Chân dung kẻ thâu tóm 51% Pepsi Việt Nam

author 19:57 17/06/2013

(VietQ.vn) - Với 200 công ty con nằm rải rác khắp thế giới, Suntory - đại gia vừa thâu tóm 51% cổ phần Pepsi Việt Nam - là cái tên quen thuốc với giới sản xuất thực phẩm và nước giải khát.

Suntory là tập đoàn kinh doanh thực phẩm và nước giải khát lớn tại Nhật Bản được thành lập năm 1899 bởi Shinjiro Torii. Lúc mới thành lập, công ty này có tên là Kotobukiya chuyên sản xuất rượu nho và Whisky.

Kotobukiya là công ty đầu tiên sản xuất rượu Whisky tại Nhật từ những năm 1929. Tận dụng lợi thế là người tiên phong, Kotobukiya mở rộng sản xuất sang lĩnh vực bia và quán bar những năm 1950- lĩnh vực kinh doanh mới mẻ lúc bấy giờ tại đất nước châu Á truyền thống này. Năm 1963, Kotobukiya đổi tên thành Suntory sau hơn 60 năm thành lập.

Kotobukiya (tiền thân của Suntory) là hãng đầu tiên sản xuất rượu Whisky tại Nhật Bản
Kotobukiya (tiền thân của Suntory) là hãng đầu tiên sản xuất rượu Whisky tại Nhật Bản

Sau khi đổi tên, công ty này tiến hành mở rộng quy mô sản xuất sang các mảng khác như nước giải khát, trà xanh,…và tiến ra nước ngoài. Những năm 1980, Suntory bận rộn đặt chân đến các nước bằng hàng loạt thương vụ như : thâu tóm Pepsi Cola bottlers tại Mỹ năm 1980, rượu Château Lagrange của Pháp năm 1983, gia nhập thị trường bia Trung Quốc bằng việc thành lập China Jiangsu Suntory năm 1984,…

Không chỉ tiến ra nước ngoài, Suntory còn ghi dấu tại Nhật Bản bằng việc tiên phong đưa các thương hiệu quốc tế vào thị trường nội địa như Carlsberg năm 1986, ký hợp đồng nhượng quyền thương mại với Pepsico năm 1997, Starbucks năm 2005.

Suntory có tên giao dịch là Suntory Holdings Limited hoạt động dưới hình thức tập đoàn với 7 tập đoàn con gồm: Suntory Berverage & Food Limited Group Companies, Suntory Liquors Limited Group Companies, Suntory (China) Holding Co., Ltd, Group Companies,… Mỗi công ty, tập đoàn con này lại đầu tư vào hàng loạt công ty tại khắp thị trường của Suntory gồm Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Mỹ, Đông Nam Á.

Năm 2012, Suntory mua lại 51% cổ phần của PepsiCo Vietnam và đổi tên thành Suntory Pepsico Việt Nam.

PepsiCo cho biết, công ty này sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm về hoạt động marketing và sáng tạo cho các thương hiệu đồ uống của hãng tại thị trường Việt Nam Pepsi-Cola, 7-UP, Sting, Mirinda, Tropicana Twister, Lipton và Aquafina. Liên doanh giữa PepsiCo và Suntory sẽ là nhà đóng chai cho cả hai hãng đồ uống này tại Việt Nam. Trước khi hợp tác tại Việt Nam, PepsiCo và Suntory đã hợp tác thành công ở một số thị trường khác, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và New Zealand.

Cỗ máy kiếm tiền cỡ lớn

Người khổng lồ Suntory hiện sở hữu hơn 28.700 nhân viên (tính đến 31/12/2012) trên khắp thế giới với hơn 200 công ty con. Năm 2012, tập đoàn này thu về 1851 tỷ Yên doanh thu và 103 tỷ Yên lợi nhuận từ hệ thống kinh doanh trên khắp thế giới. Tuy nhiên năm vừa qua mặc dù doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận của Suntory sụt giảm so với năm 2011 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và giảm giá của đồng Yên.

Hoạt động kinh doanh của Suntory qua các năm
Hoạt động kinh doanh của Suntory qua các năm

Hoạt động kinh doanh của Suntory chia làm 3 mảng gồm: Thực phẩm và đồ uống không cồn, Đồ uống có cồn và loại hình kinh doanh khác ( thực phẩm chăm sóc sức khỏe, rượu, nhà hàng…). Mặc dù kinh doanh rượu là lĩnh vực kinh doanh truyền thống của Suntory nhưng mảng hoạt động này ngày càng bị thu hẹp bởi các sản phẩm đồ uống không có cồn khi khi chỉ còn chiếm 30% doanh thu.
 

Cơ cấu hoạt động kinh doanh của Suntory tính theo doanh thu
Cơ cấu hoạt động kinh doanh của Suntory tính theo doanh thu

Cũng nhờ cỗ máy khổng lồ này mà ông chủ của Suntory- Nobutada Saji cùng gia đình kiếm bộn tiền và sở hữu khối tài sản khổng lồ. Nobutada Saji điều hành Suntory từ năm 1999, ông là thế hệ thứ 3 của người sáng lập nên tập đoàn này. Từ khi điều hành tập đoàn, Nobutada tập trung vào việc mở rộng Suntory ra nước ngoài bằng việc thâu tóm sáp nhập. Những thương vụ đình đám kể từ khi Nobutada điều hành Suntory có thể kể đến như thâu tóm tập đoàn Orangian Schweppes của Pháp, Frucor Beverages của New Zealand.

Theo Forbes, hiện Notutada Saji có tài sản ròng 1,4 tỷ USD, là người giàu thứ 15 tại Nhật Bản và đứng thứ 1031 trên thế giới năm 2012. Tuy nhiên thứ hạng của Nobutada năm vừa qua sụt giảm đáng kể so với vị trí 93 năm 2010. Nếu xét lượng tài sản của toàn bộ gia đình Nobutada thì họ sở hữu khối tài sản 10,7 tỷ USD, là gia đình giàu thứ 2 tại Nhật Bản.

Văn Khoa (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang