Chánh thanh tra Bộ Y tế nói gì về cáo buộc hối lộ quan chức trong ngành?

author 09:44 06/11/2014

Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Công an điều tra về thông tin Công ty Bio-Rad Laboratories (Mỹ) hối lộ quan chức y tế một số nước (trong đó có Việt Nam).

Ngày 5-11 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký văn bản gửi Bộ Công an sau khi có thông tin trên.

Cùng ngày, chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cũng có văn bản gửi các bệnh viện, sở y tế, đề nghị báo cáo ngay về Bộ Y tế tình hình mua sắm các sản phẩm do Công ty Bio-Rad cung ứng.

Phải làm minh bạch

Theo ông Chính, Công ty Bio- Rad đã ngừng hoạt động tại VN, nhưng trước đó có cung ứng nhiều hóa chất, thiết bị y tế, trong đó có các hóa chất sử dụng trong xét nghiệm tiểu đường, định nhóm máu, xét nghiệm sinh học phân tử...

Trao đổi với báo chí, ông Chính cho biết:

- Trong ngành y tế thì chưa có vụ việc tương tự, nhưng ngành giao thông vận tải thì đã có. Chúng tôi dự định sẽ sớm trao đổi với ngành giao thông vận tải về những kinh nghiệm trong xử lý vấn đề liên quan đến quốc tế.

* Thưa ông, từng nhiều năm làm giám đốc bệnh viện, ông có mua sắm thiết bị, hóa chất gì của Công ty Bio-Rad? Ông có biết gì về công ty này?

- Trước đây khi làm ở Thanh Nhàn, bệnh viện tôi không mua gì của Bio-Rad, tôi chỉ biết công ty này bán hóa chất, thiết bị y tế, một số hóa chất họ cung cấp là độc quyền, nếu họ ngừng cung cấp thì thị trường sẽ thiếu.

Hiện nay thông tin chúng tôi có được mới chỉ là trên báo chí, trong đó có lời khai từ Công ty Bio-Rad khi cho rằng họ đã chi hoa hồng 2,2 triệu USD ở VN.

Theo tôi, nếu có vấn đề này là chi cho các hợp đồng mua sắm thiết bị, chứ nếu mua hóa chất thì lượng tiền không nhiều đến như vậy.

* Chủ trương của Bộ Y tế trong vụ việc này là như thế nào?

- Tôi không dám nói chủ trương của Bộ Y tế, nhưng ở góc độ cá nhân người làm chánh thanh tra khi có thông tin như thế này là phải làm cho minh bạch.

Cần lần lại từ đầu, từ nơi công ty cung ứng, nơi bệnh viện mua hóa chất, thiết bị, qua đó mới xem có sai phạm không, sai phạm như thế nào.

Chúng tôi cũng sẽ đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan phối hợp điều tra vụ việc có văn bản gửi phía Mỹ, đề nghị cơ quan pháp luật của Mỹ cung cấp thông tin cho phía VN, xem ai liên quan, liên quan thế nào.

Tuy nhiên, nếu nói về việc xử lý vụ việc này sẽ nhanh hay chậm thì chúng tôi chưa nói được.

* Thưa ông, sau vụ việc của Bio-Rad, có nên có quy định như thế nào thì coi là “hoa hồng”, như thế nào thì coi là hối lộ hay không?

- Đây là một vấn đề phải xem xét.

Không ngạc nhiên về việc Bio-Rad “bôi trơn”

Giám đốc một công ty nhập khẩu và sản xuất trang thiết bị y tế tại TP.HCM cho biết sản phẩm của Bio-Rad chủ yếu bán ở những bệnh viện lớn có từ 500-1.500 giường bệnh hoặc có khoa xét nghiệm lớn hay những trung tâm chẩn đoán y khoa.

Có mặt ở VN cách đây khoảng chục năm, Bio-Rad nhanh chóng đẩy lùi một công ty nổi tiếng khác của nước ngoài, chiếm lĩnh được thị phần cung ứng thiết bị xét nghiệm và các sinh phẩm, test xét nghiệm trong lĩnh vực sinh hóa, huyết học và miễn dịch học.

Theo giám đốc này, một công ty muốn xin phép nhập khẩu sinh phẩm hay bất cứ sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế nào vào VN thì công ty đó phải làm hồ sơ theo đúng quy trình của Bộ Y tế và nộp Cục Quản lý dược hoặc Vụ Trang thiết bị y tế và công trình.

Khi có giấy phép, các công ty nhập khẩu mới tiến hành nhập khẩu hàng theo từng đợt. Sau đó, các công ty đi đấu thầu tại các bệnh viện, việc “bôi trơn” thường xảy ra ở khâu đấu thầu.

“Khi đọc thông tin trên báo về vụ việc Bio-Rad, tôi không hề ngạc nhiên về việc “bôi trơn” quan chức y tế của VN. Việc “bôi trơn” này nhằm mục đích cạnh tranh. Tôi cho rằng tiền bôi trơn chủ yếu là cho đơn vị, người sử dụng sinh phẩm” - giám đốc này nói.

Bác sĩ Rafi Kot - tổng giám đốc phòng khám Family Medical, TP.HCM - cũng khẳng định không ngạc nhiên về việc chi hoa hồng.

“Cách đây vài tháng, trưởng phòng nhân sự của phòng khám Family Medical ở Hà Nội tình cờ nhận được tin nhắn “đã nhận được tiền hoa hồng chưa?” từ người của Bio-Rad. Có thể là người này gửi nhầm tin nhắn.

Từ tin nhắn, tôi tìm hiểu và phát hiện Bio-Rad trả tiền cho tất cả khách hàng mua sản phẩm của họ tới 20% tiền hoa hồng.

Tôi đã sa thải tất cả nhân viên của phòng khám có nhận tiền hoa hồng khi mua hàng của Bio-Rad. Tôi cũng gửi email cho Bio-Rad hỏi tại sao lại làm như vậy thì được phản hồi đây là vấn đề rất nhỏ, mọi người đều làm vậy” - bác sĩ Rafi Kot bức xúc kể lại.

Theo ông Trương Hùng - phó chủ tịch Hội Thiết bị y tế VN, nguyên chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty Trang thiết bị y tế trung ương 2, trước đây Công ty Trang thiết bị y tế trung ương 2 có nhập khẩu ủy thác với mức phí rất nhỏ các sản phẩm cho Bio-Rad, nhưng sau đó ngưng nhập khẩu ủy thác.

Khi còn nhập khẩu ủy thác, ông thấy hoạt động của văn phòng đại diện Công ty Bio-Rad Laboratories Singapore không ổn, văn phòng đại diện không được phép kinh doanh nhưng họ vẫn cứ kinh doanh, đồng thời họ cũng làm nhiều việc để bán được hàng.

Chính Bio-Rad tự phát hiện lỗ hổng và tự chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện tại VN, cho nhân viên nghỉ việc rất nhiều.

Nga phản hồi vụ hối lộ của Bio-Rad

Bộ Y tế Nga vừa lên tiếng phủ nhận sự liên quan đến bê bối hối lộ của Công ty Bio-Rad Laboratories do thời điểm xảy ra vụ việc bộ này... có tên gọi khác.

Hãng tin RIA-Novosti dẫn lời thư ký báo chí Bộ Y tế Nga Oleg Salagai khẳng định không liên quan đến vụ hối lộ của Công ty Bio-Rad.

“Vụ việc liên quan đến những quyết định được đưa ra trong giai đoạn 2005-2010, khi đó Bộ Y tế Nga chưa có cấu trúc như hiện tại, các chức năng của cơ quan hành pháp trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe thuộc về Bộ Y tế và phát triển xã hội Nga” - ông Oleg Salagai giải thích.

Theo kết luận của các nhà điều tra Mỹ, Bio-Rad đã chi 7,5 triệu USD để hối lộ các quan chức ở Việt Nam, Thái Lan và Nga từ năm 2005-2010 nhằm “bôi trơn” công việc kinh doanh. Qua đó, Bio-Rad kiếm lợi phi pháp khoảng 35,1 triệu USD.

Ban Nội chính trung ương sẽ tìm hiểu vụ việc

Chiều 5-11, trao đổi với Tuổi Trẻ về thông tin liên quan đến hành vi của Công ty Bio-Rad Laboratories, một phó trưởng Ban Nội chính trung ương nói sự việc mới dừng lại ở mức độ thông tin trên báo chí.

Vì vậy, cần phải tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của các cơ quan chức năng có liên quan. Sau đó Ban Nội chính trung ương mới đưa ra được ý kiến chính thức.

Trong trường hợp có cơ sở, có căn cứ thì Ban Nội chính trung ương và các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ vào cuộc theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Theo Tuổi trẻ


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang