"Chân lý cội nguồn dân tộc sẽ chinh phục kiều bào"

author 17:57 03/02/2013

Trước thềm đêm hội dành cho 1.000 Việt kiều sẽ diễn ra tại Quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội tối nay 3/2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên quanh vấn đề về nguồn lực kiều bào.

Mỗi dịp tết đến xuân về, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao lại tổ chức chương trình “Xuân Quê hương” để đón chào những người con ở xa Tổ quốc về quê hương sum họp, chung vui đón chào năm mới với gia đình, đất nước.

Trước thềm đêm hội dành cho 1.000 Việt kiều sẽ diễn ra tại Quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội tối nay (3/2), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên quanh vấn đề về nguồn lực kiều bào.

Hình ảnh trong chương trình "Xuân Quê hương 2011". Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Hình ảnh trong chương trình "Xuân Quê hương 2011". Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách như thế nào đối với kiều bào để khuyến khích họ trở về với quê hương, luôn nhớ cội nguồn và có những hoạt động quảng bá Việt Nam tốt nhất ở nước ngoài?

Trong nhiều năm qua, kể từ khi chúng ta có nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài với một loạt các chính sách đã ban hành đã đáp ứng rất tốt yêu cầu của bà con kiều bào.

Đó là những chính sách về xuất nhập cảnh, chính sách về luật đầu tư, chính sách về luật quốc tịch, chính sách về việc kiều bào ở nước ngoài về Việt Nam đầu tư được sở hữu bất động sản…

Có rất nhiều vấn đề mà chúng tôi đang muốn trong thời gian tới đây sẽ cùng các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước luật hóa những định hướng cụ thể trong nghị quyết 36 để đưa nghị quyết 36 trở thành những định hướng cơ bản, đáp ứng được phần lớn những nguyện vọng của bà con kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài có mong muốn được đầu tư vào trong nước, hướng về đất nước, giúp cho đất nước có thêm nguồn lực quan trọng, đó là nguồn lực kiều bào như nghị quyết 36 đã khẳng định.

Thưa ông, như ông vừa nhắc đến chính sách đầu tư, vậy liệu còn có những vướng mắc gì mà chúng ta cần phải sửa đổi để giúp cải thiện điều kiện, môi trường trong nước ngày càng thuận lợi hơn cho những người Việt ở nước ngoài muốn về nước đầu tư?

Thực tế chúng ta vẫn luôn coi kiều bào là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, coi những nhà đầu tư Việt kiều ở bên ngoài về trong nước cũng như những nhà đầu tư trong nước nên bà con được áp dụng những chính sách ưu đãi như những nhà đầu tư trong nước.

"Trong thời gian tới, nguồn lực của kiều bào ta ở bên ngoài cần phải được tranh thủ tối đa, bởi nó vừa là nguồn lực quan trọng nhưng đồng thời cũng là mong muốn của bà con cô bác chúng ta được nhìn thấy một đất nước Việt Nam giàu mạnh".

Tôi cho rằng ở đâu đó vẫn còn có thể có những khó khăn, trục trặc thì chúng ta cần có những giải thích, khơi thông cách hiểu biết, nhận thức về các luật, các văn bản dưới luật để bà con có thể yên tâm đầu tư vào trong nước đúng với nhu cầu, đúng với quy định của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Tôi cho rằng thời gian tới đây sẽ có rất nhiều cải tiến, cải cách nữa cần phải áp dụng trong lĩnh vực đầu tư của bà con cô bác chúng ta ở nước ngoài về trong nước. Bởi tâm huyết, mong muốn của bà con cô bác chúng ta là đóng góp nhiều hơn cho đất nước, tất cả đều mong muốn xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình và phồn thịnh. Cho nên nguyện vọng chính đáng của bà con cô bác cần phải được đáp ứng.

Trong thời gian tới, nguồn lực của kiều bào ta ở bên ngoài cần phải được tranh thủ tối đa bởi nó vừa là nguồn lực quan trọng nhưng đồng thời cũng là mong muốn của bà con cô bác chúng ta được nhìn thấy một đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Trong năm 2012 vừa qua ông cũng đã có chuyến đi Mỹ, tiếp xúc với rất nhiều đối tượng kiều bào từ doanh nhân trí thức cho đến những nhóm kiều bào khác nhau có những quan điểm khác nhau. Vậy ông có thể nói gì về quan điểm đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài?

Có thể nói, ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc của chúng ta đang thấm dần vào từng tầng lớp, từng gia đình trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Trong chuyến đi Mỹ năm 2012 vừa qua, tôi đã có dịp tiếp xúc với những đối tượng kiều bào khác nhau, từ trí thức, sinh viên, doanh nhân cho đến cả những đối tượng đang còn có những hận thù với dân tộc.

Tựu chung, kể cả những người đang còn có những suy nghĩ khác về đất nước, họ chỉ nghe thông tin một chiều thì mong muốn của họ cũng là được trở về quê hương để cùng xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh. Tôi cho rằng đây cũng là mong muốn chính đáng.

Còn tất cả những khác biệt về nhận thức chính trị, khác biệt về những quan điểm tư tưởng thì tôi cho rằng họ sẽ tận mắt chứng kiến sự đổi thay của đất nước, với đà đi lên của dân tộc, với chân lý thực tế mà hiện nay chúng ta đang có, với vị thế của chúng ta, với tình cảm của tuyệt đại đa số bà con cô bác dành cho đất nước, cho dân tộc họ sẽ bị chinh phục.

Họ sẽ thấy được chân lý sự thật đó là cội nguồn dân tộc không thể tách rời cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Mong muốn được xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh là mong muốn hết sức chính đáng của mỗi bà con Việt Nam ở nước ngoài. Vì thế chúng ta phải đáp ứng mong muốn này, cố gắng tạo thuận lợi tối đa cho bà con có thể thực hiện thành công mong muốn của mình đối với cội nguồn dân tộc, với quê hương xứ sở, với nơi chôn nhau cắt rốn của họ… hoặc là có những người vẫn còn có người thân, dòng tộc ở trong nước, họ vẫn muốn nhìn thấy một Việt Nam không thua kém gì các quốc gia trên thế giới.

Theo Vietnam+

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang