Chân dung ông chủ tập đoàn lớn nhất Ấn độ

author 08:49 04/10/2012

(VietQ.vn) - Cyrus Mistry, 43 tuổi, người kế nhiệm cương vị điều hành tập đoàn Tata của Ấn Độ, có một lý lịch khá mờ nhạt.

 

 

Ông từng điều hành công ty xây dựng Shapoorji Pallonji & Co của gia đình. Cyrus Mistry sẽ có thời gian để tìm hiểu công việc trước khi trở thành Chủ tịch tập đoàn, thay cho người tiền nhiệm Ratan Tata sẽ nghỉ hưu vào tháng 12/2012.

Cuối cùng, vào cuối tháng 11 vừa qua, Tata Sons - công ty nắm giữ phần lớn cổ phần trong các công ty con của Tata Group - đã xướng tên người kế vị Ratan Tata, Chủ tịch lâu năm của Tata Group, chấm dứt sự lơ lửng về chiếc ghế được trông đợi nhất trong giới kinh doanh Ấn Độ. Tuy nhiên, tên người được xướng lên lại gây không ít bất ngờ. Người đó là Cyrus Pallonji Mistry, một nhà điều hành không mấy tên tuổi với tuổi đời còn rất trẻ - 43 tuổi. Tata Sons cho biết, ông Mistry được chỉ định làm Phó Chủ tịch Tata Group với hiệu lực tức thì và sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch khi Ratan Tata về hưu vào tháng 12/2012.

Cyrus Mistry là ai? Liệu ông có thể lãnh đạo tập đoàn lớn nhất Ấn Độ với hơn 80 tỉ USD doanh thu?

Lý lịch mờ nhạt

Mistry học chuyên ngành kỹ sư dân dụng tại Trường Đại học Imperial ở London và học quản lý tại Trường Kinh doanh London trước khi về làm việc tại Shapoorji Pallonji & Co, công ty xây dựng của gia đình ông. Cha ông - Pallonji Mistry là cổ đông lớn nhất trong Tata Sons với 18% cổ phần và giá trị tài sản ròng 7,6 tỉ USD (theo ước tính của Forbes).

Mistry là thành viên hội đồng quản trị của Tata Sons từ năm 2005 và hồ sơ về năng lực điều hành của ông chỉ gói gọn trong quãng thời gian cầm cương tại Shapoorji Pallonji & Co kể từ năm 1994. Mistry tỏ ra là một nhà lãnh đạo giỏi khi đã làm tăng mạnh doanh thu của mảng xây dựng ở Shapoorji lên mức xấp xỉ 1,5 tỉ USD từ mức 20 triệu USD vào năm 1994. Theo một báo cáo của Công ty, “dưới sự quản lý của Mistry, Shapoorji đã làm được nhiều cái đầu tiên ở Ấn Độ như xây dựng những tòa tháp căn hộ cao nhất, cầu sắt dài nhất, ụ tàu lớn nhất… Bộ phận xây dựng của Công ty đã có mặt tại hơn 10 quốc gia”. Một trong những công trình ghi dấu ấn của Mistry là dự án phát triển công viên công nghệ sinh học lớn nhất Ấn Độ gần Hyderabad, một dự án hợp tác với chính quyền Andhra Pradesh.

Ajit Rangnekar, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Ấn Độ tại Hyderabad, cho biết Mistry là một nhà điều hành thông minh. Tuy nhiên, khiếm khuyết lớn nhất của Mistry chính là sự thiếu kinh nghiệm toàn cầu. “Ông ấy đến từ một công ty gia đình có quy mô tương đối nhỏ, chủ yếu hoạt động tại Ấn Độ, trong khi lĩnh vực kinh doanh của nó lại hoàn toàn khác biệt với một tập đoàn phức tạp như Tata”, ông Rangnekar nói.

Khi Ratan Tata đảm nhiệm vị trí chủ tịch năm 1991, doanh thu của Tata Group chỉ là 5,8 tỉ USD nhưng nay con số này đã là 83,3 tỉ USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2011. Tập đoàn này sở hữu hơn 100 công ty tại hơn 80 quốc gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực như trà, công nghệ thông tin, ôtô, thép, hóa chất, khách sạn… Lực lượng lao động của Tập đoàn trên toàn cầu hiện lên tới hơn 425.000 người. Như vậy, xét về mặt doanh thu, Tata Group gấp Shapoorji tới 55 lần, còn xét về mặt lực lượng lao động, con số này là gấp 18 lần.

Gánh nặng ngàn cân

Sự thiếu kinh nghiệm của Mistry đã khiến cho không ít chuyên gia phân tích và nhà đầu tư lo ngại liệu ông có thể giải quyết những thách thức lớn mà Tata đang phải đối mặt.

Mặc dù Mistry kế thừa một tập đoàn quốc tế đang bành trướng mạnh mẽ, nhưng sự không chắc chắn lại đang chờ chực ở phía trước do những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới. Nền kinh tế Ấn Độ đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Hoạt động sản xuất công nghiệp đang giảm xuống, lạm phát đang tăng cao, đồng rupee giảm mạnh so với USD. Kinh tế thế giới cũng đang biến động khó lường, đặc biệt cuộc khủng hoảng nợ đang lan rộng tại châu Âu và sự phục hồi yếu ớt của nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, 58% doanh thu của Tata lại đến từ các thị trường bên ngoài Ấn Độ. Vì thế, sự sa sút ở các thị trường nước ngoài sẽ tác động tiêu cực đến tình hình lợi nhuận của Tập đoàn. Và thực tế, điều đó đang diễn ra tại các công ty con lớn của Tata Group như Tata Consultancy Service (TCS), Tata Motors và Tata Steel.

TCS, công ty con lớn nhất của Tata xét về mức vốn hóa thị trường, là công ty công nghệ thông tin lớn nhất Ấn Độ trị giá 2,2 tỉ USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của TCS đã chậm lại do bất ổn kinh tế tại Mỹ và châu Âu, vốn chiếm tới 2/3 thị trường của công ty này. Tại những lĩnh vực quan trọng khác, Tata Group cũng đang đối mặt với làn gió ngược. Tata Motors, nhà sản xuất chiếc xe giá rẻ Tata Nano cũng như 2 nhãn hiệu hạng sang Jaguar và Land Rover, giữa tháng 11 vừa qua, đã báo cáo mức giảm 16% lợi nhuận quý II/2011 trong khi doanh số bán ôtô giảm mạnh (do lãi suất tăng cao hơn và giá xăng dầu tăng) và lỗ tỉ giá lớn do đồng rupee giảm giá hơn 8% so với USD từ tháng 7-9.2011. Trong khi đó, nhà sản xuất thép Tata Steel lại đang chật vật với nhu cầu yếu và chi phí nguyên vật liệu tăng cao hơn.

Ngay cả bản thân sự bành trướng của Tata Group cũng đang tồn tại nhiều vấn đề. Kể từ khi lên nắm quyền, Ratan đã thâu tóm rất nhiều công ty trên thế giới, gần đây nhất là mua lại nhà sản xuất thép châu Âu Corus với giá hơn 12 tỉ USD năm 2007 và 2 nhãn xe cao cấp của Anh là Jaguar và Land Rover với giá 2,3 tỉ USD năm 2008. Đây là một trong những thách thức lớn nhất của Mistry: Làm sao để các thương vụ này tạo ra lợi nhuận từ số tiền quá lớn đã bỏ ra mua lại.

Khoan nói đến lợi nhuận tạo ra từ các thương vụ, chỉ riêng khoản nợ khổng lồ qua những năm đi thâu tóm cũng khiến Mistry phải đau đầu. Chỉ riêng thương vụ Corus và Jaguar & Land Rover đã khiến 2 kẻ đi thâu tóm Tata Steel và Tata Motors phải gánh món nợ tới 14 tỉ USD. Có thể thấy, mặc dù Tata đã tạo ra 83,3 tỉ USD doanh thu trong tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/2011 nhưng lợi nhuận chỉ đạt 5,8 tỉ USD. Điều này cho thấy chi phí và hiệu quả sáp nhập là bài toán mà Mistry phải tìm ra lời giải.

Vijay Govindarajan, Giáo sư Trường Kinh doanh Tuck thuộc Đại học Dartmouth, cho rằng thập kỷ tới sẽ là thời kỳ tăng trưởng chậm. Vì thế, câu trả lời duy nhất cho bài toán tăng trưởng trong thời kỳ này chính là cải tiến và theo ông, việc Mistry làm tốt nhiệm vụ này đến đâu sẽ quyết định sự thành công của Tata trong thập kỷ này.

Mặc dù có không ít người hoài nghi khả năng của Mistry, nhưng một số vẫn tin tưởng ở ông. Theo một nhà điều hành trong nội bộ Tập đoàn (không muốn nêu tên), “Cyrus là thành viên hội đồng quản trị của Tata Sons từ năm 2005 và là người thường đưa ra những kiến nghị rất thông minh và khả thi”. Và do đó, Mistry sẽ có thể đưa ra những sáng kiến để tạo ra động cơ tăng trưởng mới trong tương lai cho Tập đoàn.

Về sự thiếu kinh nghiệm của Mistry, ông Deepak Parekh, Chủ tịch của HDFC Bank (Ấn Độ), người đã biết Mistry trong 20 năm qua, cho rằng, không quá đáng ngại. Theo ông, với sự nhanh nhạy của mình, trong 1 năm làm việc ở vị trí Phó Chủ tịch, Mistry sẽ bắt kịp. Hơn nữa, “là thành viên hội đồng quản trị của Tata trong nhiều năm, Mistry đã chứng kiến và hiểu được những khó khăn mà Tata gặp phải”, ông nói.

Văn Giang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang