Chào đón các nhà khoa học thế giới đến Việt Nam

author 18:45 28/07/2013

Hôm nay 28-7, hội nghị khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9 khai mạc tại Quy Nhơn (Bình Định). Cao trào của hội nghị bắt đầu từ ngày 11-8, với sự hiện diện của năm nhà vật lý nổi tiếng từng đoạt giải Nobel, nhằm khánh thành Trung tâm quốc tế gặp gỡ khoa học và giáo dục liên ngành...

Tầm vóc toàn cầu

Gặp gỡ Việt Nam lần 9 có đúng là mang tầm vóc toàn cầu không? Hay là người viết bài này mắc chứng bệnh thích khoa trương, cường điệu? Phải nói thật, ban đầu tôi chỉ dè dặt dùng cụm từ “tầm vóc châu lục”. Nhưng, một anh bạn tôi từ thời trung học, nay là nhà vật lý hàng đầu đất nước, khẳng định dứt khoát cuộc gặp lần này mang “tầm vóc toàn cầu”.

GS Trần Thanh Vân hướng dẫn các nhà khoa học làm thủ tục ở khách sạn - Ảnh: Trường Đăng
GS Trần Thanh Vân hướng dẫn các nhà khoa học làm thủ tục ở khách sạn - Ảnh: Trường Đăng

Thật vậy! Điểm lại ngay ở các nước phát triển cao nhất như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật... cũng hiếm khi tổ chức được một cuộc hội nghị khoa học thu hút tới năm nhà bác học đoạt giải Nobel (ban đầu dự kiến là bảy, nhưng giờ chót đã có hai nhà khoa học bận không đến được), cùng một lúc sốt sắng tới dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 ở Quy Nhơn. Cho đến hôm nay, tôi biết chắc năm nhà Nobel sắp có mặt ở Quy Nhơn là S. Glashow, K. Klitzing, J. Steinberger, D. Gross và G. Smoot.

Tôi từng dự nhiều hội nghị vật lý quốc tế lớn ở Fermilab (Mỹ), Matxcơva (Nga), Bắc Kinh (Trung Quốc), Daegu (Hàn Quốc). Mỗi hội nghị cũng chỉ mời được một nhà Nobel. Phải nói, ngoài GS Trần Thanh Vân, khó có người nào khác “lôi cuốn” được nhiều trí tuệ vật lý đỉnh cao như thế. Sở dĩ ông làm được điều đó là do từ năm 1966 đến nay, gần nửa thế kỷ, ông không ngừng tổ chức rất thành công nhiều hội nghị quốc tế.

GS Trịnh Xuân Thuận có lần nói với tôi: “Ngay cả ở Mỹ, Pháp cũng hiếm có - hay nói đúng hơn là chưa có - một nhà vật lý nào như anh Vân đủ sức quy tụ các đồng nghiệp khắp năm châu, kể cả Mỹ, Nga, Trung Quốc”. Chính vì vậy, năm 2011, GS Vân mới trở thành người châu Á thứ 3 được Viện Vật lý Mỹ tặng huy chương Tate (Tate Medal).

Trong số những nhà bác học đến dự Gặp gỡ Việt Nam lần 9, tôi đặc biệt ấn tượng với J. Steinberger, người Mỹ gốc Đức. Ông đã có mặt tại Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất ở Hà Nội tháng 12-1993. Lúc bấy giờ chính quyền Mỹ chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận. Nước ta chưa mở đại sứ quán ở Washington D.C. Vì vậy, muốn tới Hà Nội, ông phải vượt qua bao tầng nấc vòng vo để làm visa. Nhưng ông không nản. Rồi thì, sau khi trở về, ông liền gửi một bức điện đến Tổng thống Bill Clinton đòi bỏ ngay cấm vận. Bây giờ quan hệ Việt Nam với Mỹ đã khác nhiều rồi, và ông trở lại, dù ở tuổi 92!

20 năm nhìn lại “Gặp gỡ Việt Nam”

Bên cạnh năm nhà bác học đoạt Nobel, còn có hơn 180 nhà vật lý đến từ 29 nước và vùng lãnh thổ, cùng 30 nhà vật lý người VN. Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Việt Thanh, GS Nguyễn Văn Hiệu và GS Trần Thanh Vân chủ trì việc tổ chức. GS Đàm Thanh Sơn, GS Phạm Quang Hưng, TS Nguyễn Trọng Hiền, TS Nguyễn Anh Kỳ, TS Nguyễn Thị Hồng Vân, TS Trần Ngọc Tiềm, TS Phan Bảo Ngọc, TS Phạm Ngọc Điệp, TS Nguyễn Thị Minh Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ Trần Hương Lan... góp nhiều công sức. Ngay GS Ngô Bảo Châu cũng sẽ dự cuộc gặp.

Chính những cái tên Việt này đã khiến tôi bồi hồi nhớ lại chuyện gần 20 năm trước. Tháng 12-1993, Hà Nội rét lắm. Thật may, lúc ấy tôi được mời dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất, tại nhà khách Bộ Quốc phòng. Trong lần đầu tiên ấy, tôi đã chuyện trò thân mật với anh Đàm Thanh Sơn, anh Nguyễn Trọng Hiền. Anh Sơn năm ấy 25 tuổi. Còn anh Hiền thì cũng chỉ nhỉnh hơn chút ít. Anh Sơn trình bày vắn tắt bản luận án tiến sĩ của anh về vật lý hạt. Liên Xô vừa tan rã, lạm phát phi mã, đồng rúp mất giá kinh khủng, nhiều người Việt bên ấy phải bươn chải, buôn bán linh tinh! Nhưng, Sơn vẫn cứ âm thầm theo đuổi ngành vật lý lý thuyết - một ngành vẫn bị không ít người coi là... “viển vông”, “vô bổ”. GS Đàm Trung Bảo, người cha của anh Sơn, cho tôi biết: Từ Paris, GS Vân đã gửi thư tỏ ý muốn giúp Sơn một ít tiền để anh đỡ túng quẫn, kèm theo lời dặn: Đừng bao giờ bỏ khoa học để đi buôn! Sơn điện về Hà Nội hỏi ý kiến cha mẹ. Cha anh trả lời: “Con nên cảm ơn bác Vân, nhưng cũng cho bác ấy biết gia đình ta hiện vẫn còn khả năng lo cho con”.

Cũng tại cuộc gặp năm 1993, Nguyễn Trọng Hiền giới thiệu kết quả chuyến anh đi khảo sát châu Nam Cực dưới vòm trời đông đen kịt, rét tới -100OC, để khám phá bí ẩn của bức xạ nền (background radiation) - vết tích “hóa thạch” của vũ trụ sơ sinh - cũng như về những ngôi sao lùn trắng (white dwarf) già nua còm cõi, ngày càng bé lại, nên mới bị gọi là “lùn”.

Hai thập niên đã trôi qua. Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Trọng Hiền cùng nhiều nhà vật lý trẻ năm ấy thành công ra sao thì nhiều bạn đọc đã biết, có lẽ tôi chẳng cần viết gì thêm.

Một mô hình tổ chức nghiên cứu đầu tiên ở châu Á

GS Trần Thanh Vân sáng lập Gặp gỡ Moriond năm 1966, khi ông 30 tuổi, và duy trì được cho tới tận hôm nay. Rồi sau đó ông mở thêm Gặp gỡ Blois, Gặp gỡ Việt Nam. Không gọi “hội nghị”, mà ông gọi là “gặp gỡ” để làm nổi rõ tính dân chủ, nhân văn. Đến dự, một tiến sĩ trẻ “nhỏ bé” cũng có thể gặp gỡ một vị Nobel “đại thụ” mà không sợ bị rợp bóng!

Ngoài các cuộc gặp gỡ, GS Trần Thanh Vân còn tổ chức một vài trung tâm bên bờ biển để các nhà khoa học có thể đến đấy vừa nghiên cứu vừa tắm biển. Ở Pháp, ông đã xây dựng thành công một trung tâm như thế bên bờ Địa Trung Hải.

Trở về nước, ông ra sức xây trung tâm đầu tiên ở châu Á theo mô hình đó, bên bờ biển Đông và cụ thể là ở Quy Nhơn. Vốn đầu tư là từ tổ chức khoa học do chính ông sáng lập và lãnh đạo.

Trên khoảnh đất rộng 200.000m2, vừa có bãi biển cát vàng, vừa có núi biếc và một dòng sông nhỏ hiền từ chảy qua, đang mọc dần lên một quần thể kiến trúc Pháp trang nhã, giấu mình giữa thiên nhiên xanh. Khu nhà hội nghị đã xây xong, sẽ làm lễ khánh thành vào sáng 12-8-2013. Nhưng đấy chỉ mới là công trình đầu tiên. Sẽ còn xây tiếp một khách sạn bốn sao, một nhà hàng lớn, những quán cà phê bên sông, trên sân thượng, những ngôi nhà gỗ hiên rộng (bungalow) dành cho gia đình, những ngôi “nhà trầm tư” (cogitum) cho bất cứ ai ưa cô đơn suy tưởng, như mấy “tay” toán lý thuyết, vật lý lý thuyết. Rồi sân tennis, bể bơi nước ngọt. Rồi nhà chiếu hình vũ trụ cho học sinh...

Các nhà khoa học và kỹ sư nước ta cũng như các nước khác trong khu vực, trên thế giới sẽ đến đây dự hội thảo, theo học chuyên đề, hoặc cùng làm việc bên nhau, liên ngành. Khi đến, có thể dẫn theo vợ, con hay người yêu. Làm việc trí óc căng thẳng thế mà vẫn được nghỉ ngơi, tắm biển. Rất tuyệt, phải không?

Theo Tuổi Trẻ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang