ ngày càng mỏng với chính phủ Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Kim Dae Jung  và chính sự quản lý tài chính yếu kém khiến cho tập đoàn bắt đầu rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Chỉ trong vòng một năm hãng thua lỗ tổng cộng 550 tỷ won (458 triệu USD) và chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Vào cuối năm 1997, bốn tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc  có những khoản nợ gấp gần năm lần vốn chủ sở hữu của họ. Trong khi Samsung và LG qua những lần cải cách đã giảm số nợ xấu thì Daewoo lại tiếp tục thua lỗ thêm đến 40%. Đến năm 1999, Daewoo, tập đoàn lớn thứ hai ở Hàn Quốc có lợi ích ở khoảng 100 quốc gia bị phá sản, với khoản nợ khoảng lên đến 80 nghìn tỷ won (84,3 tỷ USD) qua đó trở thành một trong những vụ phá sản nổi tiếng nhất Thế giới.

Phạm Tùng (T.H)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang