Chặn thuốc lá lậu: Cuộc chiến chưa hồi kết

author 06:49 10/12/2019

(VietQ.vn) - Mặc dù tại nhiều địa phương, các lực lượng chức năng đã tiến hành đồng bộ các mặt công tác và bước đầu kiềm chế, đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá trên địa bàn cả nước nhưng hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Nhiều thủ đoạn buôn lậu thuốc lá tinh vi

Theo nhận định từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn ra ngang nhiên, thách thức pháp luật ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới Tây nam, nhất là các địa bàn trọng điểm như: Long An, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, TPHCM… Theo ước tính, trung bình mỗi ngày, lượng thuốc lá nhập lậu qua các tỉnh biên giới 400.000 – 500.000 bao các loại. Thuốc lá lậu được các đối tượng tập kết ở các kho hàng sát biên giới, chờ thời cơ thuận lợi sau đó dùng các phương tiện xuồng máy hoặc thuê người vác, vận chuyển băng qua đường biên giới. Sau khi vào nội địa, các “đầu nậu” dùng rất nhiều chiêu thức để vận chuyển.

Điển hình là việc dùng xe gắn máy vận chuyển đơn lẻ, thành nhiều chuyến để qua mặt các cơ quan quản lý. Nhiều trường hợp lao phóng với tốc độ cao, lạng lách gây tai nạn cho người tham gia giao thông.

Trong quá trình hoạt động, thuốc lá lậu được ngụy trang cất giấu rất tinh vi, các đường dây vận chuyển được tổ chức hoạt động rất chuyên nghiệp, đặc biệt là luôn có người theo dõi các lực lượng chức năng 24/24h… Thuốc lá lậu thường được các đối tượng vận chuyển vào ban đêm và thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động để né tránh lực lượng chức năng. Điều đáng nói, hiện nay các “đầu nậu” không chỉ thuê người dân mà còn “chọn” thuê các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy… vận chuyển thuốc lá nhập lậu nên khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, các đối tượng này thường rất manh động, chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ để tẩu tán tang vật.

Theo lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Cần Thơ, chiêu thức sử dụng ô tô khách để vận chuyển, tuồn hàng vào nội địa để tiêu thụ cũng đang được các đối tượng sử dụng thường xuyên. Đoạn quốc lộ 91 chạy qua địa phận tỉnh An Giang, tình trạng vận chuyển thuốc lá nhập lậu bằng xe gắn máy diễn ra một cách công khai. Cứ khoảng 20 giờ tối sau khi bốc hàng từ ghe trên kênh Vĩnh Tế lên xe, mỗi nhóm từ 3-5 xe gắn máy nối đuôi nhau phóng bạt mạng đến trung tâm Châu Đốc. Các đối tượng dùng ghe vận chuyển thuốc lá lậu từ biên giới Campuchia, sau đó cất giấu tinh vi bên trong các ngôi nhà khu vực bên sông Vĩnh Tế. Thời điểm vận chuyển hàng vào nội địa từ 19 giờ tối hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau, sau đó giao cho các "đầu nậu" phân phối đi các tỉnh thành.

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang cũng cho biết, còn có nhà xe chạy tuyến Châu Đốc – Long Xuyên tiếp tay vận chuyển thuốc lá lậu đi giao cho các điểm bán nhỏ lẻ. Nhà xe này đã nhiều lần bị bắt quả tang vận chuyển thuốc lá lậu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động và đổi tên. Thực tế, có rất nhiều nhà xe đã lợi dụng việc chở khách để chở hàng lậu kiếm lời.

Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng hình thức thuê xe tải trong ngày để vận chuyển với số lượng lớn. Nếu bị bắt giữ các phương tiện trên sẽ bị tạm giữ để phục vụ điều tra, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải vì các hợp đồng thuê xe dân sự. Đây cũng là một trong những khó khăn của lực lượng chức năng.

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng cho biết, lượng thuốc lá nhập lậu vào nội địa bị bắt giữ chỉ chiếm hơn 1% so với thực tế lượng nhập lậu tràn vào Việt Nam mỗi ngày. Tình trạng buôn lậu thuốc lá gia tăng và diễn biến phức tạp gây mất trật tự xã hội nghiêm trọng, mất an toàn cho đời sống nhân dân.

Ảnh minh họa 

Hậu quả to lớn, tác hại khôn lường

Theo phản ánh của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, giai đoạn 2013-2018, ngành thuốc lá chịu nhiều thách thức từ thuốc lá nhập lậu và bình quân tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lên đến trên 700 triệu bao mỗi năm, có năm chiếm tới 25% thị trường. Tuy nhiên lượng bắt giữ còn rất hạn chế so với tình hình thực tế. Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, từ ngày 1/10/2014 – 10/2019 các lực lượng chức năng cả nước đã bắt giữ, xử lý 52.375 vụ; tịch thu hơn 39 triệu bao; khởi tố hình sự hơn 917 vụ và trên 1.150 đối tượng.

Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2019, Tây Ninh bắt giữ 629 vụ, tịch thu 540.635 bao; Long An bắt giữ 895 vụ, thu giữ 1.569.974 bao; TPHCM bắt giữ 1.036 vụ, thu giữ 732.543 bao; Cần Thơ bắt giữ 541, thu giữ 182.482 bao; An Giang bắt giữ 613, thu giữ 573.175 bao; Đồng Tháp bắt giữ 635, thu giữ  302.173 bao…

Buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu không chỉ gây thất thu ngân sách Nhà nước, gây mất trật tự xã hội mà thuốc lá nhập lậu còn gây hiểm họa khôn lường đối với người sử dụng vì chất lượng không được một cơ quan nào kiểm soát. Thuốc lá nhập lậu không tuân thủ bất kỳ quy định nào của pháp luật Việt Nam, không in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, không ghi rõ nơi sản xuất, ngày tháng, năm sản xuất và thời hạn sử dụng, không dán tem thuốc lá, không thực hiện quy định về công bố chất lượng, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và lộ trình giảm Tar và Nicotin, do đó không kiểm soát được chất lượng khi tiêu thụ trên thị trường.

Theo lực lượng chức năng, thuốc lá lậu thường vận chuyển lén lút qua biên giới bằng đường sông, đường mòn, lối mở không được bảo quản theo quy định nên dẽ bị nấm men, nấm mốc phát triển, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng như ngộ độc, ung thư, thậm chí có thể gây tử vong khi sử dụng.

Điều đáng nói, không chỉ thuốc lá điếu nhập lậu không được kiểm soát chất lượng, hiện nay một lượng lớn thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát chất lượng cũng đang được nhập lậu vào nước ta và bày bán công khai tại các cửa hàng, chợ điện tử trên mạng xã hội. Điển hình, ngày 19/11 vừa qua, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Nẵng đã kiểm tra, thu giữ một lượng thuốc lá điện tử “khủng” nghi hàng lậu tại 2 kho hàng của ông Vũ Đức Phúc (trú Liên Chiểu, Đà Nẵng) gồm 207 máy hút thuốc lá điện tử, 1.622 lọ tinh dầu và 20 hộp phụ kiện sử dụng để hút thuốc lá điện tử. Đây là lô hàng thuốc lá điện tử lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện tại Đà Nẵng.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang